Với bàn tay khéo léo cùng sự tỉ mẩn, Vàng Tín Phát đã biến rác thải nhựa thành những mô hình siêu tí hon có màu sắc và hình dáng bắt mắt.
Vàng Tín Phát khéo léo tạo các mô hình tí hon từ rác thải nhựa - Ảnh: VTC News |
Vàng Tín Phát (SN 1998, quê Tiền Giang) là anh chàng thiết kế đồ họa và thủ công bán thời gian tại TP.HCM. Cậu có khả năng tái chế rác nhựa thành các sản phẩm tí hon (có tên tiếng Anh là miniature) khiến nhiều người thán phục
Nói về ý tưởng làm đồ tí hon, Phát chia sẻ với Vnexpress: "Lúc xe ghé trạm dừng chân, mình mua một hộp cơm. Là người tuân thủ các quy tắc sống xanh nên mình cảm thấy áy náy khi phải vứt hộp nhựa vào thùng rác. Thế là, mình quyết định mang hộp cơm về tái chế".
Một mô hình do Phát làm được chia sẻ lên Facebook - Ảnh: VTC News |
Nếu như các bạn trẻ khác sử dụng đồ tái chế để tạo thành các mô hình nổi tiếng như tháp Eiffel, cầu Cổng Vàng (Golden Gate)... thì chàng trai Tiền Giang lại chọn cách thiết kế những thứ đơn giản nhưng gần gũi trong đời sống hàng ngày như nhà bếp, đồ dùng nấu ăn, các món ăn Việt...
Vật liệu được Phát sử dụng khá đa dạng, như vỏ hộp xốp dùng để làm tường, sàn, bàn ghế; nắp kim tiêm ở trạm y tế được dùng để làm chậu cây, ly; vỏ viên thuốc, vỏ chai, ruột bút bi và bất cứ đồ vật gì vứt đi đều có thể chế thành đồ handmade... Tất cả đều được vệ sinh sạch trước khi sử dụng.
Không gian bếp nhỏ xinh - Ảnh: VTC News |
Phát chia sẻ thêm, trước khi làm một mô hình hoàn chỉnh thì cậu sẽ lên ý tưởng về những đồ vật cần làm. Tiếp đó là vẽ phác thảo và cắt dán lại. Dụng cụ để "biến hình" mớ rác thải nhựa gồm keo sữa, dao cắt giấy, vật nhọn và một số kẹp gắp... Kích thước của đồ vật thật khi thành hình thường sẽ thay đổi so với bản phác thảo.
"Nhiều người nghĩ tái chế rác thải nhựa sẽ gặp nhiều khó khăn so với đồ có sẵn, tuy nhiên mình lại thấy nó dễ làm, dễ tạo hình trên bề mặt hơn. Thường mình sẽ mất từ nửa ngày cho đến một ngày để hoàn thiện một sản phẩm chế tác từ rác", anh chàng thiết kế đồ họa yêu môi trường chia sẻ với VTC News.
Suất bánh mỳ áp chảo được làm từ rác thải - Ảnh: VTC News |
Tuy nhiên, nói như thế không có nghĩa là Phát không gặp khó khăn gì khi chế tạo những mô hình siêu tí hon từ rác. Theo đó, cậu phải đau đầu tính toán kích thước sao cho phù hợp vì mô hình chỉ được giơi hạn dưới 6cm. Đó là lý do mà các đồ vật trong gia đình được làm siêu bé. Trong trường hợp muốn làm mô hình to, người làm bắt buộc phải sưu tầm, nhặt nhạnh thêm rác.
Tạo một địa chỉ Facebook để "khoe" sản phẩm và kêu gọi người trẻ sống thân thiện với môi trường, Phát dần được sử ủng hộ và đón nhận. Đặc biệt, sau khi đăng tải các mô hình tí hon không ít người còn nhắn tin cho Phát để hỏi mua. Tuy nhiên, do mới tập làm, lượng rác thải thu nhập không nhiều nên 9x chưa có ý định sẽ buôn bán sản phẩm, chỉ dự định tặng cho người thân, bạn bè.
Qua những tác phẩm, Tín Phát muốn gửi thông điệp: Dù bạn có theo đuổi lối sống xanh, nếu không may phải sử dụng đồ dùng nhựa một lần, hãy biến chúng thành những đồ dùng xinh đẹp thay vì xả rác ra môi trường, làm hại các sinh vật vô tội.
Quỳnh Chi (T/h)