(ĐSPL) - Một cán bộ công chức Nhà nước sở hữu khối tài sản "khủng" thường bị nghi ngờ về sự không minh bạch giữa tài sản bất minh do tham nhũng, do quà biếu, do giao dịch mờ ám mà có được với một người siêng năng lao động và sở hữu khối tài sản từ gia đình để lại. Vậy cơ sở nào để chứng minh nguồn tài sản hợp pháp và tài sản bất minh?
Xung quanh vấn đề này, PV báo Đời sống và Pháp luật đã có cuộc trao đổi với ông Ngô Văn Sửu, nguyên Vụ trưởng Vụ I, Ủy ban Kiểm tra Trung ương.
Ông Ngô Văn Sửu. |
Quan trọng là chứng minh nguồn gốc tài sản
Minh bạch, công khai tài sản là một trong những yêu cầu rất quan trọng khi chống tham nhũng. Theo ông, cơ sở nào để chứng minh nguồn tài sản mà cán bộ kê khai là hợp pháp và đảm bảo tính chính xác?
Vấn đề chính là cán bộ kê khai có trung thực hay không, có đảm bảo tính pháp lý không. Anh kê khai chi tiết nhưng nguồn gốc phải chính đáng. Gần 1 triệu người kê khai mà chỉ phát hiện 1 người kê khai không đúng, thử hỏi việc kê khai tài sản đó còn nghĩa lý gì không?
Có thể có những cán bộ kê khai tỉ mỉ, chi tiết. Tuy nhiên, phải xem khối tài sản đó có phù hợp với nguồn thu của họ hay không. Thực tế, những cán bộ kê khai không trung thực mà bị phát giác mới đây cho thấy, họ có kê khai nhưng kê khai không đúng. Việc kê khai tài sản được xem là hiệu quả không chỉ đảm bảo tính trung thực mà còn đảm bảo khối tài sản đó hợp pháp, đúng với các nguồn thu chính đáng của cán bộ. Chẳng hạn, tài sản đó có do con cái làm ăn, họ hàng ở nước ngoài biếu hoặc do kinh doanh mà có không... thì cũng phải chứng minh được.
Nhiều vị cán bộ khi kê khai tài sản, về hình thức là minh bạch nhưng tài sản đó lại không hợp lý, không hợp pháp thì kê khai này dứt khoát cũng phải xem xét. Phải xem nguồn tài sản được minh bạch ấy có chính đáng hay không. Cụ thể là tài sản của ông trị giá từng ấy thì phải xem nguồn thu của ông bao nhiêu năm làm công tác có tương xứng hay không. Hoặc có thể xem con cháu của vị cán bộ đó làm gì. Nếu thực con cháu họ làm ăn tốt, có tiền biếu, vẫn chấp nhận được.
Kê khai gian dối là điều đáng lên án, song có trường hợp kê khai trung thực cũng bị chịu búa rìu dư luận. Có ý kiến cho rằng, chính điều này có thể sẽ làm cho không ít người không dám trung thực khi kê khai tài sản, thưa ông?
Nếu thực sự tài sản của họ có nguồn gốc chính đáng, tôi tin rằng, yêu cầu kê khai tỉ mỉ đến mấy họ cũng không sợ. Những vị còn mất thời gian nguỵ biện, chắc hẳn nguồn tài sản của họ có vấn đề. Thời tôi còn làm cán bộ kiểm tra, có những trường hợp kiểm kê căn nhà của một vị cán bộ nhưng phải mất tới 3 năm. Lý do là vì vị cán bộ đó cố kéo dài thời gian, hợp thức hoá các tài sản, chạy chọt... Hay như vừa qua, đối tượng của các vụ phát giác ra đều là các vị về hưu rồi. Còn những vị đương chức, đã ai dám chỉ mặt, đặt tên các sai phạm. Có thể vì thế lực và quan hệ của họ mạnh?
Kiểm tra, giám sát không thật là tinh tường thì chưa chắc đã xác định được tính chân thực của các khối tài sản. Nhiều vị cán bộ hiện nay có cách giấu tài sản rất tinh vi. Chẳng hạn, họ gửi tiền, vàng ở ngân hàng nước ngoài. Các ngân hàng lại đảm bảo tính bí mật và không công khai danh tính người gửi để được hưởng lợi ích. Chính vì thế, rất khó để biết được khối tài sản này.
Để việc kê khai tài sản hiệu quả, đòi hỏi bản thân người cán bộ phải trung thực. Thứ hai là, tổ chức Đảng ở đó phải giám sát chặt chẽ. Nếu phát hiện có vấn đề thì thông báo cho cơ quan Nhà nước để vào cuộc.
Dư luận đặt nghi ngờ về khối tài sản "khủng" của ông Trần Văn Truyền, nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ. |
Không phải cứ kê khai nhiều tài sản là quy chụp
Nhiều ý kiến còn lo ngại về công tác kiểm tra tính chân thực của các bản kê khai tài sản. Dường như, đây còn là một khoảng bỏ ngỏ khiến việc kê khai tài sản rơi vào hình thức. Ông có đồng tình với quan điểm này không?
Hiện nay, chúng ta chỉ công khai bản kê khai tài sản trong cơ quan, tổ chức, đơn vị người đó làm việc. Có khi cơ quan, chi bộ biết vậy song khả năng kiểm tra và giám sát của chi bộ đôi khi cũng không đánh giá hết được. Nói là không có "vùng cấm" nhưng thực tế nếu vị cán bộ đó là uỷ viên trung ương thì khi sinh hoạt chi bộ, tiếng nói của họ đã khác rồi. Các đảng viên khác trong chi bộ ít người dám đứng ra đấu tranh với vị đó lắm. Đó là thực tế đang diễn ra. Vậy nên, phải có một cơ chế để giám sát việc này thì mới có thể kiểm soát được.
Nhà nước khuyến khích cán bộ, đảng viên làm kinh tế nhưng hễ cán bộ, đảng viên giàu thì lại xuất hiện luồng ý kiến cho rằng, tài sản bất minh do tham nhũng mà thành. Ông nghĩ sao về quan điểm này?
Đất nước ta vẫn còn nghèo. Những người được xem là đại gia giàu có thì đều là những vị làm kinh doanh hoặc các lĩnh vực khác, còn những vị làm chính trị thì lại không có trong danh sách ấy. Nếu chỉ là cán bộ Nhà nước, hoạt động bình thường, không kinh doanh hoặc buôn bán gì nhiều thì không thể có được nhiều tài sản đến mức giàu có, có tiếng được.
Song tất nhiên, cũng có những vị cán bộ, ngoài làm công tác Nhà nước còn kinh doanh buôn bán thêm. Họ làm giàu chân chính bằng chính trí tuệ và năng lực của mình. Đối với họ, kê khai tài sản không có gì là khó khăn vì tài sản của họ có nguồn gốc chính đáng, hợp pháp. Chúng ta còn đang khuyến khích đảng viên làm giàu. Những cán bộ như thế thì nên khuyến khích chứ không phải thấy họ kê khai nhiều tài sản là vội quy chụp họ giàu có bất chính.
Vậy theo ông, đâu là cơ chế giám sát nguồn tài sản, thu nhập của cán bộ?
Theo tôi, quan trọng là mình đi tìm nguồn gốc của những khối tài sản không minh bạch. Chúng ta không thể đơn giản nghĩ rằng có một giải pháp nào đó là chiếc đũa thần mà cần hệ thống giải pháp đồng bộ, nhưng từng giải pháp phải đi đến tận cùng. Công khai phải cho ra công khai. Cán bộ định kỳ kê khai và công khai tài sản, thu nhập trước nhân dân để dân giám sát.
Tôi nghĩ cứ theo phân cấp quản lý cán bộ của Đảng hiện tại để kiểm tra việc kê khai của cán bộ. Các cơ quan của Đảng phải trực tiếp vào làm việc. Còn khi các cơ quan Nhà nước phải vào cuộc thì khi ấy kê khai đó đã phải có dấu hiệu gì rồi thì họ mới can thiệp.
Xin cảm ơn ông!