Khi nào thực hiện kiểm định khí thải xe mô tô, xe gắn máy?
Bộ trưởng Bộ GTVT mới đây đã ban hành Thông tư số 47/2024/TT-BGTVT quy định trình tự, thủ tục kiểm định, miễn kiểm định lần đầu cho xe cơ giới, xe máy chuyên dùng; trình tự, thủ tục chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe cơ giới cải tạo, xe máy chuyên dùng cải tạo; trình tự, thủ tục kiểm định khí thải xe mô tô, xe gắn máy (Thông tư 47).
Trong đó, điểm đáng chú ý của Thông tư 47 là quy định về trình tự, thủ tục kiểm định khí thải xe mô tô, xe gắn máy. Cụ thể:
Đối với các xe mô tô, xe gắn máy có thời gian tính từ năm sản xuất đến 5 năm: Chủ xe không phải nộp hồ sơ kiểm định khí thải và không phải mang xe đến cơ sở đăng kiểm để kiểm định khí thải.
Giấy chứng nhận kiểm định khí thải đối với các xe mô tô, xe gắn máy được Cục Đăng kiểm Việt Nam thực hiện cấp chứng nhận kiểm định khí thải trên phần mềm quản lý kiểm định khí thải xe mô tô, xe gắn máy trên cơ sở kết quả chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe mô tô, xe gắn máy trong sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu lấy từ dữ liệu của Cục Đăng kiểm Việt Nam kết hợp cơ sở dữ liệu về đăng ký, quản lý xe cơ giới của Bộ Công an (quy định tại khoản 1 Điều 27 của Thông tư).
Đối với xe mô tô, xe gắn máy có thời gian tính từ năm sản xuất trên 5 năm: Chủ xe phải mang xe đến cơ sở đăng kiểm để thực hiện định khí thải và được cấp Chứng nhận kiểm định khí thải theo chu kỳ cụ thể như sau: trên 5 năm đến 12 năm chu kỳ kiểm định khí thải là 24 tháng/1 lần; trên 12 năm chu kỳ kiểm định khí thải là 12 tháng/1 lần.
Theo Thông tư 47 giấy chứng nhận kiểm định khí thải xe mô tô, xe gắn máy là giấy chứng nhận điện tử, được tích hợp dữ liệu với tài khoản định danh điện tử của chủ xe nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và các cơ quan chức năng trong việc quản lý, sử dụng và tuần tra kiểm soát.
Thông tư số 47/2024/TT-BGTVT khẳng định nỗ lực của Bộ GTVT trong việc cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục, thúc đẩy chuyển đổi số, đồng thời đảm bảo hiệu quả trong công tác kiểm định phương tiện, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường. Thông tư chính thức có hiệu lực từ 1/1/2025.
Trao đổi với PV ĐS&PL về vấn đề này, ông Nguyễn Tô An, Cục phó Cục Đăng kiểm Việt Nam, cho biết lộ trình áp dụng kiểm định khí thải xe mô tô, xe gắn máy hiện Bộ Tài nguyên & Môi trường chưa trình Thủ tướng Chính phủ ban hành. Khi nào có lộ trình thì mới bắt đầu thực hiện kiểm định khí thải xe mô tô, xe gắn máy.
"Quy định kiểm định khí thải mô tô, xe máy lưu hành phải tuân theo pháp luật về Môi trường. Cụ thể, theo quy định của điểm b khoản 2 Điều 102 của Luật Môi trường thì Bộ Tài nguyên & Môi trường có trách nhiệm chủ trì phối hợp với Bộ GTVT xây dựng và trình Chính phủ ban hành lộ trình áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải phương tiện giao thông cơ giới đường bộ lưu hành ở Việt Nam", ông An cho hay.
Theo quy định của luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ thì Bộ GTVT đã ban hành các văn bản (Thông tư quy định về trình tự thủ tục kiểm định khí thải xe mô tô, xe gắn máy; Thông tư quy định về trình tự thủ tục cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định khí thải xe mô, xe gắn máy) để sẵn sàng cho việc thực hiện kiểm định khí thải xe mô tô, xe gắn máy và trong đó có quy định về chu kỳ kiểm định khí thải của xe mô tô, xe gắn máy.
Ông An cho biết thêm, khi thực hiện lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải xe mô tô, xe gắn máy lưu hành được Thủ tướng Chính phủ ban hành sẽ phát sinh nhu cầu rất lớn, có thể dẫn đến ùn tắc phương tiện đến kiểm định khí thải do số lượng cơ sở kiểm định khí thải xe mô tô, xe gắn máy không đáp ứng được nhu cầu kiểm định khí thải xe mô tô, xe gắn máy theo quy định.
Do đó, Cục Đăng kiểm đã chủ động các phương án giải quyết vấn đề trên. Trong đó, chuẩn bị cơ sở pháp lý, vật chất kỹ thuật, phát triển các cơ sở kiểm định khí thải bằng việc tham mưu xây dựng trình Bộ GTVT ban hành 3 thông tư liên quan đến nội dung này.
Về cơ sở vật chất phục vụ kiểm định khí thải xe mô tô, xe gắn máy, không đòi hỏi quá nhiều yêu cầu. Cục Đăng kiểm thông tin ngoài việc phải trang bị thiết bị kiểm tra khí thải và máy tính có kết nối mạng thì diện tích tối thiểu quy định cho khu vực kiểm định khí thải là 15 m2/1 thiết bị và có thể dùng chung với hoạt động bảo dưỡng, sửa chữa xe.
Bên cạnh đó, Vụ Khoa học - Công nghệ và Môi trường và Cục Đăng kiểm sẽ nghiên cứu rà soát kỹ từ kinh nghiệm một số nước trong khu vực, phối hợp cùng Hiệp hội các nhà sản xuất, nhập khẩu xe máy Việt Nam đề xuất sử dụng các cơ sở bảo hành, bảo dưỡng xe mô tô, xe gắn máy của các đại lý bán xe và các cơ sở xã hội hóa để tham gia thực hiện kiểm định khí thải xe mô tô, xe gắn máy.
Cần phải có cơ chế, cách thức làm sao cho hiệu quả
Cùng trao đổi về vấn đề này, TS Nguyễn Xuân Thuỷ, chuyên gia giao thông cho biết bản thân ông hoàn toàn đồng tình với chủ trương này, việc áp dụng kiểm soát khí thải là vô cùng cấp thiết để bảo vệ môi trường.
Theo thống kê của Sở GTVT Hà Nội, tổng số phương tiện của Hà Nội đến tháng 4/2024 là trên 8 triệu, trong đó hơn 1,1 triệu ôtô, khoảng 6,9 triệu xe máy. Số xe máy đã sử dụng trên 10 năm chiếm hơn 72% làm gia tăng mức phát thải chất độc hại vào không khí nếu các xe cũ không được bảo dưỡng thường xuyên. Thành phố xác định nguồn gây ô nhiễm không khí chủ yếu là phát thải từ phương tiện giao thông đường bộ, chiếm 58 - 74% tùy từng thời điểm (phương tiện phát thải chính là xe máy, tiếp đến là xe tải và taxi) và nguồn bụi đường.
Khẳng định khí thải từ xe cơ giới, trong đó có xe máy, đang là một trong các nguyên nhân chính gây ô nhiễm môi trường trong đô thị. Vì vậy, việc quy định xe máy sẽ phải kiểm định khí thải là cần thiết. Tuy nhiên, cần phải có cơ chế, cách thức làm sao cho hiệu quả, phải chăng phân loại xe chủ yếu là số km đi lại, nếu dựa vào thời hạn mua xe thì không đúng, không công bằng.
Đưa ra dẫn chứng cụ thể, ông Thuỷ cho biết, một chiếc xe đã mua mấy chục năm, nhưng không được sử dụng thường xuyên, đi ít, khí thải không vượt mức thì không cần phải kiểm tra, thu hồi. Nếu lấy thời hạn để đo đạc thì mất thời gian, chi phí của người dân.
Theo các chuyên gia giao thông, quy định này là cần thiết, nhưng trong trước mắt sẽ làm ảnh hưởng tới quyền lợi trực tiếp của một bộ phận người dân đang sử dụng các phương tiện xe gắn máy để kiếm sống. Có thể họ biết rằng chiếc xe của mình không đảm bảo yêu cầu nhưng để họ có thể chuyển đổi sang một phương tiện khác thân thiện hơn như xe điện thì cần có thời gian cũng như chính sách hỗ trợ cụ thể.
Bên cạnh đó, một vấn đề cần quan tâm nữa là cách kiểm soát đối với các phương tiện xe máy. Bởi số lượng xe gắn máy đang được sử dụng nhiều năm, không chính chủ, qua nhiều lần mua bán cũng sẽ khiến lực lượng chắc năng gặp khó trong công tác quản lý, kiểm soát. Nếu không có sự chuẩn bị chặt chẽ, không có lộ trình cụ thể sẽ dễ dẫn đến việc chủ trương đúng nhưng khó đi vào đời sống, không phát huy được hiệu quả.