Chị Nguyễn Thị Thúy (Hoàng Mai, Hà Nội) chia sẻ, do công việc thường xuyên ngoài trời, nhất là những ngày nắng nóng vừa qua, xuất hiện những nốt mẩn đỏ trên trán và lưng. Chị Thúy tự ra hiệu thuốc mua thuốc về bôi, mấy ngày có đỡ chút nhưng không dứt điểm, nốt mẩm ngứa càng dầy thêm. Vì lo lắng nên chị Thúy đến bệnh viện Da liễu Hà Nội để khám bệnh.
Sau khi thăm khám, bác sĩ chẩn đoán, chị Thúy bị dị ứng khi thời tiết nắng nóng và có thể dùng kem chống nắng nên bị kích ứng da, khi tự ý bôi thuốc dẫn đến viêm da.
Chị Ngọc Thu, (Đống Đa, Hà Nội) cũng cho biết, con trai 5 tuổi bị mẩn ngứa khắp người, nhà gần hiệu thuốc nên tiện mua thuốc cho con về uống và bôi nhưng cơn ngứa của bé không dứt và rất khó chịu. Cháu gãi nhiều và hay quấy khóc nên chị đưa cháu đi khám.
"Bác sĩ kết luận con tôi bị mề đay, khi thời tiết nắng nóng, tình trạng nổi mề đay càng nhiều, con da mồ hôi nên càng ngứa ngáy, khó chịu. Tôi cũng đã cho con uống mấy loại thuốc rồi nhưng không đỡ", chị Thu chia sẻ.
Chia sẻ với PV Đời sống & Pháp luật, Bác sĩ chuyên khoa II - Phó khoa khám bệnh - Bệnh viện Da liễu Hà Nội Lê Thị Chi Phương cho biết: Trong thời gian gần đây, nhóm bệnh nhân dễ bị tác động nhất trong những ngày nắng nóng chủ yếu là người già và trẻ em, đa phần là do những bệnh lý nhiễm khuẩn trên da như rôm sẩy, sẩn ngứa dẫn đến sẽ bị viêm da tiếp xúc dị ứng, bản chất là do dị ứng thời tiết nhưng có thể dị ứng do môi trường bên ngoài tác động. Khi cơ thể nóng quá sẽ tiết ra lượng mồ hôi nhất định nên đã suy giảm miễn dịch. Tiếp đó, từ những sẩn ngứa do bệnh nhân gãi chà xát quá nhiều sẽ dẫn đến bội nhiễm, và bội nhiễm này sẽ gây nhiễm khuẩn, nên những bệnh như chốc, viêm da cơ địa bội nhiễm sẽ bùng phát do gãi quá nhiều.
Ngoài ra, bệnh hay gặp nữa là nhiễm nấm ở trên da. Bệnh nấm da thường ít khi gây ảnh hưởng đến các cơ quan, tạng khác trong cơ thể, ít khi nguy hiểm tính mạng. Một số các biến chứng có thể xảy ra như ảnh hưởng đến thẩm mỹ, gây khó chịu cho người bệnh như ngứa , đau...
Bệnh nấm gia tăng ở những người làm việc ngoài trời nhiều mà lại không giữ gìn vệ sinh da, mặc bộ quần áo mồ hôi cả ngày. Các vị trí nhiễm trùng hay gặp là các vùng da kín, nhiều mồ hôi như nách, bẹn, kẽ chân, tóc , móng... Mặc dù ít khi gây nguy hiểm tính mạng người bệnh, tuy nhiên nhiễm nấm da thường gây bệnh trong khoảng thời gian dài, ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt của người bệnh.
Bác sĩ Lê Thị Chi Phương khuyến cáo, trường hợp bị mẩn ngứa và có tình trạng khác biệt trên da, người dân nên đến bệnh viện để được chuẩn đoán xác định và điều trị kịp thời. Bệnh ngoài da tưởng như đơn giản, nhưng nếu tự ý mua thuốc sử dụng mà không đúng loại thuốc dẫn đến bệnh lây lan và phức tạp hơn, không ít bệnh nhân khi đến viện bệnh nặng hơn và chữa sẽ lâu khỏi, ảnh hưởng đến sức khỏe và sinh hoạt hàng ngày.
Trung Dũng