RT đưa tin ngày 26/10, Đại sứ Mỹ tại Ukraine Bridget Brink cho biết, các phi công Ukraine đã bắt đầu được huấn luyện điều khiển tiêm kích F-16 tại căn cứ không quân của Lực lượng Vệ binh Quốc gia ở bang Arizona (Mỹ), với sự hỗ trợ của phi đội số 162.
Quá trình huấn luyện dự kiến sẽ kéo dài “vài tháng”. Bà Brink gọi quá trình huấn luyện này là “một phần thiết yếu trong việc xây dựng lược lượng phòng không của Ukraine”. Cũng theo bà Brink, Mỹ “tự hào” khi có thể hợp tác với “các đối tác châu Âu” để hỗ trợ Kiev.
Hồi đầu tháng 10/2023, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin nói rằng, Washington sẽ dẫn đầu liên minh các quốc gia cung cấp tiêm kích F-16 cho Ukraine, với các đồng lãnh đạo là Đạn Mạch và Hà Lan.
Các phi công Ukraine sẽ phải hoàn thành khóa học tiếng Anh trước khi bắt đầu huấn luyện bay. Bộ trưởng Austin ước tính, những tiêm kích F-16 đầu tiên sẽ được chuyển giao cho Ukraine vào “mùa xuân tới”.
Mỹ và các đồng minh đang tiến hành kế hoạch cung cấp tiêm kích F-16 cho Ukraine, bất chấp cảnh báo nhiều lần từ Nga rằng hành động này là sự leo thang căng thẳng không thể chấp nhận được, do phương tiện này có thể mang vũ khí hạt nhân.
Được biết, trong mùa Hè năm 2023, một liên minh các quốc gia do Đan Mạch dẫn đầu đã bắt đầu huấn luyện phi công Ukraine trên máy bay phản lực của Mỹ. Hà Lan, Đan Mạch và Na Uy đã cam kết cung cấp cho Ukraine tiêm kích F-16 khi kết thúc chương trình huấn luyện.
Tháng 8/2023, Mỹ cũng tuyên bố sẽ đào tạo một số lượng nhỏ phi công Ukraine lái tiêm kích F-16. Theo Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, Washington sẽ chấp thuận cho bên thứ ba chuyển giao F-16 cho Kiev ngay sau khi hoàn thành khóa huấn luyện.
Do tiêm kích F-16 là công nghệ của Mỹ nên quốc gia sở hữu cần được nước này “bật đèn xanh” để chuyển cho Ukraine, theo thông tin trên CNN. Đan Mạch và Hà Lan đã được Mỹ chấp thuận cho chuyển giao tiêm kích F-16 cho Ukraine vào tháng 8/2023.
XEM THÊM: Quan chức Nga nêu điều kiện đàm phán hòa bình ở Ukraine
Tổng thống Nga Vladimir Putin từng cảnh báo rằng, bất cứ tiêm kích F-16 nào được gửi đến Ukraine đều sẽ “bị đốt cháy” giống như các khí tài khác của phương Tây.
Mỹ hiện cũng đang có kế hoạch đào tạo khoảng 200 binh sĩ Ukraine về cách bảo trì máy bay chiến đấu thế hệ thứ tư nói trên, sau khi họ học ngôn ngữ xong.
Trong diễn biến liên quan đến tình hình chiến sự Nga - Ukraine, theo RT, Lầu Năm Góc đã tiết lộ về gói hỗ trợ an ninh mới nhất cho Kiev, trị giá 150 triệu USD.
Gói hỗ trợ mới chủ yếu bao gồm đạn dược, trong đó có tên lửa dành cho Hệ thống phòng không NASAMS và pháo phản lực HIMARS, đạn pháo cỡ nòng 105mm và 155mm, tên lửa chống tăng TOW và Javelin.
Đinh Kim(Theo RT, CNN)