Giữa Nga và Ukraine có những diễn biến mới theo chiều hướng gia tăng căng thẳng sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin công nhận nền độc lập ở Donbass và phát động chiến dịch quân sự ở vùng này.
Động thái này của Nga có thể dẫn đến các lệnh trừng phạt làm tê liệt các hoạt động xuất khẩu năng lượng từ Liên minh châu Âu (EU). Tuy nhiên, kèm theo đó cũng là nguy cơ Nga trả đũa bằng cách ngăn chặn mọi hoạt động xuất khẩu khí đốt tự nhiên bất kỳ lúc nào. Căng thẳng quân sự leo thang có thể khiến cho người dân châu Âu chịu nhiều ảnh hưởng.
Tiến sỹ kinh tế, chuyên gia về năng lượng Raphael Homayoun Boroumand dự báo: “Giá năng lượng ở châu Âu tăng cao là điều không tránh khỏi trong căng thẳng này, nhất là khi châu lục này nhập khẩu phần lớn khí đốt từ Nga”. Ông đã chỉ ra 40% khí đốt nhập khẩu vào EU là từ Moscow, cao hơn nhiều so với Nauy (18%) và Algeria (12%).
Nga là quốc gia hàng đầu trong sản xuất và xuất khẩu khí đốt tự nhiên. Tuy nhiên, tỷ lệ nhập khẩu khí đốt của các nước EU không đồng đều nhau. Trong khi Nga cung cấp cho Áo đến 80% lượng khí đốt nhập khẩu của quốc gia này, với Đức là 55%, thì Pháp chỉ nhập khẩu 20% khí đốt dẫn từ Moscow. Do vậy, giá khí đốt tự nhiên tăng cao cũng sẽ kéo theo gia tăng giá hàng loạt các hóa đơn của người dân châu Âu, đặc biệt là hóa đơn tiền điện.
EU đã sớm đưa ra các biện pháp trừng phạt Nga, bao gồm cả việc không cho phép hoạt động đường ống dẫn khí trực tiếp từ Nga sang Đức Dòng chảy phương Bắc 2 (Nord Stream 2). Moscow sẽ tận dụng triệt để lợi thế về năng lượng để đối phó với các biện pháp trừng phạt của EU. Hôm 22/2 vừa qua, Tổng thống Putin khẳng định vẫn sẽ duy trì hoạt động xuất khẩu khí đốt của Nga. Tuy nhiên, dường như có thể hiểu đây là lời nhắc nhở “tế nhị” về việc ông có thể cho ngừng xuất khẩu khí đốt bất cứ lúc nào.
Theo bà Carole Mathieu, Giám đốc Chính sách Năng lượng và Khí hậu châu Âu, giá khí đốt hiện đang rất cao đè nặng lên sức mua. Đây là “đòn bẩy” mang tính chiến lược. Nga sẽ tận dụng lợi thế để ngăn chặn các lệnh trừng phạt kinh tế. Vậy liệu Moscow có ngừng dẫn khí đốt sang châu Âu?
Các chuyên gia cũng nói thêm, khả năng cao là kịch bản Nga dừng hoàn toàn xuất khẩu khí đốt sẽ không xảy ra, bởi xuất khẩu khí đốt chiếm đến 15% GDP của quốc gia này. Tuy nhiên, bà Mathieu cảnh báo: “Với ông Putin, không thể nói trước điều gì”
Bà Mathieu cho biết: “Không phải đến khi xảy ra căng thẳng, châu Âu mới nhận ra vấn đề phụ thuộc khí đốt”. Năng lượng tái tạo, dự trữ khí đốt hóa lỏng, mở rộng quan hệ hợp tác với các quốc gia khác, đó là những giải pháp có thể giúp EU thoát ra khỏi sự lệ thuộc khí đốt vào Nga.
Tuy nhiên, theo một giáo sư về Kinh tế và Chiến lược của trường Đại học Grenoble (Pháp), nguồn dự trữ chỉ có thể tồn tại trong vài tuần nếu như xảy ra kịch bản ngược lại. Mặt khác, về vấn đề mở rộng hợp tác, khí dẫn từ những quốc gia như Qatar hay Mỹ đều phải hóa lỏng nên chi phí cũng sẽ rất cao.
Hiện tại, các giải pháp mà EU tìm ra chưa thể giúp những quốc gia này độc lập về năng lượng với Nga. Bà Mathieu nhấn mạnh: “Cuộc khủng hoảng có thể dẫn đến tăng cao giá năng lượng trong nhiều tháng”.
Khuê Hiền (Theo 20Minutes)