(ĐSPL) - "Nghề "bố mì" làm được nhiều tiền thật, nhưng rồi nếu mai sau lấy vợ, tưởng tượng đến cảnh vợ mình đón tay cầm những đồng tiền đó mà tớ rùng mình, xót xa", Tuân chua chát nói.
Trở lại cuộc điện thoại tôi gọi cho Tuân "Gia-Lai" khi hay tin nhà nghỉ Xanh 2 (thuộc quận Cầu Giấy, Hà Nội) bị lực lượng chức năng "đánh úp" chiều 17/3/2014, bắt quả tang ba đôi nam nữ đang có hành vi mua bán dâm. Sau lần nói chuyện đó không lâu, tôi và Tuân đã có dịp ngồi riêng với nhau. Và trong lần gặp gỡ hiếm hoi đó, lần đầu tiên, cậu bạn cũ quyết định tiết lộ lý do cậu giải nghệ, từ bỏ "giấc mộng bố mì"...
Đòn chí tử vào "giấc mộng bố mì"
Sau một thời gian dài không gặp, trông Tuân có vẻ già nhiều đi so với thời kỳ hào nhoáng lúc còn là giám đốc một công ty truyền thông kiêm giữ vai trò là "chuột bạch" trong hệ thống "bố mì" của Kính Cận. Ngồi trước mặt tôi tại một quán cà phê nhỏ cuối đường Láng, trông Tuân ủ rũ và khá mệt mỏi. Cậu chàng thậm chí còn mất hết tự tin và liên tục rít sâu những hơi thuốc sau khi tự tay đánh đổ cốc nước. Tuân cũng chẳng buồn vòng vo: "Sống mà lúc nào cũng cứ phải nơm nớp sợ sệt thì chẳng đáng. Thôi thì bỏ đi cho đỡ khổ".
|
Chân dung "bố mì" Nguyễn Vũ Túc, người vừa bị Công an quận Cầu Giấy bắt giữ chiều 17/3. |
Trong câu chuyện lần này với tôi, Tuân đã thôi nhắc đến những cảm giác sung sướng khi còn được làm tay chân trong một hệ thống "bố mì". Lần đầu tiên, tôi thấy cậu nói về những nỗi khổ từ công việc đó, những điều mà nếu cậu không nói ra thì tôi cũng đã phần nhiều cảm nhận được.
Tuân bảo, cái khốn nạn nhất của nghề "bố mì" đó chính là cảm giác mặc cảm. Nếu gái mại dâm luôn cảm thấy mặc cảm bởi phải mang thân xác, sự trong sạch của thì con gái ra hòng kiếm cơm nuôi miệng thì một "bố mì" cũng luôn mang trong mình cảm giác đó, mặc dù không phải ai cũng nói ra miệng. "Mỗi lần nghe ai đó kể chuyện tháng này làm được ngần này, về đưa tiền cho vợ rồi cả gia đình đi mua sắm, dù chỉ là một khoản ít ỏi từ công việc tay chân thôi nhưng cũng làm tớ cảm thấy rất khốn khổ. Nghề "bố mì" làm được nhiều tiền thật, nhưng rồi nếu mai sau lấy vợ, tưởng tượng đến cảnh vợ mình đón tay cầm những đồng tiền đó mà tớ rùng mình, xót xa", Tuân chua chát nói.
Điều mặc cảm tiếp theo của nghề "bố mì" là mặc dù nhiều tiền nhưng chẳng mấy ai dám bạo tay tiêu xài trên khoản tiền mình kiếm được bởi rào cản vỏ bọc luôn hiện hữu. Với công việc là nhân viên văn phòng của Kính Cận hay vẫn còn là sinh viên của Rùa Con, việc những "bố mì" này tiêu xài thái quá sẽ chỉ làm tăng nguy cơ bị lộ. Đã thế, vì sự an nguy bản thân, các "bố mì" cũng luôn phải giấu kín danh tính, nhìn trước ngó sau mỗi khi ra đường rất mệt mỏi. Thế nên họ vẫn chỉ dám sống một cuộc sống bình thường mặc dù thu nhập thực tế cao hơn nhiều lần mức đó. Theo lý thuyết của Tuân "Gia-Lai", một người đàn ông kiếm được nhiều tiền nhưng không dám tiêu xài, không được nhìn nhận với tài năng của mình và luôn phải sống trong sợ hãi thì đó thực sự là một bi kịch. Thế nên, sau nhiều suy nghĩ, cuối cùng Tuân cũng nhận thấy rằng nghề "bố mì" không đáng để theo đuổi nữa và cậu quyết tâm đoạn tuyệt với nó.
Ngoài hai nỗi mặc cảm nói trên, một nỗi ám ảnh kinh hoàng khác luôn theo "chuột bạch" Tuân "Gia-Lai" vào giấc ngủ hàng đêm chính là nỗi sợ hãi bệnh tật. Tuân cho biết, không có gì đảm bảo rằng với tần suất bán dâm lên tới cả chục khách/ngày, các ả "đào" trong hệ thống của mình giữ được bản thân khỏi bệnh tật. Đấy còn chưa kể, trong cuộc cạch tranh khốc liệt như hiện tại, gái mại dâm buộc phải thủ sẵn những chiêu trò mới, sẵn sàng chiều khách nhiều hơn, sẵn sàng chấp nhận các hình thức mại dâm quái dị... nên dẫn tới nguy cơ lây bệnh càng nhiều hơn.
Là một "chuột bạch" thường xuyên phải chung chạ với gái mại dâm, Tuân luôn mang trong mình nỗi ám ảnh về bệnh tật. Mặc dù cũng đã chủ động sử dụng các biện pháp an toàn nhưng rồi "đi đêm lắm có ngày gặp ma", Tuân kể cuối cùng nỗi sợ hãi đó đã thành sự thật. Cầm tờ xét nghiệm kết luận mắc căn bệnh lậu trên tay, Tuân ngã ngửa ra khi biết rằng căn bệnh quái ác này rất dễ lây qua đường miệng. Chưa vợ, chưa con, cú phốt bệnh tật đó đã giáng một đòn chí tử vào "giấc mộng bố mì" của Tuân. Cậu quyết tâm bỏ nghề vào giữa năm 2013, không lâu trước thời điểm hình thức mại dâm online này liên tục bị các lực lượng chức năng triệt phá.
Ngoài việc trốn chạy khỏi đám "bố mì" Kính Cận và Rùa Con, Tuân "Gia-Lai" cho biết, cậu cũng quyết định bán lại công ty truyền thông của mình và chuyển sang lĩnh vực kinh doanh khác. Cậu ta sợ cảm giác tội lỗi trong quá khứ lại ùa về mỗi lần nhìn thấy các cô gái PG xinh đẹp.
|
Gái mại dâm và khách làng chơi bị bắt tại trận tại nhà nghỉ khi đang “mây mưa”. |
Những con số thống kê giật mình
Để tìm hiểu rõ hơn về tình trạng mại dâm online đang hoành hành này, PV báo Đời sống và Pháp luật đã liên hệ với bà Phan Thị H.Y., Phó Chủ tịch một phường thuộc quận Cầu Giấy, Hà Nội nơi được các dân chơi mệnh danh là một trong hai "phố đèn đỏ" lớn nhất Hà thành.
Theo lời bà Y., "hoạt động mại dâm trong các nhà nghỉ chủ yếu diễn ra dưới hình thức người ta đến thuê nhà nghỉ, khách sạn này để thực hiện hành vi mua bán dâm. Còn tôi khẳng định, 100\% các chủ cơ sở không liên quan đến đường dây này. Họ không đứng ra tổ chức và môi giới. Đầu tư nhà nghỉ số tiền rất lớn, họ chẳng dại gì làm việc đấy để liên quan đến pháp luật", bà Y. nói.
Trước câu hỏi của PV về hiện tượng mại dâm hoạt động gần như công khai và tương đối nhộn nhịp tại các nhà nghỉ trên địa bàn, vị Phó Chủ tịch phường này phân trần: "Có khi gái mại dâm thông tin trên các trang web, hẹn hò nhau đến đó để mua bán dâm. Trong khoảng thời gian hai tháng gần đây, trên địa bàn phường cũng đã phát hiện ba vụ, trong đó công an phường trực tiếp phát hiện hai vụ (tại nhà nghỉ Hồng Nhung và Mai Villa), còn lại công an quận và thành phố bắt giữ một vụ ở khách sạn Nam Cường. Đối với những nhà nghỉ, khách sạn này, chúng tôi tập trung quản lý hành chính, công tác kiểm tra luôn được đặt lên hàng đầu. Bản thân tôi cũng trực tiếp đi kiểm tra và thấy khá phức tạp. Có những cơ sở karaoke chỉ có 4 phòng hát được cấp phép nhưng có đến 27 cô chân dài, váy ngắn làm tiếp viên. Thế nhưng, họ đối phó cũng rất tinh vi, các cô đều có hợp đồng lao động, có giấy tờ tùy thân. Theo quy định một phòng hát chỉ được một nhân viên phục vụ nhưng khi lực lượng đến kiểm tra, đang làm việc ở dưới thì bên trên tiếp viên đã ra ngoài hết".
Về những điểm bất thường trong danh mục kê khai khách nghỉ khi hầu hết là nghỉ theo giờ, bà Y. cho hay: "Đúng là danh mục kê khai chủ yếu theo giờ với tần suất dày đặc. Tuy nhiên, khách lưu trú đa phần họ đều kê khai CMND tại quầy lễ tân. Còn trường hợp, khách đến mua bán dâm họ không kê khai nhưng lại có CMND của cô gái đó. Rất khó cho lực lượng chức năng để chứng minh được chủ cơ sở nào môi giới hay chứa chấp mại dâm, trừ trường hợp bắt quả tang".
Trước phản ánh của báo Đời sống và Pháp luật về hiện tượng mại dâm hoạt động nhộn nhịp trong các nhà nghỉ trên địa bàn phường, bà Y. khẳng định: "Vấn đề này giờ đã gắn với trách nhiệm của cá nhân chúng tôi rồi, không có cách nào khác là phải làm quyết liệt. Mà việc kiểm tra cũng là hoạt động thường xuyên của chúng tôi, không kể những đợt đột xuất, một tuần phải kiểm tra hai lần. Còn công an phường thì thường xuyên rồi".
"Tiềm ẩn phát sinh bởi bản chất ngành nghề này đã nhạy cảm rồi"
Trả lời PV báo Đời sống và Pháp luật, bà Phạm Thị H.Y. cho biết, trên địa bàn phường hiện có 155 cơ sở kinh doanh có điều kiện, trong đó có 63 khách sạn và 92 nhà nghỉ. Ngoài ra còn có 30 cơ sở karaoke và 26 cơ sở mát xa. Đây đều là những cơ sở kinh doanh có điều kiện, nhạy cảm, dễ phát sinh tệ nạn xã hội. "Còn về hiện tượng mại dâm, chúng tôi thừa nhận rằng nó còn tồn tại, không phải là trong sạch hoàn toàn. Mà điều này chúng tôi đều nêu rõ trong các báo cáo, nó là cái tiềm ẩn phát sinh bởi bản chất ngành nghề này đã nhạy cảm rồi. Tôi khẳng định trên địa bàn phường không có mại dâm công cộng, không có kiểu gái gọi đứng vẫy ở đường nhưng hoạt động mại dâm trong các nhà nghỉ tôi nghĩ là còn tồn tại", bà Y. cho biết.
Trả lời về số lượng nhà nghỉ, khách sạn nhiều một cách bất thường trên địa bàn mình quản lý, bà Y. cho biết thêm: "Việc cấp phép nhà nghỉ, phường không có thẩm quyền. Đăng ký kinh doanh thuộc thẩm quyền của quận, thậm chí là Sở Kế hoạch & Đầu tư. Theo tôi biết, đến thời điểm này chỉ có dịch vụ karaoke là bị hạn chế về số lượng, còn chẳng có quy định nào cấm họ mở nhà nghỉ được".
Link bài gốcLấy link
https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/can-canh-the-gioi-bo-mi-cuoc-thao-chay-khoi-nhung-con-ac-mong-a31152.html