+Aa-
    Zalo

    Chàng sinh viên "chạy đua" từng ngày với sức khỏe của mẹ

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - "Mẹ đã 57 tuổi rồi, mỗi ngày trôi qua mẹ lại xa mình thêm một bước, nhưng mình vẫn luôn hi vọng khi mình có thể tự lo cho cuộc sống,mẹ vẫn còn để dõi theo mình".

    (ĐSPL) - "Mẹ đã 57 tuổi rồi, mỗi ngày trôi qua mẹ lại xa mình thêm một bước, nhưng mình vẫn luôn hi vọng khi mình có thể tự lo cho cuộc sống, mẹ vẫn còn để dõi theo mình và để mình được nuôi mẹ".

    Cuộc sống gia đình khó khăn vất vả nhưng thành tích học tập của Trương Văn Nam sinh viên năm 3, Đại học Ngoại ngữ Hà Nội chưa bao giờ khiêm tốn giống như số thành viên trong gia đình cậu.

    Khi sinh ra Nam chỉ có mẹ, lớn lên cũng nhờ vòng tay mẹ và các bác gái chăm sóc; nhưng 12 năm là học sinh chưa bao giờ Nam đánh mất danh hiệu học sinh giỏi, đến hôm nay khi chuẩn bị là sinh viên năm cuối khoa Sư phạm Trung (Đại học Ngoại ngữ Hà Nội) Nam cũng luôn là sinh viên giỏi.

    Số phận chàng sinh viên đạt giải nhất nghiên cứu khoa học

    Ba năm liền là sinh viên giỏi, giải nhất nghiên cứu khoa học trường Đại học Ngoại ngữ Hà Nội; tham dự cuộc thi hùng biện tiếng Hán Nam lọt vào dự bị vòng chung kết; tham dự giao lưu Hán ngữ tại Đại học Sư phạm Hà nội 2 do khoa cử đi... là những thành tích tuyệt vời mà Nam có được sau 3 năm là sinh viên.

    Căn nhà hai mẹ con đang sống tại xã Hà Châu, Phú Bình, Thái Nguyên là ngôi nhà mẹ Nam vất vả ngược xuôi buôn bán, làm ruộng kiếm tiền dựng nên từ hai bàn tay trắng. Dù cho nơi ấy vẫn hay dột mỗi khi mưa về nhưng với Nam đó là nơi ấm áp nhất, tự hào nhất mà cậu có được.

    “Ngày xưa mẹ chẳng được đi học ở đâu nên đến lượt mình mẹ chẳng tiếc bất cứ thứ gì để có thể lo cho mình được đi học như bao người khác. Mẹ làm ruộng, đi làm thuê, làm ra được thứ gì mẹ bán thứ đó những lúc không có tiền mẹ lại chạy khắp nơi vay mượn miễn sao mình có thể đến trường.” – Nam tâm sự.

    Nam cho biết thêm, việc "lăn lộn" ngoài đồng ruộng quanh năm suốt tháng khiến mẹ bị nhiễm chất độc từ các loại thuốc trừ sâu nên bà đau ốm liên miên, sức khỏe ngày càng  giảm sút nhưng nhà tiền ăn còn chẳng có lấy đâu ra tiền để đi chữa bệnh.

    Nhìn mẹ quằn quại trong cơn đau cậu chỉ biết khóc vì thương mẹ, trách bản thân chẳng thể nào có tiền để đưa mẹ đi chữa bệnh. “Mẹ đã 57 tuổi rồi, mỗi ngày trôi qua mẹ lại xa mình thêm một bước, nhưng mình vẫn luôn hi vọng khi mình có thể tự lo cho cuộc sống, mẹ vẫn còn để dõi theo mình và để mình được nuôi mẹ.” – Nam nghẹn ngào nói.

    Hoàn cảnh gia đình quá khó khăn nhưng chẳng thể nào cản bước nghị lực của chàng trai tuổi đôi mươi. Xa mẹ, xa các bác xuống Hà Nội học tập, Nam tự mình đi tìm cách kiếm tiền để không còn phải phụ thuộc vào số tiền nhỏ nhoi mà mẹ kiếm được mỗi tháng.

    Năm nhất đại học Nam ở nhờ nhà chồng của cô giáo dạy cấp 3 đang làm việc ở Hà Nội. Hàng ngày phải đạp xe 5km để đến trường nhưng với Nam đó chẳng phải là điều gì to tát vì ngày xưa còn học cấp 3 Nam vẫn hàng ngày đạp xe đến trường cách nhà 13km.

    Bước sang năm học thứ hai Nam quyết định ra trọ cùng một người bạn gần Đại học Công nghiệp Hà Nội để tiết kiệm chi phí ăn ở do cuộc sống bên trong nội thành quá đắt đỏ và vì cho dù mẹ có rất muốn cho tiền thì mẹ cũng chẳng có để cho; mà số tiền kiếm được từ làm thêm không đủ để trang trải cuộc sống hàng ngày. Tự mình đi làm thêm, dạy thêm Nam phải cố gắng chi tiêu tiết kiệm với suy nghĩ mình là con nhà nghèo không có điều kiện để ăn chơi đua đòi như những người khác.

    “Nghiên cứu khoa học là công việc mình vô cùng yêu thích, từ năm nhất, mình luôn ấp ủ có một đề tài khoa học để tăng cường vốn tiếng Hán của mình. Nhưng khi đó mịt mờ lắm, mình không biết làm gì, chọn cái nào, cũng lên thư viện nhưng chưa tìm được. Và một hôm vô tình đi qua hiệu sách Phạm Văn Đồng và đọc lại cuốn “tôi tài giỏi, bạn cũng thế”, mình rất ấn tượng với phương pháp học thông minh “sơ đồ tư duy” trong đó. Mình nghĩ có thể ứng dụng cách này vào học tập là rất tốt vì vậy đã đến gặp cô giáo Hà Thu khoa mình, được cô nhiệt tình giúp đỡ. Rất vui là khi mình đi bảo vệ đề tài “Ứng dụng phương pháp Sơ đồ tư duy cho sinh viên năm 2 khoa trung”, các thầy cô rất thích” – Nam cho biết.

    Số phận chàng sinh viên đạt giải nhất nghiên cứu khoa học

    Nam chia sẻ: “Mình ước mơ là một người thầy giáo thật giỏi, đem kiến thức và tình yêu dạy cho những em nhỏ, đặc biệt là những em nhỏ kém may mắn, nghèo vượt khó học giỏi. Nghề giáo từ thầy cô giáo yêu thương và giúp đỡ mình đã ăn sâu vào trái tim mình, và mình cũng muốn tiếp theo bước chân họ, trân trọng và giúp đỡ những cảnh đời kém may mắn hơn mình được đi học.”

    Cuộc sống gia đình khó khăn chẳng thể ngăn được ý chí và quyết tâm của chàng trai tuổi đời còn rất trẻ này. Chúc Nam có được nhiều thành công hơn nữa trong tương lai với phương châm sống “Nhà mình nghèo nên phải sống theo cách của con nhà nghèo, phải sống để cho mẹ và thầy cô tự hào về mình”.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/chang-sinh-vien-chay-dua-tung-ngay-voi-suc-khoe-cua-me-a47970.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan