+Aa-
    Zalo

    Cẩn trọng khi tin bột phong thủy Kim Tâm Cát có thể chữa bệnh Covid-19

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Không nằm trong phác đồ hướng dẫn điều trị bệnh Covid-19 dành cho F0, cũng không phải thuốc hay thực phẩm chức năng, tuy nhiên nhiều người đang quảng cáo bột phong thủy Kim Tâm Cát có thể hỗ trợ chữa khỏi Covid-19.

    Những quảng cáo “có cánh”

    Bằng rất nhiều feedback là đoạn chụp màn hình tin nhắn của khách hàng cảm ơn vì sản phẩm có thể hỗ trợ chữa khỏi bệnh Covid-19, nhiều người đang quảng cáo bột thần hương phong thủy Kim Tâm Cát với lời lẽ có cánh.

    Tự giới thiệu bản thân là “trùm tổng miền Bắc bột phong thủy Kim Tâm Cát”, tài khoản facebook có tên N.B., viết bài đăng trên trang cá nhân với nội dung: "Co vit (bệnh Covid-19 – PV) thiệt đáng sợ nhỉ. Gần đây khách cũng hỏi nhiều hơn về bệnh tình an nguy. Qua có cô bé khách hỏi quẻ, sau khi hướng dẫn thì sáng nay thấy đỡ. Tầm này nhà nào cũng phải thủ sẵn mấy hộp bột thần hương mọi người nhé. Để cần cái là vào việc được luôn”.

    Hướng dẫn trong đoạn chát của người này với khách hàng là: “Bột Kim Tâm Cát 1 hộp có 45 gói, 3 ngày đầu thanh tẩy 1 ngày 2-3 gói khắp các phòng trong nhà, từ ngày thứ 4 chỉ cần 1 gói là được. Vượng khí, lợi sức khỏe, lợi tiền bạc. Niệm số trên cách đọc ở trong ảnh. Ai bị F0 niệm 1 ngày 30 phút đến 1 tiếng. Lâu hơn càng tốt, thì càng nhanh khỏi”.

    1
    2
    3
    Facebook N.B. hướng dẫn khách hàng.

    Dưới bài đăng, tài khoản N.B. còn đưa hình ảnh đoạn chát của khách hàng với nội dung khẳng định tác dụng của bột: “Alo chị ơi. Thần kỳ quá, hôm qua em mệt tức ngực khó thở tưởng phải đi cấp cứu không còn sức để niệm. Mà em nằm cố từ lúc 3h sáng đến giờ em thở dễ dàng hơn, thoải mái hơn bao nhiêu chị ạ. Em chỉ có một mẹ một con trông nhau thôi nên không ai thay thế. Chị xem giúp em từ giờ đến trưa có trở nặng thêm không”. Trước câu hỏi này, N.B. tiếp tục tư vấn: “Không sợ, cứ làm đúng như chị nói. Mai khỏi”.

    4
    Nội dung tư vấn của N.B. với khách hàng. Ảnh chụp màn hình.

    Còn tài khoản facebook có tên Q.M., tự nhận là đại lý bán sản phẩm này viết: “Bí quyết của cả nhà 20 người bị F0 vượt qua đại dịch. Mình thấy thật sự rất vui, rất hạnh phúc khi có bột thần hương Kim Tâm Cát đồng hành. Khi được đài truyền hình về phỏng vấn và tặng quà. Chị không ngần ngại chia sẻ về bột thần hương Kim Tâm Cát đã hỗ trợ đồng hành cùng cả đại gia đình chị”. Kèm theo bài đăng là hình ảnh về sản phẩm.

    5
    Bài đăng của tài khoảng facebook Q.M.

    Bên cạnh đó, tài khoản facebook mang tên N.T.N., được coi là “CEO” của hệ thống bán sản phẩm này đã chia sẻ rằng bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối, kết hợp sử dụng linh phù (một loại bùa - PV), “từ 600% tế bào ung thư xuống còn 100”.

    Ngoài quảng cáo công dụng về mặt tâm linh như mang lại may mắn, vượng khí, trừ tà, giải xui…, sản phẩm này còn được quảng cáo giúp thanh lọc không khí, trừ diệt vi khuẩn, ẩm mốc, cải thiện sức khỏe, giúp ngủ ngon, hỗ trợ bệnh xương khớp, lưu thông khí huyết, ngoài ra giúp trẻ ngủ ngon, không khóc đêm.

    6
    7
    8
    Mức thưởng khủng của các đại lý, giám đốc và những quảng cáo “thần kỳ” về sản phẩm Kim Tâm Cát được người tài khoản N.T.N. đăng tải.

    Quảng cáo “có cánh” là vậy nhưng khi tra cứu trên cổng thông tin của cục Quản lý dược và cục An toàn thực phẩm (bộ Y tế) thì không hề có tên sản phẩm.

    Chữa bệnh Covid bằng tâm linh là không được

    Vậy, sản phẩm Kim Tâm Cát, đi cùng đó là niệm chú, bói quẻ dùng linh phù có thể cải thiện sức khỏe, hỗ trợ xương khớp, có thể hỗ trợ chữa Covid-19… hay không? Sản phẩm này được đưa ra thị trường như thế nào, vấn đề kiểm chứng ra sao thì rất cần có sự vào cuộc của cơ quan y tế, quản lý thị trường.

    Tuy nhiên, ở góc độ chuyên môn, khi trao đổi với phóng viên tạp chí Đời sống và Pháp luật, bác sĩ Trương Hữu Khanh, cố vấn Khối Nhiễm - Thần kinh, bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP.HCM) cho rằng: “Chữa bệnh Covid-19 bằng tâm linh là không được. Bệnh Covid-19 do virus gây ra. Nếu chúng ta tìm các biện pháp để thư giãn cho cơ thể, giảm stress, giúp tăng cường sức khỏe, mau khỏi bệnh thì được. Nếu không biết trong thành phần sản phẩm có những gì thì không nên uống”.

    Đồng quan điểm, PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng cục Y tế dự phòng (bộ Y tế), cố vấn cao cấp của trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, khuyến cáo: “Tất cả những gì bộ Y tế chưa cấp phép thì người dân không được sử dụng, không nên sử dụng. Hiện nay, trên thế giới chưa có thuốc điều trị bệnh Covid-19 đặc hiệu, ngoài những loại kháng virus mà bộ Y tế cho phép. Người dân không nên tin vào những quảng cáo như vậy.

    Bệnh Covid-19 là bệnh có nguồn gốc, xác định được nguyên nhân gây bệnh là virus rất rõ ràng, có đường lây truyền, có phương pháp phòng bệnh, có phác đồ điều trị ngay cả với F0 điều trị tại nhà, không phải bệnh điều trị theo tâm linh.

    Tôi nghĩ rằng khi có những thông tin này thì cơ quan chức năng cần vào cuộc, hướng dẫn người dân làm đúng theo thông tin của bộ Y tế. Nếu chứng minh được là thuốc chữa bệnh Covid-19 thì sẽ cấp phép, nhưng theo tôi thì không đúng”.

    Ở góc độ pháp lý, trao đổi với phóng viên, luật sư Nguyễn Cao Đạt - Giám đốc công ty Luật Nguyên Khang và Cộng sự cho hay: “Việc một số người quảng cáo sản phẩm bột phong thủy Kim Tâm Cát bằng các từ ngữ “Bột thần hương”, “Có thể trị covid”, “Mai khỏi” …  mà chưa được kiểm chứng về chất lượng, chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp phép quảng cáo là vi phạm pháp luật.

    Theo Nghị định số 38/2021/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo thì việc quảng cáo các sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ đặc biệt phải được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung trước khi thực hiện quảng cáo.

    Nghị định số 38/2021/NĐ-CP cũng quy định đối với hành vi quảng cáo có sử dụng các từ ngữ "nhất", "duy nhất", "tốt nhất", "số một" hoặc từ ngữ có ý nghĩa tương tự mà không có tài liệu hợp pháp chứng minh theo quy định thì mức phạt tiền từ 10 triệu đến 20 triệu đồng. Trường hợp không có các tài liệu chứng minh về sự hợp chuẩn, hợp quy theo quy định khi quảng cáo thì có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đến 15 triệu đồng.

    Ngoài ra, nếu việc quảng cáo không đúng sự thật, quá sự thật khiến người tiêu dùng hiểu nhầm về công dụng, chức năng của sản phẩm, sử dụng và bị thiệt hại thì tổ chức, cá nhân quảng cáo sai sự thật sẽ phải bồi thường tương ứng với thiệt hại theo quy định của Bộ luật Dân sự.

    Hơn nữa, người quảng cáo gian dối về hàng hóa, dịch vụ, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm thì có thể bị xử lý hình sự theo quy định tại Điều 197 Bộ luật Hình sự  2015 về tội quảng cáo gian dối”.

    Về hệ lụy có thể xảy ra nếu người dân tin và làm theo những phương pháp chữa bệnh chưa được kiểm chứng, luật sư Đạt nêu ý kiến: “Khi mua phải “thần dược” không đảm bảo chất lượng, khách hàng không chỉ chịu tổn thất, mất mát về tài chính, nhu cầu chăm sóc bản thân không được đáp ứng mà còn phải gánh chịu nhiều hệ lụy nghiêm trọng, đe dọa đến sức khỏe thậm chí là tính mạng của chính mình.

    Các quảng cáo về thuốc, thực phẩm chức năng, dịch vụ khám chữa bệnh... phải được cấp phép chứ không phải chỉ chịu sự "kiểm duyệt" của các nền tảng mạng như YouTube, Google, Facbook... như hiện nay. Cục An toàn thực phẩm, cục Khám chữa bệnh của bộ Y tế cần phải vào cuộc xử lý mạnh tay những trường hợp quảng cáo "thần y", "thần dược" sai sự thật để răn đe, thậm chí cần xử lý hình sự trong những trường hợp quảng cáo sai sự thật gây hậu quả nghiêm trọng cho người sử dụng”.

    Nhóm PV

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/can-trong-khi-tin-bot-phong-thuy-kim-tam-cat-co-the-chua-benh-covid-19-a531912.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan