Muôn kiểu tiếp thị gas khiến bà nội trợ như bức xúc mà không biết kêu ai. Có những nhân viên tiếp thị sẵn sàng xông vào nhà người dân để dán số điện thoại lên bình gas, khóa bình, phá khóa….
Một nhân viên tiếp thị gas không đồng phục đang kiểm tra van gas (Ảnh minh họa). |
Những người tiếp thị gas thường lợi dụng những lúc hộ gia đình vắng người hoặc không để ý tiến hành vặn van gas bó cứng lại khiến gas trong bình không ra được nên bếp bật nhiều lần cũng không cháy. Đôi khi, lợi dụng sở hở bẻ luôn van gas khiến van hỏng và sẽ nhận sửa chữa hoặc thay ngay van mới.
Tìm mọi cách vào nhà dán điện thoại nhà gas
"Nghe tiếng người gọi tôi vừa mở cửa ra, chưa kịp định hình, một cậu thanh niên đã nhanh nhẹn xin vào kiểm tra ga, rồi chạy ngay vào bóc dán đủ các Sticker (mẫu giấy ghi số điện thoại gọi ga) lên bình gas và tường bếp nhà tôi", đó là lời chia sẻ của anh Nguyễn Văn Phong (32 tuổi, Thanh Xuân, Hà Nội). Đây là một trong những chiêu thức tiếp thị ga khiến người dân Hà Nội rất bức xúc.
Sticker gọi gas chằng chịt trên bình |
Tình trạng tiếp thị gas kiểu "ép" người tiêu dùng đang diễn ra khá phổ biến ở khắp các ngõ ngách trên địa bàn TP Hà Nội. Chị Lê Thị Duyên (11C, Hạ Đình, Thanh Xuân) vẫn nhớ như in cách tiếp thị ga "nhiệt tình" có một không hai như sau:
"Khi đang dọn dẹp nhà cửa bỗng có một thanh niên trạc 20 tuổi đứng trước cửa giới thiệu là nhân viên bảo hành Gas của công ty đến kiểm tra ống dẫn gas theo định kỳ. Chào hỏi xong, cậu thanh niên xin phép đi vào khu bếp. Ngó nghiêng một lúc, cậu ta nói "Bếp nhà chị còn tốt đấy, đúng là bảo hành thường xuyên có khác. Hôm nay, bọn em phát cho gia đình chị địa chỉ, điện thoại và cả sổ bảo hành của loại gas mới, chị cầm hộ em nhé. Lần tới cứ theo số mới mà gọi chị ạ".
Thấy nhân viên tiếp thị Gas không có đồng phục nên chị Duyên từ chối: "Không, gia đình tôi dùng quen hãng gas rồi, không đổi đâu". Thế nhưng, người tiếp thị gas vẫn lì mặt không có chút ái ngại mượn chị Duyên cây bút để ghi lại kí hiệu vỏ bình. Thấy người tiếp thị có vẻ lì lợm, chị Duyên cũng đi tìm bút đưa cho người tiếp thị cho "xong chuyện".
Quay vào phòng lấy bút, ra đến bếp, Chị Duyên nhận được thông tin của cậu thanh niên là bình gas của chị hết rồi và nói gọi gas của hãng mình luôn. Chưa hết ngạc nhiên vì bình gas mới thay chưa được một tháng mà đã hết thì chị Duyên đã thấy nhân viên tiếp thị bấm điện thoại gọi gas giúp mình.
Không tin lời nhân viên tiếp thị gas, chị Duyên tức tốc lại bật bếp lên để kiểm tra thì không thấy bếp lửa bếp lên, bật đi, bật lại vài lần cũng không được. Trong khi đó, người thanh niên lại đang cố dán những mẫu sticker có ghi số điện thoại của một hãng gas khác đè lên số của công ty đang cung cấp cho gia đình chị.
Nghi ngờ nhân viên tiếp thị giở trò nên chị Duyên không gọi gas nữa, đuổi nhân viên tiếp thị trên ra khỏi nhà và gọi chồng về kiểm tra thì chị mới biết bình ga đã bị khóa van chặt nên không thể bật lên được nữa.
Theo chị, cái sticker mới mà hai thanh niên dán có logo của Công ty Petrolimex, và dòng chữ "Trung tâm phân phối Gas và nước uống tinh khiết" nhưng lại không có tên và địa chỉ rõ ràng, cùng 2 số điện thoại đi động.
Trộm cả bình gas
Không chỉ xì gas, xông vào nhà dán quảng cáo, nhiều đối tượng còn giả dạng nhân viên gas để ăn trộm bình gas.
Theo phản ánh của một số người dân ở Hoà Thạnh, quận Tân Phú (TP HCM), ngày 18/4 một khách hàng có gọi điện đến đại lý gas Thành Công trên đường Thoại Ngọc Hầu, quận Tân Phú để mua gas.
Khi nhân viên đại lý này giao gas xong và ra về, khoảng 20 phút sau một nam thanh niên tự xưng là quản lý cửa hàng gas đến kiểm tra lại bình. Sau khi vào nhà, người này lấy bình gas ra kiểm tra, vặn tới vặn lui làm xì gas rồi nói "bình gas đã bị xì, phải dán keo để dùng tạm".
Với tâm lý sợ gas rò rỉ gây cháy nổ, chủ nhà đã đề nghị đổi lấy bình gas khác. Người này nhanh chóng tháo bình gas đem đi mất. Chờ mãi không thấy người mang bình gas quay lại chủ nhà đã gọi đến cửa hàng kiểm tra và mới phát hiện mình bị lừa.
Nhiều người dân ở quận Gò Vấp, Phú Nhuận, Bình Thạnh... cũng thông tin bị lừa mất bình gas bằng chiêu thức lừa đảo này. Đại diện một cửa hàng gas cho biết, trị giá vỏ bình gas từ 600.000 đến 2 triệu đồng, vì vậy để tránh bị lừa, người dân nên gọi đến cửa hàng kiểm tra trước khi cho người lạ mang bình gas đi hoặc yêu cầu mang bình gas mới đến đổi.
Lừa đổi bình gas rởm dùng 3 ngày thì hết
Lưu Thị Phượng (Học viện Tài chính) kể lại chuyện phòng mình bị lừa đổi gas rởm một cách dễ dàng trong một tâm trạng vô cùng bức xúc. Phòng Phượng hết gas nên gọi cửa hàng gas quen dùng chở bình gas đến đổi. Song, khỉ khoảng 20 phút sau khi nhân viên cửa hàng đi khỏi, một người khác chở bình gas và cả cân đến bảo: "Bình gas trước của cửa hàng đã dùng không đủ cân nên mang bình gas mới đến đổi".
Lúc đó phòng Phượng không ai nghĩ gì, đồng ý cho thay bình gas. Nhưng, bình gas dùng được ba ngày thì hết. Cả phòng nghĩ do bếp bị hỏng nên gọi nhân viên cửa hàng đến sửa.
Khi nhân viên cửa hàng đến thì mọi việc mới vỡ lẽ. Bếp gas không hỏng mà do bình gas chứa toàn nước, trên vỏ bình gas cũng không dán địa chỉ của cửa hàng.
Lừa bán bếp gas rởm
Các đối tượng lừa bán bếp gas rởm thường giả dạng nhân viên của các cửa hàng gas có uy tín, đến tận nhà khách hàng rồi quảng cáo là cửa hàng đang có chương trình khuyến mại bán bếp gas với giá chỉ bằng một nửa đến 2/3 giá thị trường, lại còn kèm khuyến mại nước rửa bát, tạp dề, chảo chống dính. Tin tưởng cửa hàng gas, ham rẻ, thích khuyến mại, nhiều người tiêu dùng rơi vào bẫy của các đối tượng lừa đảo khi mua phải bếp gas rởm được gắn mác xịn với giá gấp nhiều lần giá trị thực.
Ngoài ra, nhiều kẻ lừa đảo còn mang bếp gas rởm quảng cáo là bếp gas ăn cắp bán rẻ khách hàng.
Một người dân ở quốc lộ 1A, đoạn qua Bắc Ninh kể hôm trước có hai tên đi trên một chiếc xe tải cỡ nhỏ, giả là nhân viên siêu thị đi giao hàng. Chúng bảo có một cái bếp gas hàng hiệu trộm được nên muốn bán lại giá 1,2 triệu đồng, kiếm ít tiền nhậu. Vì nhẹ dạ, cả tin lại ham của rẻ nên người này đã bị lừa một cách dễ dàng. Quả thật, cái bếp gas giả rất đẹp và tinh vi, khó mà tin được là đồ giả, giá chỉ 200.000 - 400.000 đồng.