+Aa-
    Zalo

    Ổ gas lậu vùng giáp ranh

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Đoàn kiểm tra niêm phong, tạm giữ trên 1.000 bình gas mang nhiều thương hiệu, trong đó có nhiều bình đã được sang chiết lại nhưng chưa chụp niêm màng co.

    Đoàn kiểm tra niêm phong, tạm giữ trên 1.000 bình gas mang nhiều thương hiệu, trong đó có nhiều bình đã được sang chiết lại nhưng chưa chụp niêm màng co.

    Ngày 3/4, Phòng CSĐT tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (PC46) Công an tỉnh Long An phối hợp với Đội Quản lý thị trường (QLTT) cơ động tỉnh kiểm tra tại chi nhánh của Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Minh Phúc, tại ấp 4, xã Mỹ Yên, huyện Bến Lức (Long An) - địa bàn giáp ranh với huyện Bình Chánh (TP.HCM).

    Kín cổng cao tường

    Có mặt tại hiện trường khoảng 12h, chúng tôi ghi nhận bên ngoài cổng chi nhánh có treo bảng khá thô sơ với nội dung: “Trạm chỉ bán gas bình, ngừng chiết nạp”, ngoài ra còn ghi chèn dòng chữ nhỏ “cho thuê bãi đậu xe”. Toàn bộ khu vực trạm chiết, được bao bọc bởi tường xây khá cao, bên ngoài không thể quan sát hoạt động bên trong. Trong khuôn viên đậu nhiều xe tải biển số TP HCM, Long An…, bên trên có chứa vỏ bình gas 12kg và 45kg của nhiều thương hiệu. Tại nơi chiết nạp, có 8 bình gas 12kg đang gắn vào họng nạp gas và nhiều bình gas, vỏ bình các thương hiệu như: Sài Gòn Petro, H-gas, TTA gas, Unique, Total...

    Ổ gas lậu vùng giáp ranh

    Lực lượng chức năng kiểm đếm và niêm phong tang vật. Ảnh: N.A

    Đáng chú ý, tại đây còn có nhiều vỏ bình gas đã quá hạn kiểm định, chưa rõ độ an toàn. Đặc biệt, còn có vỏ bình gas thương hiệu BP loại 45kg mà công ty chủ sở hữu đã giải thể từ năm 2008. Theo kỹ thuật viên an toàn của một công ty gas, tại đây, câu mắc điện rất nguy hiểm, không an toàn cho công tác phòng cháy chữa cháy.

    Làm việc với đoàn kiểm tra, chỉ có ông Nguyễn Hữu Sơn, đại diện chi nhánh, nên các thành viên Chi hội Gas miền Nam phải huy động thêm nhân công từ các công ty gas trong khu vực đến hỗ trợ công tác kiểm đếm tang vật. Kết quả, đến cuối ngày 3/4, đoàn kiểm tra đã niêm phong, tạm giữ trên 1.000 bình gas (loại 12kg và 45kg) mang nhiều thương hiệu, trong đó có nhiều bình đã được sang chiết lại, nhưng chưa chụp niêm màng co.

    Thế nhưng, ông Nguyễn Hữu Sơn lại phủ nhận việc sang chiết nạp gas lậu. Ông cho rằng, các bình gas gắn vào họng nạp là để hút gas tồn (gas sử dụng chưa hết) về bồn lớn. Còn các xe tải chở vỏ bình gas, xe bồn chở gas chỉ là đậu thuê với giá từ 300.000 đồng đến 1 triệu đồng/tháng. Ông Sơn nói thêm, mình vừa nghỉ hưu, nhận trông coi trạm để kiếm thêm thu nhập và tại đây chỉ bán gas bình hiệu Vinashin chứ không thực hiện chiết nạp (?!).

    Hành vi vi phạm đã rõ

    Ông Trần Văn Nghị, Chủ tịch Chi hội Gas miền Nam nhận định, đây là vụ sang chiết gas lậu quy mô lớn nhất khu vực phía Nam trong khoảng 5 năm gần đây. “Cùng một thời điểm, phát hiện tại hiện trường đến 7 xe tải với số lượng lên đến trên 1.000 bình chờ nạp gas để chở đi tiêu thụ, cho thấy sản lượng của trạm nạp này cực lớn. Pháp luật đã quy định rõ, vỏ bình gas thuộc về các công ty gas nhưng có mặt tại hiện trường, đại diện các thương hiệu gas như Gia đình, Total, Elz, SP... (trừ gas Vinashin) đều xác nhận không có hợp đồng với trạm nạp này, chứng tỏ toàn bộ vỏ bình gas đều bị chiếm dụng trái phép”, ông Nghị phân tích.

    Ông Nghị còn cho biết, từ năm 2011 đến nay, tại địa chỉ này, cơ quan chức năng đã 4 lần đến kiểm tra và phát hiện có vi phạm nhưng trạm nạp vẫn chưa bị dẹp. Và dù sang chiết gas trái phép với số lượng rất lớn, nhưng cơ sở này không có giấy chứng nhận đủ điều kiện nạp gas vào chai gas theo quy định. “Hành vi sang chiết gas lậu gây thất thu thuế cho nhà nước, ảnh hưởng uy tín và doanh thu của các công ty gas trong khi người tiêu dùng phải sử dụng những bình gas thiếu trọng lượng và thiếu an toàn do không được kiểm định”, ông Nghị nói.

    Ông Trần Minh Loan, Phó Chủ tịch Hiệp hội Gas Việt Nam cho rằng, xử lý vi phạm về gas giả, gas lậu đang có tình trạng “bắt cóc bỏ dĩa” do cơ quan chức năng xử lý chưa triệt để. Ông Loan đề nghị cơ quan chức năng cần tìm cho ra nơi cấp nguồn cho trạm nạp này và xử lý công ty đầu mối bán gas bồn không đúng quy định. Đồng thời, theo kinh nghiệm xử lý từ một số địa phương khác như TP HCM, Đồng Nai thì muốn dẹp cơ sở sang chiết gas lậu cần phải tịch thu toàn bộ tang vật từ bồn chứa đến hệ thống chiết nạp, để tránh tái phạm, làm mất uy tín cơ quan chức năng và xử lý luôn các đối tượng tiêu thụ gas lậu.

    Hiện, vụ việc đang được cơ quan chức năng tỉnh Long An tiếp tục làm rõ.

    N.H(theo NLĐ)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/o-gas-lau-vung-giap-ranh-a28062.html
    Vạch trần thủ đoạn kinh doanh gas lậu (Kỳ 2)

    Vạch trần thủ đoạn kinh doanh gas lậu (Kỳ 2)

    (ĐSPL) - Để “móc túi” người tiêu dùng, các cơ sở kinh doanh gas lậu thực hiện nhiều chiêu lừa đảo tinh vi khiến cho thị trường gas trở nên bát nháo và hỗn loạn, người tiêu dùng vô cùng bức xúc.

    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan
    Vạch trần thủ đoạn kinh doanh gas lậu (Kỳ 2)

    Vạch trần thủ đoạn kinh doanh gas lậu (Kỳ 2)

    (ĐSPL) - Để “móc túi” người tiêu dùng, các cơ sở kinh doanh gas lậu thực hiện nhiều chiêu lừa đảo tinh vi khiến cho thị trường gas trở nên bát nháo và hỗn loạn, người tiêu dùng vô cùng bức xúc.