Cậu bé là học sinh đang theo học tại một trường tiểu học tại tỉnh Giang Tô, Trung Quốc.
Cụ thể, vào ngày đầu năm mới khi vừa quay lại trường, cậu bé đã tặng phong bao đỏ cho giáo viên và các bạn cùng lớp. Điều quan trọng là số tiền này lên tới 25.500 nhân dân tệ (khoảng 900 triệu đồng).
Theo lời kể của cô giáo, lúc cậu bé lấy từ trong cặp sách ra một xấp tiền dày đặc, cô giáo đã rất sốc và vội vàng hỏi tại sao. Cậu học sinh sau đó đã bình tĩnh nói rằng cậu muốn chia số tiền may mắn của mình với giáo viên và các bạn cùng lớp. Cậu cũng đã cẩn thận tính toán ở nhà và chia phong bao lì xì cho cả lớp, tổng chi phí là 25.500 nhân dân tệ.
Cô giáo sau đó đã ngay lập tức ngăn chặn hành vi của học sinh và liên lạc với phụ huynh. Cha mẹ cậu bé khi biết chuyện cũng rất bất ngờ và cho biết họ hoàn toàn không biết gì.
Đáng chú ý, không phải toàn bộ số tiền gần 26.000 nhân dân tệ trong phong bì đỏ đều thuộc về cậu học sinh tiểu học này mà chúng là tài sản chung của cậu và em gái. Cậu bé học sinh tiểu học đã lấy tiền và muốn tặng phong bao đỏ cho cô giáo cũng các bạn cùng lớp mà không hề báo cho em gái.
Cậu bé sau khi bị cô giáo và bố mẹ ngăn cản đã rất bực mình và khó chịu khi ý tốt của mình đều bị mọi người phê bình và trách mắng.
Câu chuyện của cậu học sinh cũng thu hút nhiều bàn luận từ cư dân mạng.
Nhiều người cho rằng việc làm của câu xuất phát từ ý tốt là muốn chia sẻ và gắn kết tình bạn hơn. Một số người khác lại cho rằng cậu bé quá lãng phí và không nhất thiết phải mang lì xì để phân phát mới tạo sự gắn kết trong tình bạn. Ngoài ra không ít người cho rằng bố mẹ cần dạy cho con nhỏ cách quản lý tiền lì xì một cách hợp lý hơn.
3 mẹo dạy con quản lý và sử dụng tiền lì xì đúng cách
Để dành tiền phục vụ cho nhu cầu học tập
Phụ huynh có thể thương thảo với con về việc sử dụng tiền mừng tuổi để mua sắm trang thiết bị học tập còn thiếu, đóng học phí cho khóa học ngoại ngữ hoặc năng khiếu.
Để trẻ ý thức được trách nhiệm của bản thân với việc học, phụ huynh cần thường xuyên trò chuyện cùng con, thẳng thắn trao đổi với con về việc sử dụng tiền mừng tuổi cho kế hoạch này.
Sau khi trẻ đồng ý với kế hoạch đóng tiền học, mua dụng cụ học tập, trẻ sẽ cảm thấy tự hào và nỗ lực hoàn thành việc học hơn. Lâu dần, bài học về tính tự lập sẽ được khơi lên trong nếp sống của con trẻ.
Bỏ heo đất hoặc gửi tiết kiệm
Phụ huynh cần giáo dục cho trẻ về tính tiết kiệm và thói quen tích lũy cho tương lai. Việc sử dụng tiền mừng tuổi là cơ hội tốt để con thực hành bài học đó.
Việc ăn uống, học tập, sinh hoạt thường ngày của trẻ đã được bố mẹ lo chu toàn. Do đó, khoản tiền mừng tuổi của con thay vì tiêu xài hoang phí có thể bỏ heo đất hoặc gửi vào tài khoản tiết kiệm riêng để phục vụ cho tương lai.
Ngoài ra, phụ huynh cần định hướng rõ ràng với trẻ về khoản tiết kiệm này sẽ dùng vào việc gì trong tương lai, chẳng hạn mua máy tính, xe máy… khi con vào đại học.
Sẻ chia cho những cảnh đời bất hạnh
Bài học về sự sẻ chia, lòng tử tế và hành động thiện nguyện cần được trẻ thực hành thường xuyên. Tết là cơ hội tốt để dạy trẻ cách cho đi sau khi đã nhận được nhiều lì xì từ mọi người xung quanh.
Phụ huynh cần để trẻ hiểu không phải ai cũng sinh ra trong điều kiện đủ đầy và ấm no. Ngoài kia vẫn còn nhiều cảnh đời bất hạnh, cần sự sẻ chia: bạn nhỏ mưu sinh giữa ngày đông tháng giá, người neo đơn thiếu tấm áo lành lặn lúc xuân về, công nhân xa quê không có tiền về quê ăn Tết.
Hãy để trái tim trẻ biết rung động, thấu hiểu và đồng cảm trước những số phận bất hạnh. Phụ huynh hãy hướng dẫn trẻ chia nhỏ khoản tiền mừng tuổi của mình ra, dành riêng một khoản, dù ít ỏi nhưng đủ để dành tặng những người có hoàn cảnh khó khăn.
Thuỳ Dung(T/h)