+Aa-
    Zalo

    Cao Sơn (Đà Bắc - Hòa Bình): Xử lý hời hợt 5 chòi bê tông xây trái phép, lấn chiếm suối Láo

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Năm chòi bê tông xây dựng trái phép, lấn chiếm dòng suối Láo sai phạm đã rõ ràng, UBND huyện Đà Bắc đã yêu cầu UBND xã Cao Sơn xử lý dứt điểm vi phạm theo đúng quy định của Pháp luật. Thế nhưng, UBND xã Cao Sơn lại hời hợt trong việc xử lý cưỡng chế tháo dỡ, để sự việc kéo dài gây hệ lụy trong công tác quản lý đất đai tại địa phương.

    Huyện nói một đằng, xã làm một nẻo!

    Như Đời sống & Pháp luật đã nêu ở bài trước, hộ gia đình ông Chu Văn Tý (trú tại xóm Rằng, xã Cao Sơn) ngang nhiên đổ đất lấn chiếm, xây dựng nhà (5 chòi bê tông) trái phép ven bờ suối Láo. Toàn bộ diện tích đất mà ông Tý xây nhà đều là đất nông nghiệp (đất rừng sản xuất) chưa được chuyển đổi mục đích sử dụng.

    1
     “Chòi bê tông” xây dựng lấn chiếm suối Láo không có dấu hiệu tháo dỡ mà tiếp tục hoàn thiện (Ảnh chụp đầu tháng 6/2023).

    Về nguồn gốc đất, trước đây phần đất này của Lâm trường Tu Lý (thuộc Công ty TNHH MTV Lâm Nghiệp Hoà Bình), sau này lâm trường Tu Lý không quản lý được nên đã trả lại cho địa phương từ cuối năm 2014.

    Theo phản ánh của dân xóm Rằng, diện tích đất trên, ông Tý đã bán cho người tên Hùng (quê huyện Thạch Thất, Hà Nội), người này bắt đầu xây dựng những căn nhà bê tông kiên cố từ giữa năm 2022.

    Cuối tháng 10/2022, UBND xã Cao Sơn tiến hành kiểm tra, kết quả xác minh cho thấy toàn bộ 7.433 m2  đất của ông Tý chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Ông Tý đã xây dựng 3 cái chòi diện tích 36m2, lấn chiếm ra dòng suối Láo 2 mét. Nội dung này cũng được báo cáo UBND huyện Đà Bắc, nhưng điều lạ là, trong văn bản báo cáo lại có đoạn khẳng định: “...diện tích này chưa được cấp sổ nhưng ông Tý sử dụng ổn định cùng các hộ khác từ trước năm 1990”.

    Đến tháng 3/2023, UBND huyện Đà Bắc đã có văn bản yêu cầu UB xã Cao Sơn thực hiện kiểm tra, xử lý hành vi vi phạm xây dựng 5 chòi bê tông trái phép, tăng thêm 2 chòi sau cuộc kiểm tra của UB xã Cao Sơn hồi tháng 10/2022.

    Tiếp theo vào tháng 4/2023, kết luận tại Hội nghị thường kỳ, Chủ tịch UBND huyện Đà Bắc lần nữa yêu cầu xã Cao Sơn phối hợp xử lý dứt điểm vi phạm trong việc cải tạo, san lấp mặt bằng, xây dựng trái phép tại khu vực suối Láo. Đình chỉ, phối hợp với lực lượng cưỡng chế sai phạm, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

    Chỉ đạo của UB huyện Đà Bắc là thế, nhưng việc cưỡng chế sai phạm lại được UBND xã Cao Sơn thực hiện ở mức tuyên truyền vận động, để hộ ông Tý tự giác tháo dỡ trước ngày 20/5/2023.

    2
    Báo cáo của UBND xã Cao Sơn gửi UBND huyện Đà Bắc cho biết việc khắc phục, tháo dỡ công trình vi phạm chỉ dừng lại ở mức “tuyên truyền vận động”.

    Việc tuyên truyền vận động tự giác chấp hành là điều cần làm, nhưng theo phản ánh và ghi nhận thực tế của phóng viên Đời sống & Pháp luật đầu tháng 6, cho đến thời điểm hiện tại cho thấy, hộ gia đình ông Tý chưa có động thái nào tháo dỡ công trình xây dựng trái phép. Việc không tháo dỡ công trình vi phạm phần nào cho thấy Quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 16/QĐ- UBND, ngày 4/4/2023 của UBND xã Cao Sơn không được thực thi nghiêm túc, đầy đủ. Ông Tý đã không tháo dỡ công trình trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày nhận được Quyết định xử phạt vi phạm hành chính.

    Dưới lạnh trên cũng... lạnh

    Luật Đất đai 2013 được Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ 1/7/2014, quy định rất rõ, đất nông nghiệp là tư liệu sản xuất chủ yếu phục vụ cho việc trồng trọt và chăn nuôi, không có mục đích để ở. Vì thế, người sử dụng đất không được xây dựng nhà ở, công trình trái phép trên đất nông nghiệp. Đồng thời Luật Đất đai cũng nghiêm cấm hành vi: Lấn chiếm, hủy hoại đất đai; Vi phạm quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đai đã được công bố; Không sử dụng đất, sử dụng đất không đúng mục đích...

    3
    Văn bản UBND huyện Đà Bắc yêu cầu UBND xã Cao Sơn thực hiện nghiêm túc, xử lý nghiêm hành vi vi phạm.

    Bên cạnh đó, Luật cũng quy định rõ vai trò, trách nhiệm của ủy ban nhân dân các cấp thực hiện việc quản lý nhà nước về đất đai ở địa phương. Hành lang pháp luật rất rõ ràng, nhưng nhìn từ sự việc ông Chu Văn Tý xây dựng trái phép 5 chòi bê tông, lấn chiếm dòng suối Láo có rất nhiều điều đáng bàn, cần chấn chỉnh. Việc xử lý sai phạm không nghiêm minh còn kéo theo nhiều hệ lụy, về lâu dài khiến việc quản lý nhà nước về đất đai ở Đà Bắc nói chung và xã Cao Sơn nói riêng trở nên khó khăn phức tạp hơn.

    Để có thêm thông tin, có góc nhìn khách quan xung quanh sự việc này, PV Đời sống & Pháp luật đã liên hệ, đặt lịch làm việc với UBND huyện Đà Bắc. Thế nhưng đã hơn 1 tháng trôi qua, UB huyện này vẫn chưa có thông tin phản hồi về sự việc. Phóng viên đã cố gắng liên hệ với ông Lường Văn Thi, Chủ tịch UBND huyện Đà Bắc nhưng ông này nhiều lần không trả lời.

    Đề nghị UBND tỉnh Hòa Bình cùng ngành chức năng liên quan sớm vào cuộc xử lý nghiêm minh hành vi xây dựng trái phép, lấn chiếm dòng suối Láo, tránh hệ lụy xấu trong công tác quản lý đất đai tại địa phương.

    Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.

    Hoàng Phương - Phú Nguyễn – Sỹ Anh 

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/cao-son-da-bac-hoa-binh-xu-ly-hoi-hot-5-choi-be-tong-xay-trai-phep-lan-chiem-suoi-lao-a584363.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.