+Aa-
    Zalo

    Cản trở người bào chữa tiếp xúc với bị cáo tại phiên tòa: "Mềm nắn, rắn buông"?

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Trong nhiều phiên tòa, dù là người bào chữa cho bị cáo nhưng khi luật sư muốn tiếp xúc với thân chủ của mình thường bị lực lượng cảnh sát hỗ trợ tư pháp ngăn cản. Hiện có

    Trong nhiều phiên tòa, dù là người bào chữa cho bị cáo nhưng khi luật sư muốn tiếp xúc với thân chủ của mình thường bị lực lượng cảnh sát hỗ trợ tư pháp ngăn cản. Hiện có 2 luồng ý kiến trái chiều. Có người đồng tình với cách làm việc của lực lượng cảnh sát hỗ trợ tư pháp nhưng ý kiến khác lại cho rằng đây là hành vi vi phạm nghiêm trọng luật Tố tụng hình sự.

    Thầy cãi cãi không lại cảnh sát

    Mới đây, trong phiên tòa xét xử vụ án vi phạm quy định cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng tại TAND tỉnh Cà Mau đã nổ ra một trận “khẩu chiến” giữa luật sư bào chữa cho bị cáo với lực lượng cảnh sát bảo vệ và hỗ trợ tư pháp (gọi tắt là hỗ trợ tư pháp-PV). Theo đó, trong lúc tòa nghỉ giải lao, luật sư Nguyễn Văn Đức (đoàn Luật sư TP.HCM) tiếp xúc với bị cáo nhưng bị lực lượng cảnh sát hỗ trợ tư pháp ngăn cản, dẫn đến hai bên to tiếng với nhau ngay giữa công đường.

    Đến cuối buổi xét xử, lực lượng cảnh sát hỗ trợ tư pháp nói thẳng với luật sư Đức rằng nếu luật sư muốn tiếp xúc với bị cáo thì phải có giấy đồng ý của chủ tọa phiên tòa. Vì phiên tòa kéo dài trong nhiều ngày, nghe lực lượng cảnh sát tư pháp nói vậy, luật sư Đức đã “phản pháo” lại. Tuy nhiên, “phần thắng” thuộc về lực lượng cảnh sát!

    Luật sư Nguyễn Văn Đức

    Ngay hôm sau, luật sư Đức gửi bản kiến nghị lên HĐXX TAND tỉnh Cà Mau phản đối việc bị cảnh sát hỗ trợ tư pháp cản trở, không cho tiếp xúc với thân chủ. Luật sư Đức cho rằng việc lực lượng cảnh sát yêu cầu luật sư phải có giấy của chủ tọa thì mới được gặp thân chủ là không phù hợp với quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự. “Bộ luật Tố tụng Hình sự quy định, bị cáo đang bị tạm giam khi ra phiên tòa chỉ được tiếp xúc với người bào chữa. Yêu cầu của cảnh sát hỗ trợ tư pháp đã tạo ra cơ chế xin - cho, ngăn cản quyền hành nghề luật sư - người bào chữa trong phiên tòa hình sự”, ông Đức bức xúc nói.

    Trả lời báo chí, thẩm phán Lê Thường Vụ (Chánh tòa Hình sự TAND tỉnh Cà Mau, chủ tọa phiên tòa trên) nhận định, việc lực lượng cảnh sát hỗ trợ tư pháp yêu cầu luật sư phải xuất trình giấy đồng ý của chủ tọa mới cho gặp bị cáo-thân chủ của luật sư tại tòa là sai.

    “Tôi cũng đã giải thích cho luật sư hiểu là luật sư có quyền tiếp xúc với bị cáo. Nhưng trước khi tiếp xúc phải thông báo cho chủ tọa biết thì chủ tọa mới thông báo đến lực lượng cảnh sát bảo vệ và dẫn giải”, thẩm phán Vụ nói.

    Một lần tác nghiệp tại TAND quận Hai Bà Trưng, TP.Hà Nội trong một vụ án cướp tài sản, PV chứng kiến cảnh luật sư bị lực lượng cảnh sát hỗ trợ tư pháp cản trở khi muốn tiếp xúc với thân chủ của mình. Tuy trước khi nghỉ hưu và hành nghề luật sư, ông cũng đã từng công tác trong lực lượng công an nhưng vẫn không thể thuyết phục được mấy anh lính trẻ làm nhiệm vụ bảo vệ trong phiên tòa hôm ấy.

    Cũng phải thôi, ở chốn công đường, người ta nói chuyện với nhau bằng luật, vì luật sư không đưa ra căn cứ xác đáng nên “cãi không lại” mấy anh cảnh sát bảo vệ và hỗ trợ tư pháp”!

    Chuyện thường ngày ở huyện?

    Việc luật sư bị lực lượng cảnh sát hỗ trợ tư pháp không cho tiếp xúc với bị cáo là “chuyện thường ngày ở huyện”. Giới luật sư bảo nhau, chỉ có luật sư yếu thế mới bị cảnh sát hỗ trợ tư pháp “bắt nạt”. Còn với những luật sư già cả tuổi đời lẫn tuổi nghề thì chưa chắc.

    Luật sư Hoàng Văn Hướng- Trưởng văn phòng Luật sư Hoàng Hưng (đoàn Luật sư TP.Hà Nội) là một trong số đó. Ông đã không ít lần “đối đầu” với lực lượng cảnh sát hỗ trợ tư pháp tại tòa và đạt được kết quả như mong muốn.

    Chia sẻ kinh nghiệm nghề nghiệp với PV, luật sư Hoàng Văn Hướng kể: “Cách đây không lâu, tôi tham gia bào chữa trong vụ án hủy hoại tài sản tại TAND tỉnh Bắc Ninh. Cảnh sát hỗ trợ tư pháp cố tình ngăn cản, không cho tôi tiếp xúc với bị cáo. Tôi đã dẫn chiếu khoản 1, Điều 188, Bộ luật Tố tụng Hình sự hiện hành quy định về giám sát bị cáo tại phiên tòa rằng vào thời điểm này, bị cáo chỉ được tiếp xúc với người bào chữa”, nhưng họ vẫn không nghe. Tôi đề nghị HĐXX yêu cầu lực lượng cảnh sát hỗ trợ tư pháp phải xin lỗi tôi và không được cản trở luật sư tác nghiệp, nếu không luật sư sẽ không tham dự phiên tòa. Cuối cùng, các đồng chí cảnh sát hỗ trợ tư pháp đã phải nhận lỗi và cho tôi tiếp xúc với bị cáo”.

    Kết thúc câu chuyện, luật sư Hoàng Văn Hướng nhận định: “Bộ luật Tố tụng Hình sự quy định người bào chữa (luật sư) được quyền tiếp xúc với bị cáo tại tòa, không cần xin phép HĐXX. Nhưng thực tế đang tồn tại một tiền lệ xấu là lực lượng cảnh sát hỗ trợ tư pháp thường ngăn cản quyền của người bào chữa. Đây là hành vi vi phạm nghiêm trọng Bộ luật Tố tụng Hình sự. Khi rơi vào trường hợp đó, luật sư phải lên tiếng để tự bảo vệ quyền của chính mình và thân chủ”.

    Cảnh sát bảo vệ và hỗ trợ tư pháp là một lực lượng thuộc hệ thống tổ chức của Công an Nhân dân Việt Nam, ra đời trên cơ sở tổ chức của lực lượng cảnh sát bảo vệ, theo Quyết định số 346/2003/QĐ - BCA (X13) ngày 18/4/2003 của Bộ trưởng bộ Công an về việc thành lập và quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức của cục Cảnh sát bảo vệ và Hỗ trợ tư pháp.

    Cảnh sát bảo vệ và hỗ trợ tư pháp có nhiệm vụ vũ trang canh gác bảo vệ các mục tiêu, tổ chức tuần tra, cơ động chiến đấu kịp thời trấn áp mọi hoạt động phá rối an ninh, trật tự; bảo vệ phiên toà, bắt giữ, áp giải bị can, bị cáo, dẫn giải người làm chứng, quản lý kho vật chứng và hỗ trợ công tác thi hành án theo quy định.

    Thiên Long

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/can-tro-nguoi-bao-chua-tiep-xuc-voi-bi-cao-tai-phien-toa-mem-nan-ran-buong-a201208.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan