Theo thông tin mới nhất do hãng tin RT đăng tải, Tổng thống Nga Vladimir Putin mới đây khẳng định việc Moscow phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine vào tháng 2 năm ngoái không phải là điểm khởi đầu của cuộc xung đột giữa hai bên.
Ông Putin với truyền thông Trung Quốc rằng nguyên nhân gây ra tình trạng căng thẳng hiện nay đã xảy ra gần một thập kỷ, bắt đầu vào năm 2014 khi cuộc chính biến Maidan diễn ra ở Ukraine.
Tổng thống Nga cáo buộc các nước phương Tây đã “ủng hộ một cuộc đảo chính” thay vì thực hiện đúng vai trò vốn có của mình là cầu nối cho một thỏa thuận giữa Tổng thống Ukraine khi đó là ông Viktor Yanukovich và phe đối lập.
Ông Putin cho rằng mặc dù ông Yanukovich có thể đã phạm phải một số sai lầm nhất định trong những năm đó, nhưng chúng lẽ ra phải được giải quyết “thông qua các thủ tục dân chủ” chứ không phải bằng một cuộc đảo chính.
Ngay sau đó, những cuộc giao tranh tại vùng Donbass kéo dài trong 8 năm đã khiến hàng nghìn người thiệt mạng bất chấp những nỗ lực ngừng bắn theo Hiệp định Minsk. Ông Putin nhấn mạnh rằng, không giống như Nga, Ukraine với sự hậu thuẫn từ Mỹ đã không tôn trọng thỏa thuận này.
“Vì vậy, việc bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine không phải là sự khởi đầu của một cuộc chiến mà là một nỗ lực nhằm kết thúc nó”, chủ nhân Điện Kremlin lập luận.
Ngoài ra, ông Putin cũng chỉ ra rằng Moscow luôn sẵn sàng đàm phán hòa bình với Kiev miễn là "lợi ích an ninh chính đáng" của Nga được tôn trọng. Ông đồng thời nhắc lại, hai bên đã từng đạt được thỏa thuận ngừng bắn ở Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) vào năm ngoái nhưng Ukraine đã rút khỏi thỏa thuận.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky sau đó đã ký sắc lệnh bác khả năng đàm phán với người đồng cấp Nga. Ông Zelensky tuyên bố Ukraine sẵn sàng đàm phán hòa bình với phía Nga, nhưng không phải là với ông Putin.
Đến nay, xung đột Nga - Ukraine đã kéo dài hơn 600 ngày nhưng vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Tổng thống Zelensky cuối tháng 8 nêu rõ mọi cuộc đàm phán chấm dứt xung đột với Moscow đều phải dựa trên nền tảng "công thức hòa bình" do Kiev đưa ra.
Trong đó, điều kiện tiên quyết của công thức này là Nga phải rút toàn bố quân khỏi Ukraine, khôi phục toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ Ukraine theo đường biên giới đã được công nhận vào năm 1991 và ký kết văn bản chấm dứt chiến sự.
Đáp lại, phía Nga tuyên bố chiến dịch quân sự đặc biệt của nước này sẽ chỉ chấm dứt trong trường hợp Ukraine chấp nhận thực tế lãnh thổ mới, công nhận bán đảo Crimea cùng 4 vùng khác bao gồm Kherson, Zaporizhia, Lugansk và Donetsk là lãnh thổ của Nga.
Phương Uyên(Theo RT)