(ĐSPL) - Phòng Cảnh sát môi trường, Công an tỉnh Hà Tĩnh vừa bắt tại trận một cơ sở giết mổ lợn trái phép.
Tin tức từ Phòng Cảnh sát môi trường, Công an tỉnh Hà Tĩnh cho biết, vào khoảng 3h ngày 11/11, tổ công tác của đơn vị phát hiện tại hộ gia đình bà Điện Thị Hương, trú xã Thạch Hưng, TP Hà Tĩnh đang tiến hành giết mổ lợn trái phép trong khuôn viên nhà.
Phòng Cảnh sát môi trường, Công an tỉnh Hà Tĩnh bắt tại trận gia đình bà Điện Thị Hương giết mổ trái phép. |
Tại hiện trường, các sản phẩm sau khi được giết mổ như thịt, nội tạng lợn, được bày la liệt trên nền nhà không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Tại đây, tổ công tác còn ghi nhận có 6 con lợn đã được giết mổ với tổng khối lượng thành phẩm khoảng 300kg. Ngoài ra, có 9 con đang được nuôi nhốt trong chuồng.
Theo trình bày của bà Hương, cơ sở giết mổ của gia đình bà là cơ sở giết mổ tự phát, không có giấy phép và bất kỳ hồ sơ, thủ tục pháp lý liên quan của các cấp có thẩm quyền cấp phép hoạt động giết mổ.
Trung tá Bùi Văn Long cho biết, sau khi tiến hành lập biên bản sự việc Phòng Cảnh sát môi trường, Công an tỉnh Hà Tĩnh đã vận chuyển toàn bộ sản phẩm trên về lò giết mổ xã Thạch Đồng, TP Hà Tĩnh để cơ quan Thú y kiểm dịch theo đúng quy định.
Quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm Điều 3. Các hình thức xử phạt vi phạm hành chính và biện pháp khắc phục hậu quả 1. Đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm, tổ chức, cá nhân vi phạm phải chịu một trong các hình thức xử phạt chính sau đây: a) Cảnh cáo; b) Phạt tiền. Mức tiền phạt tối đa đối với một hành vi vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm là 100.000.000 đồng. 2. Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, tổ chức, cá nhân vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm còn có thể bị áp dụng một hoặc các hình thức xử phạt bổ sung sau đây: a) Tước quyền sử dụng: Giấy Chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm; Giấy Tiếp nhận bản công bố hợp quy; Giấy Xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm; Giấy Xác nhận nội dung quảng cáo; b) Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm, trong đó bao gồm cả giấy tờ, tài liệu bị sửa chữa, tẩy xóa hoặc giả mạo hoặc do cấp sai quy định. 3. Ngoài các hình thức xử phạt quy định tại Khoản 1, Khoản 2 của Điều này, tổ chức, cá nhân vi phạm hành chính còn có thể bị áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khắc phục hậu quả sau đây: a) Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do vi phạm hành chính gây ra; b) Buộc thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, lây lan dịch bệnh do vi phạm hành chính gây ra; c) Buộc đưa ra khỏi lãnh thổ Việt Nam hoặc buộc tái xuất hàng hóa thực phẩm, phương tiện; d) Buộc thu hồi, tiêu hủy hoặc tái chế đối với thực phẩm, nguyên liệu thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm vi phạm; buộc thu hồi, tiêu hủy các tài liệu, phương tiện vi phạm, trừ trường hợp phải thu giữ để làm tang chứng, vật chứng cho việc xử lý tiếp theo; đ) Các biện pháp khắc phục hậu quả khác quy định cụ thể tại Chương II Nghị định này; e) Cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính phải chịu mọi chi phí theo quy định của pháp luật cho việc thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả. |
Chú ý: Thông tin pháp lý trong hộp nội dung này được trích từ nguồn trên mạng Internet, nên chỉ mang tính tham khảo. |
HỒ THẮNG
[mecloud]V2eQg1enSS[/mecloud]