+Aa-
    Zalo

    Mẹ Việt ở Tây kể chuyện con đi học mẫu giáo

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Con đi học quả là một cuộc hành trình đầy những điều bất ngờ, ngọt ngào và thú vị của tất cả các bà mẹ trên thế giới.

    Con đi học quả là một cuộc hành trình đầy những điều bất ngờ, ngọt ngào và thú vị của tất cả các bà mẹ trên thế giới.

    Ý – “Chú gà mái đẻ trứng trong sân trường”

    Khi mới sang Ý, mình gửi con ở một trường mẫu giáo tư. Đây là một ngôi trường tuyệt đẹp! Trường có một khu vườn rộng có ngựa Pony cho các bé cưỡi, nuôi gà thả tự do trong sân vườn trường và hàng ngày các bé được đi nhặt trứng gà đẻ, trường còn có chuồng dê, cừu, thỏ… Hàng ngày các bé được mang thức ăn đến cho các bạn cừu, dê, thỏ ăn, có khu vườn cho các bé tự trồng rau, cà rốt, dâu tây... Đến mùa các bé sẽ tự làm những người nông dân thu hoạch những sản phẩm của mình.

    Mẹ Việt ở Tây kể chuyện con đi học mẫu giáo

    Phụ huynh ở trường rất thân thiện, vì mình mới đến nên các phụ huynh khác đã chủ động làm quen với mình và giữ liên lạc với mình thường xuyên. Họ thường xuyên mời mình đưa con đến dự các buổi sinh nhật, hay rủ đi picnic hoặc xem phim cuối tuần. Lớp con gái mình có 16 bạn thì các bố mẹ quen biết nhau hết qua những buổi sinh nhật, picnic tập thể. Mối quan hệ ấy vẫn duy trì tốt đẹp cho đến bây giờ khi các bạn đã vào lớp 2 và chia tay mỗi bạn một nơi nhưng thỉnh thoảng các bố mẹ vẫn liên lạc và hẹn nhau để các bạn trẻ có thể gặp lại và chơi đùa với nhau. 

    (Chia sẻ của Mẹ Mỹ Hạnh, Olbia, Italy)

    Đức – “Đừng khóc ở trường nhé”

    Ở Đức có các “playgroup” nhận trẻ từ 1 đến 3 tuổi, khi bắt đầu đi học, các bạn đều đi dần từng bước, đầu tiên là thăm quan và làm quen với cô giáo cùng mẹ, xong đi học dần dần, từ 30 phút đến một tiếng. Bạn nhà mình là một “ca khó” vì bạn không sử dụng tiếng Đức, cũng không biết tiếng Anh nên khi đi học bạn cảm thấy rất lạc lõng vì không thể giao tiếp với cô giáo. Tháng đầu tiên, bạn khóc quá trời, mà cứ khóc nhiều quá là cô giáo cho đi về vì cô giáo ở trường này quan niệm trường học là nơi vui vẻ, không phải là chỗ để khóc lóc. Nếu trẻ khóc như thế có nghĩa là trẻ không sẵn sàng, không nên hối thúc con. Tất nhiên, không phải nhà trẻ nào ở Đức cũng quan niệm như vậy.

    Mẫu giáo ở Đức, những trường do hội cha mẹ quản lý có một điều rất hay là bố mẹ và nhà trường liên hệ chặt chẽ với nhau, bố mẹ phải lao động đóng góp với nhà trường. Nhà trường có một danh sách các công việc từ dọn dẹp lau bếp, hút bụi phòng chơi, dọn vườn, giặt giũ đồ đạc, vệ sinh đồ chơi, tuỳ theo tính chất và số giờ con đi học mà bố mẹ phải lao động cho trường. Nhờ những buổi vào trường lao động cùng bố mẹ cuối tuần, rồi thỉnh thoảng bạn được mang đồ chơi đến lớp mà bạn nhà mình dần quen hơn, vui vẻ hơn với trường lớp.

    (Chia sẻ của mẹ K.M.Nguyen, Aachen, Đức)

    Mỹ - “Cả trường đều biết tên con từ ngày đầu tiên đi học”

    Ở Mỹ, việc tiếp cận với cô hiệu trưởng rất dễ dàng vì phòng hiệu trưởng bao giờ cũng ở ngay cạnh cửa ra vào, nên nếu có ý kiến gì, phụ huynh có thể gặp gỡ và đóng góp ý kiến trực tiếp. Ngoài ra trường hay tổ chức các sự kiện nhỏ cho cả gia đình học sinh như đi xem phim, ăn kem, bữa tối tri ân phụ huynh học sinh, ngày của mẹ, của bố, của ông bà… để kết nối phụ huynh học sinh với nhau.

    Mẹ Việt ở Tây kể chuyện con đi học mẫu giáo

    Điều thích thú nhất khi mình đưa con đi học ngày đầu tiên là tất cả các cô ở trường (từ hiệu trưởng, cô lễ tân, cô giáo ở lớp, các cô giáo lớp khác đến cô phục vụ ăn)  đều biết mặt và chào đúng tên con. Và sau này đến khi con đi học qua cả 5 trường thì trường nào cũng vậy, tất cả giáo viên, nhân viên trong trường đều biết chính xác trẻ là ai. Điều này khiến mình rất yên tâm khi gửi con đến trường.

    Các cô giáo khi nhận xét về con đặc biệt không bao giờ so sánh với các bạn khác. Không bao giờ chê bai con dù có những việc con làm chưa tốt, mà chỉ mô tả sự việc và cố gắng giúp con khắc phục. Ví dụ như khi con mình mới chuyển sang ngôi trường thứ 5, sau 3 hôm đi học cô giáo nói chuyện thêm vào cuối ngày khi mình đón con, cô bảo: “Karl vẫn chưa biết cách chia sẻ đồ chơi với bạn, khi Karl đang chơi, có bạn tới gần là Karl hay cáu. Có vẻ như khi Karl chơi đồ mà mình thích thì tập trung cao độ và nếu có bạn khác tới cắt ngang thì Karl hay mất bình tĩnh. 

    Nhưng bạn cứ yên tâm, vì điều này với một đứa trẻ 3 tuổi là hoàn toàn bình thường, tôi đang dạy Karl cách cư xử với các bạn khi cảm thấy bị làm phiền, là hãy ra hiệu bằng tay và nói: Không, cám ơn bạn, bạn làm ơn dừng lại (nguyên văn là: No thanks, stop please!)”. Mình thấy xúc động lắm, vì thấy cô giáo chịu khó quan sát, tìm hiểu con trước khi nhận xét về con, và luôn đưa ra cách giải quyết tích cực. Và thực sự điều này có tác dụng lâu dài, vì với em gái ở nhà, khi anh lớn thấy bị làm phiền cũng làm y như vậy với em.

    (Chia sẻ của mẹ Trang Dương, Chicago, bang Illinois, Mỹ)

    Úc – “Mỗi em bé có một cuốn nhật ký ở trường”

    Việc lựa chọn trường ở Úc tùy thuộc vào độ tuổi của bé, với các bé dưới 2 tuổi thì sẽ phải lựa chọn dựa trên tiêu chí trường nào còn chỗ trống, với các bé lớn hơn hoặc khi có nhiều trường có chỗ trống có thể quan tâm đến vị trí của trường học (có gần nhà/chỗ làm của bố mẹ không), giá học phí, cơ sở vật chất và thầy cô giáo (phương pháp dạy học không phải là yếu tố quan trọng để lựa chọn một trường học). Khi đi học, cả bố mẹ và các cô đều không “lừa” bé, mà có thời gian cho bé chuẩn bị. Thời gian để chuẩn bị cho bé chính thức vào lớp là khoảng 1 tuần. Trong 1 tuần đầu, người nhà sẽ cùng đi học với bé, giúp bé quen với môi trường, bạn bè, thầy cô, sau đó để bé ở lại nhà trẻ, thời gian tăng dần qua mỗi ngày. Hết tuần khởi động bé mới chính thức đi học. 

    Trường của con trai mình thường 1 tháng 1 lần có tổ chức các sự kiện như BBQ, họp phụ huynh, làm từ thiện, cho các bé đi tham quan và mời bố mẹ tham gia cùng, sinh nhật của trường, lễ Noel... Có lần nhà trường tổ chức đồ ăn cho phụ huynh, có lần mỗi phụ huynh sẽ mang đến đóng góp. Đấy cũng là thời gian để các phụ huynh có thể làm quen với nhau và tăng cường giao lưu với nhau. 

    Trong lớp thường có treo ảnh của các con và ngày sinh nhật. Ở ngày sinh nhật nhà bếp sẽ đặc biệt làm cho các con 1 cái bánh và mời phụ huynh đến tổ chức sinh nhật cùng các con. Ngoài ra, mỗi con sẽ có một cuốn nhật ký to để ghi lại một số thời điểm, hình ảnh đáng nhớ của con trong năm học, cuối năm cuốn nhật ký sẽ được chuyển đến bố mẹ hoặc khi nào con chuyển trường sẽ được nhận cuốn sổ đó. Ngoài ra, mỗi ngày các cô đều ghi nhật ký các hoạt động vui chơi của con, bố mẹ đến đón con có thể đọc xem hôm nay con đã chơi gì và vui như thế nào. 

    (Chia sẻ của mẹ Ốc Hương, Sydney, Úc)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/me-viet-o-tay-ke-chuyen-con-di-hoc-mau-giao-a47293.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan
    Ở Pháp, thầy giáo nói gì trong buổi họp đầu năm?

    Ở Pháp, thầy giáo nói gì trong buổi họp đầu năm?

    Theo một nghiên cứu của báo La Croix thực hiện vào năm 2009 tại Pháp, với câu hỏi: “Trong 12 tháng trở lại đây, bạn có đọc 1 hay nhiều cuốn sách không, bất kể thể loại nào, trừ sách học tại trường?”. Kết quả cho thấy có 69\% dân Pháp đọc, nhóm đọc nhiều là trên 20 cuốn/ năm, nhóm đọc ít là từ 1 đến 5 cuốn/ năm.