+Aa-
    Zalo

    Cảnh báo từ chuyện hai lao động “chui” bỏ mạng ở Angola

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Gần đây tình trạng các đường dây, thậm chí cả doanh nghiệp hoạt động xuất khẩu lao động vẫn rầm rộ tuyển lao động ở nhiều địa phương để đưa sang Angola.

    Việt Nam chưa có bất kỳ ký kết thỏa thuận hợp tác lao động chính thức với Angola. Tuy nhiên, gần đây tình trạng các đường dây, thậm chí cả doanh nghiệp hoạt động xuất khẩu lao động vẫn rầm rộ tuyển lao động ở nhiều địa phương để đưa sang Angola.

    Lao động Việt liên tục bị cướp, giết tại Angola

    Những ngày này, người thân của anh Nguyễn Trọng Đ. (SN 1974) và chị Trần Thị Thu H. (SN 1979, là chị dâu của anh Đ.) ở thôn Phượng Sơn, xã Trường Lộc huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh, là 2 nạn nhân bị cướp sát hại tại nước cộng hòa Angola đang rất đau đớn, mòn mỏi ngóng tin việc đưa thi thể người thân về nước để an táng.

    Ngồi thẫn thờ bên hiên nhà, chị Phan Thị Hiếu, vợ nạn nhân Nguyễn Trọng Đ. buồn bã kể, năm 2016, sau một thời gian vợ chồng làm thuê ở miền Nam nhưng chẳng có đồng dư dật nên anh Đ. đã về về quê quyết tâm đi xuất khẩu lao động tại Angola với hy vọng sang đó chăm chỉ làm việc ít năm, gom góp ít vốn rồi về quê làm ăn.

    Thời gian đầu đến đất nước này, anh Đ. dù thu nhập không cao nhưng cũng khá hơn so với ở nhà đi làm thuê nên chị H. (chị dâu của anh Đ.) cũng gửi 2 con nhỏ cho ông bà ngoại ở xã Song Lộc (huyện Can Lộc) chăm sóc rồi sang Angola làm việc kiếm tiền gửi về nuôi con. Thế nhưng, chị vừa sang xứ người được 2 tháng, thì ở nhà, chồng chị là anh Nguyễn Trọng T. không may qua đời. Vì mới sang, chưa dành dụm được tiền nên dẫu chồng mất mà chị H. phải đành chấp nhận ở lại, không thể về quê chịu tang. Những tưởng hy sinh mọi thứ, chăm chỉ làm việc để có cơ hội đoàn tụ với các con, ngờ đâu, chị lại bị toán cướp xông vào phòng cướp tài sản rồi ra tay sát hại.

    Theo chị Hiếu, gia đình nhận được tin từ người quen làm việc ở Angola và Đại sứ quán Việt Nam ở Angola cho biết, anh Đ. và chị H. bị sát hại vào 2h ngày 20/5 khi đang ở trong nhà trọ tại tỉnh Lubango, cộng hòa Angola. “Trước đây, chồng chị H. cũng sang Angola làm việc, bị cướp tấn công dẫn đến tàn phế rồi sau đó vết thương tái phát mới đột ngột qua đời. Nay vợ cũng bị cướp sát hại nơi xứ người. Chồng mất, vợ cũng không còn, để lại 2 đứa con mồ côi. Tôi thì mất chồng, các con mất cha. Nỗi đau này ập xuống một lần, quá lớn cho đại gia đình tôi”, chị Hiếu đau đớn nói.

    Đáng nói, đây không phải là lần đầu tiên lao động Việt bị giết, cướp tại Angola. Trước đó, nhiều cái chết khác của người Hà Tĩnh khi đi lao động "chui" ở Angola cũng gây đau xót cho người thân. Cuối năm 2016, chị Hoàng Thị V. (SN 1987, ở thị trấn Thiên Cầm, huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) đang làm việc ở Angola đã đã bị một toán cướp vào phòng trọ, phá cửa cướp tài sản, rồi tẩm xăng đốt. Tháng 3/2016, anh Đặng Quốc N. (SN 1972, ở xã Cẩm Nam, huyện Cẩm Xuyên) và anh Nguyễn Viết H. (SN 1983, ở xã Sơn Thọ, huyện Vũ Quang) trong lúc lao động tại Angola bị một nhóm cướp ngoại quốc sử dụng súng trấn lột, sát hại. Thế nhưng ảo vọng về một cuộc sống đầy đủ, sung túc hơn từ những đồng tiền xương máu nơi xứ người đã khiến những lao động Việt vẫn bất chấp nguy hiểm để đi sang Angola bằng con đường “chui”.

    Chị Hiếu - vợ nạn nhân Đ. bị cướp tấn công, sát hại ở Angola

    Đánh cược mạng sống để thử vận may

    Nghe quảng cáo công khai cũng như “thiên hạ” rỉ tai đi xuất khẩu lao động sang Angola theo đường dây của một đơn vị môi giới cùng xã làm ăn rất hiệu quả, gia đình anh Nguyễn Công N. (29 tuổi, trú phường Nghi Hòa, TX.Cửa Lò, tỉnh Nghệ An) chạy vạy mượn 6.500USD để anh N. sang Angola làm việc. Toàn bộ mọi thủ tục giao tiền cũng chỉ giao kèo bằng miệng, không có giấy tờ gì. Anh N. đi theo đường du lịch, sang bên kia làm hộ chiếu giả với cam kết thu nhập 1.000 USD/tháng.

    Ngày 7/5/2012, anh N. sang xứ người bắt đầu công việc mưu sinh với ước vọng đổi đời. Tuy nhiên, anh phải sống chui lủi, có được công việc làm nhưng mức lương cũng chỉ 500 USD, bằng 1/2 so với những gì người đưa đi cam kết, trong khi chi phí sinh hoạt tại nước này thực sự đắt đỏ. Theo lời gia đình anh N., bức xúc trước thái độ của những người đưa đi, anh N. và 3 lao động cùng xóm đã chuyển sang làm việc cho một chủ thầu xây dựng khác, cũng là người Việt Nam.

    Làm việc được ít tháng, anh N. bị ốm. Do không chạy chữa dứt điểm, tham việc, anh vẫn tiếp tục đi làm khiến cho bệnh tình ngày càng trầm trọng. Chưa kịp nhận tiền từ con gửi về trả nợ, gia đình lại long đong vay mượn 6.000 USD để chuyển sang cho con chữa bệnh. Nhưng bệnh tình quá nặng, anh N. đã tử vong ngày 9/3 vừa qua, để lại khoản nợ bệnh viện khổng lồ lên tới hơn 150.000 USD (khoảng hơn 3 tỷ đồng).

    Theo ông Đặng Văn Dũng, Trưởng phòng Lao động- Việc làm, sở Lao động Thương binh và Xã hội (sở LĐ- TB&XH) tỉnh Hà Tĩnh, lao động đang làm việc tại Angola hết sức khó khăn, nguy hiểm bởi tình hình bất ổn về an ninh, tỉ giá đồng tiền Angola giảm mạnh so với đồng USD. Người lao động “chui” sang đó phải đối mặt với rất nhiều rủi ro, thậm chí là mất mạng.

    Để hạn chế lao động sang làm việc "chui" tại Angola nói riêng và một số thị trường lao động khác, sở LĐ- TB&XH tỉnh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho người dân hiểu được thị trường lao động phức tạp ở Angola. Thời gian tới, tỉnh sẽ ban hành một số chính sách hỗ trợ đào tạo nghề và việc làm cho lao động trên địa bàn; phối hợp với bộ LĐ-TB&XH tìm kiếm, mở rộng thị trường để đưa lao động sang làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

    Theo số liệu từ sở LĐ-TB&XH tỉnh Hà Tĩnh, toàn tỉnh hiện có gần 4.000 lao động đang sinh sống và làm việc tại Angola, chủ yếu đi theo con đường du lịch, thăm thân. Thời gian qua, tại Angola, đã xảy ra không ít vụ việc người lao động Hà Tĩnh bị tử vong do bị sát hại, bệnh tật và tai nạn giao thông. Mặc dù luôn trong tình trạng lo lắng, bất an, nhưng vì nhiều lý do, người lao động Việt Nam vẫn bám trụ tại đó, đánh cược mạng sống của chính mình.

    Theo các cơ quan chức năng, Việt Nam chưa có bất kỳ ký kết thỏa thuận hợp tác lao động chính thức với cộng hòa Angola. Bởi vậy, tất cả những lao động sang đây đều đi theo hình thức “chui” tiềm ẩn nhiều rủi ro khôn lường. Mới đây nhất, 2 lao động may mắn thoát được về Việt Nam đã lên tiếng tố cáo bị "tú bà” người Hà Tĩnh đã đến cơ quan công an cung cấp một số tư liệu và tố cáo bị “tú bà” tên H. ép bán dâm và truy sát tại Angola.

    Thượng tá Lê Xuân Thủy, Trưởng Công an huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh cho biết, đã tiếp nhận tố cáo của 2 lao động về việc họ bị một người phụ nữ trú tại huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh ép bán dâm và truy sát trong quá trình lao động tại Angola. Các điều tra viên của đơn vị đang tiến hành lấy lời khai của các nạn nhân để phục vụ công tác điều tra, làm rõ vụ việc. Hai lao động nói trên là chị H.T.T., trú phường Đông Lễ, TP.Đông Hà, tỉnh Quảng Trị và anh L.L.B., trú phường Sông Trí, TX.Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh. Liên quan vụ việc, ông Hoàng Chỉnh, Trưởng Công an xã Kỳ Khang xác nhận, bà H. là người trên địa bàn và vừa trở về từ Angola. Hiện, vụ việc đang được Công an huyện Kỳ Anh điều tra, làm rõ.

    “Sau khi nhận được hung tin (về cái chết của 2 người thân chị Hiếu-PV), đại diện sở LĐ-TB&XH Hà Tĩnh, chính quyền xã Trường Lộc, huyện Đức Thọ đã đến thăm hỏi, động viên, chia buồn với gia đình. Ở Angola, Đại sứ quán và cộng đồng người Việt cũng đã kêu gọi mọi người quyên góp để có tiền đưa thi thể 2 nạn nhân về nước theo nguyện vọng của thân nhân. Đây cũng là một hồi chuông để các lao động đang có ý định đi Angola phải cân nhắc, cẩn trọng”, ông Đặng Văn Dũng nói.

    Ngân Hà

    Bài đăng trên ấn phẩm báo giấy Đời sống & Pháp luật tháng số 24

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/canh-bao-tu-chuyen-hai-lao-dong-chui-bo-mang-o-angola-a279661.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan