Báo Dân Trí dẫn thông tin trên Business Insider cho biết, các bức ảnh và video về vũ khí giả mà Ukraine đăng tải cho thấy Kiev đang ngày càng nâng cấp cuộc đua sản xuất vũ khí “mồi nhử”.
Hồi đầu tuần, đoạn video về hệ thống radar “mồi nhử” AN/MPQ-64 Sentinel xuất hiện trên mạng internet. Ngoài ra, bức ảnh về hệ thống phòng không tầm trung IRIS-T phiên bản giả cũng được đăng tải.
Giới quan sát nhận định, những hình ảnh này cho thấy Ukraine đang sản xuất vũ khí giả nhưng chúng trông rất giống như thật. Mục tiêu của Ukraine là đánh lừa khiến Nga phải tiêu hao các tên lửa trị giá hàng triệu USD để phá hủy một mục tiêu vô giá trị.
Chẳng hạn, trong đoạn video, hệ thống AN/MPQ-64 giả thậm chí có cả một bộ phận không ngừng di chuyển, trông giống như đang hoạt động. Nếu nhìn bằng mắt thường từ xa, việc phân biệt vũ khí thật - giả sẽ rất khó.
Trong khi đó, mô hình IRIS-T có bệ phóng trông như thật và có thể nâng lên, tạo cảm giác như một hệ thống phòng thủ tên lửa thực thụ. Khi đoạn video về các “mồi nhử” được chia sẻ, trên các kênh Telegram của Nga cũng xuất hiện báo cáo về các đợt tấn công thành công của Nga vào hệ thống phòng không của Ukraine.
Các blogger quân sự đã ca ngợi cuộc tấn công, chia sẻ đoạn video về những gì họ cho là một cuộc tấn công của Nga nhằm vào hệ thống IRIS-T ở làng Lisne, thuộc vùng Kharkov.
Thế nhưng, các nguồn tin Ukraine phản bác rằng cuộc tấn công của Moscow thực ra chỉ đánh trúng một “mồi nhử”, mà không phải hệ thống IRIS-T thật. Vị trí đặt “mồi nhử” là một địa điểm phòng không đã bị bỏ hoang.
Theo báo Tuổi Trẻ, bài đăng trên Telegram của Insider UA (một hãng tin Ukraine) tiết lộ, Nga đã phóng tên lửa đạn đạo Iskander vào hệ thống IRIS-T. Đáng chú ý, hãng tin này so sánh mức giá 10.000 USD của vũ khí “mồi nhử” Ukraine với mức giá 3 triệu USD của tên lửa Nga.
Những vũ khí “mồi nhử” gần đây của Ukraine trông tinh vi hơn nhiều so với các phiên bản trước đây, như hệ thống pháo phản lực HIMARS làm từ gỗ, lựu pháo làm từ ống nước hay hệ thống radar từ thùng dầu, theo nhận định trên Business Insider.
XEM THÊM: Tổng thống Biden giành chiến thắng trong cuộc bầu cử sơ bộ tại bang Nam Carolina
Trên thực tế, cả Nga và Ukraine đều sử dụng “mồi nhử” giả trong suốt cuộc xung đột. Ukraine từng lừa Nga hao phí đạn dược bằng một máy bay Su-25 giả vào tháng 12/2023, trong khi Nga sử dụng xe tăng bơm hơi và máy bay vẽ trên đường băng.
Theo một chuyên gia giấu tên, có một "cuộc chạy đua vũ trang mồi nhử" đang diễn ra ở Ukraine. Giải thích thêm với Bussiness Insider, chuyên gia này nói những tiến bộ công nghệ đang thúc đẩy Ukraine và Nga làm cho hàng giả trông giống thật nhất có thể để đánh lừa đối phương, mà đó không phải là một nhiệm vụ dễ dàng.
Đinh Kim (T/h)