(ĐSPL) – “Gần 1 triệu trường hợp kê khai tài sản, nhưng chỉ có 5 trường hợp tiến hành xác minh, 1 trường hợp bị xử lý vì kê khai không trung thực, chúng tôi cũng băn khoăn về con số này” – Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Đức Lượng cho biết.
Sáng 23/10, Thanh tra Chính phủ tổ chức cuộc họp báo Quý III năm 2014. Tại cuộc họp báo, rất nhiều câu hỏi thắc mắc xung quanh vấn đề kê khai tài sản của quan chức đã được các phóng viên báo chí nêu ra.
Mới đây, Tổng thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh đã báo cáo cụ thể trước Quốc hội về việc kê khai tài sản, theo đó, có gần 1 triệu trường hợp kê khai tài sản nhưng chỉ có 5 trường hợp tiến hành xác minh và 1 trường hợp bị xử lý vì kê khai không trung thực.
Lãnh đạo Thanh tra Chính phủ giải đáp thắc mắc của báo chí trong cuộc họp báo quý III, được tổ chức ngày 23/10. |
Trước con số ấy, nhiều đại biểu Quốc hội cũng như dư luận đều đặt ra nghi ngại rằng, liệu con số này có thực sự phản ánh đúng thực trạng?
Trước những băn khoăn đó, ông Trần Đức Lượng – Phó Tổng Thanh tra Chính phủ cũng phải xác nhận rằng: “Chúng tôi cũng rất băn khoăn vì con số đó. Số trường hợp kê khai thì nhiều mà trường hợp xác minh và bị xử lý thì ít quá, nhưng thẩm quyền xác minh hiện nay theo quy định của pháp luật thuộc về người có thẩm quyền quản lý cán bộ. Nên phải chăng tới đây, chính chủ thể xác minh có thể thay đổi được không để bảo đảm tỷ lệ được xác minh sẽ nhiều hơn”.
Ông Trần Đức Lượng cũng cho rằng, kê khai tài sản là giải pháp phòng ngừa tham nhũng mà ở nhiều nước cũng đã áp dụng.
“Ở Việt Nam, việc kê khai tài sản không phải là 1 vấn đề mới đối với cán bộ công chức, không phải chỉ khi có Pháp lệnh về Phòng chống tham nhũng năm 1998 hay có Luật Phòng chống tham nhũng thì ta mới làm, mà đối với cán bộ công chức khi kê khai lý lịch, trong nội dung kê khai có 1 mục gọi là Hoàn cảnh kinh tế, đó chính là kê khai tài sản. Đến Pháp lệnh Phòng chống tham nhũng năm 1998 thì ta quy định thành quy phạm pháp luật, xác định rõ đối tượng, chủ thể phải kê khai, nội dung phải kê khai và quản lý nó như thế nào.” – Phó Tổng Thanh tra cho biết.
Ông Lượng nói thêm: “Chúng ta tiến thêm một bước, từ kê khai chúng ta tiến tới xác minh, nhưng đây là xác minh có điều kiện, ràng buộc tương đối chặt. Rồi đến Luật sửa đổi Luật Phòng chống tham nhũng 2012 thì chúng ta lại tiến thêm một bước nữa là phải công khai bản kê khai tài sản thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai ở cơ quan, tổ chức, cấp ủy… Quy định của pháp luật đã có bước tiến như vậy, nhiều chuyên gia nhận xét thể chế của mình tiếp cận tương đối nhanh, nhưng vấn đề là mình phải quản lý như thế nào mà thôi”.
Cũng theo ông Lượng, hiện nay có nhiều người kê khai, nên ý nghĩa, mục đích và quản lý việc kê khai này gặp nhiều khó khăn, vì thế cần phải thu hẹp đối tượng kê khai lại, công khai một cách rộng rãi hơn, đưa ra một chế định xác minh không điều kiện như một số nước gần chúng ta đã làm.
Đánh giá và nhìn nhận về hiệu quả của việc kê khai tài sản tại Việt Nam trong những năm qua, ông Phí Ngọc Tuyển - Phó Cục trưởng Cục 4 (Cục Chống tham nhũng, Thanh tra Chính phủ) cho biết, đây là 1 vấn đề được đặt ra xuyên suốt từ trước đến nay.
Nói về tỷ lệ người kê khai tài sản và tỷ lệ người bị xử lý vì kê khai không trung thực, ông Phí Ngọc Tuyển nhấn mạnh: “Con số ấy chưa thể gọi là trung thực được, vì vấn đề này vân đang tiếp tục được đưa ra và giải quyết”.
Cũng theo Phó Cục trưởng Cục Chống tham nhũng, trong vấn đề kê khai tài sản hiện nay chia làm 3 nhóm giải pháp: Nhóm tương đối hiệu quả, nhóm trung bình và nhóm hiệu quả thấp, thì kê khai tài sản được xếp vào nhóm có hiệu quả thấp.
Theo lãnh đạo Thanh tra Chính phủ, vì kê khai tài sản thuộc hiệu quả thấp nên Chính phủ đã giao cho Thanh tra Chính phủ tiếp tục nghiên cứu các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả của việc này.
“Về vấn đề quản lý nhà nước trong việc kê khai tài sản, ngay từ năm 2014, Thanh tra Chính phủ cho biết đã chỉ đạo các đơn vị chuyên môn tiến hành kiểm tra đánh giá việc thực hiện một cách dát sao hơn nữa để nâng cao hiệu quả” – Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Đức Lượng cho biết.