Theo tin tức từ Tass, ngày 26/10, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov đã nói với các phóng viên ở Minsk rằng: "Nếu nói về đàm phán, hãy để (Tổng thống Ukraine Volodymyr) Zelensky hủy bỏ sắc lệnh mà ông ấy đã ký một năm trước, trong đó cấm ông ấy và tất cả các quan chức cấp dưới tham gia đàm phán với Nga.
Theo ông Lavrov, phương Tây vẫn "thúc đẩy chính quyền Ukraine tiếp tục chiến tranh". Ngoại trưởng Nga khẳng định Moscow không tìm cách né tránh các cuộc đàm phán với Ukraine.
"Chúng tôi không bao giờ né tránh những đề xuất nghiêm túc; chỉ là không có đề xuất nghiêm túc nào được đưa ra kể từ khi họ phá vỡ (thỏa thuận sơ bộ của Moscow với Kiev) vào tháng 4/2022. Nếu vấn đề được giải quyết trên chiến trường, cứ để như vậy đi", nhà ngoại giao Nga cho biết.
Cùng ngày, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết, mặc dù Mỹ vẫn tiếp tục châm ngòi cho cuộc xung đột ở Ukraine, nhưng điều này sẽ không thay đổi cục diện xung đột, mà chỉ kéo dài tình trạng thù địch.
"Người cầm trịch chính trong tiến trình này là Mỹ chứ không phải Kiev. Vì vậy, Mỹ càng đổ thêm dầu vào lửa bằng những hành động của họ, can dự trực tiếp vào cuộc xung đột, mọi chuyện sẽ càng kéo dài. Nhưng điều đó cũng không thể thay đổi diễn biến sự việc. Nga sẽ đạt được mục tiêu của mình", ông Peskov nói.
Bộ Quốc phòng Mỹ ngày 26/10 công bố gói viện trợ quân sự thứ 49 dành cho Ukraine trong cuộc xung đột với Nga, trị giá 150 triệu USD, bao gồm lượng lớn vũ khí cá nhân, tên lửa phòng không vác vai Stinger và đạn dược bổ sung cho các hệ thống rocket pháo binh cơ động cao (HIMARS).
Gói viện trợ mới của Mỹ được công bố trong bối cảnh nhiều người lo ngại rằng chiến sự Israel - Hamas có thể làm giảm mức độ hỗ trợ của Mỹ dành cho Ukraine ở thời điểm Kiev cần nhiều viện trợ hơn nữa để tạo đột phá cho chiến dịch phản công Nga.
Nga và Ukraine đã không ngồi vào bàn đàm phán kể từ sau cuộc đàm phán ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ hồi cuối tháng 3 năm ngoái, một tháng sau khi xung đột nổ ra.
Căng thẳng Nga – Ukraine mới nhất ngày 26/10: Quân đội Ukraine ngày càng suy yếu?
Trước đó, cũng theo nguồn tin này, sau chuyến thăm Trung Quốc để dự Diễn đàn Vành đai và Con đường vào giữa tháng 10, Tổng thống Putin nói: "Nếu Ukraine thực sự muốn tham gia vào tiến trình đàm phán thì điều đầu tiên là họ phải thu hồi lệnh cấm đàm phán của Tổng thống Zelensky".
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cũng từng cho biết, Nga sẵn sàng tìm kiếm giải pháp ngoại giao cho cuộc xung đột ở Ukraine nhưng đến nay chưa có cơ sở để khởi động những cuộc đàm phán như vậy.
Nguyễn Linh(T/h)