“Với tư cách cán bộ, công chức thì hành vi kê khai không trung thực với tổ chức thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị áp dụng hình thức xử lý kỷ luật khác nhau”.
Dự thảo luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) vừa trình Quốc hội đã nhận được sự quan tâm đóng góp ý kiến của rất nhiều Đại biểu tại hội trường. Liên quan đến vấn đề kê khai và xử lý tài sản kê khai không trung thực, PV báo Người Đưa Tin đã trao đổi với Đại biểu Quốc hội Nguyễn Hoàng Mai, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội.
PV: Thưa ông, ông nhìn nhận như thế nào về quy định 7 nhóm đối tượng có nghĩa vụ phải công khai thu nhập, tài sản theo dự thảo luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi)?
ĐBQH Nguyễn Hoàng Mai: Tôi tán thành quy định tất cả cán bộ, công chức phải kê khai lần đầu và kê khai bổ sung khi có sự thay đổi lớn về tài sản, thay đổi vị trí việc làm, được bổ nhiệm, bầu, cử giữ chức vụ quản lý. Tuy nhiên cần bổ sung quy định với tài sản kê khai lần đầu ở mức nào thì bắt buộc phải xác minh.
Đối với lực lượng vũ trang, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp Nhà nước thì bên cạnh quy định đối tượng kê khai giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý như tại khoản 2, khoản 3 Điều 37, dự thảo luật cần bổ sung đối tượng kê khai là người ở các vị trí công tác nhạy cảm như: làm công tác tổ chức cán bộ, quản lý tài chính, tài sản công...
Tuy nhiên, tôi muốn nói thêm, theo dự thảo sửa đổi quy định, người đứng đầu, cấp phó cơ quan, tổ chức không được để người thân (kể cả anh chị em ruột, anh chị em của vợ hoặc chồng) góp vốn, hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực, ngành mà mình quản lý.
Tôi nghĩ, ban soạn thảo cần làm rõ cơ sở lý luận, thực tiễn, căn cứ pháp lý, kinh nghiệm thế giới, đánh giá tác động khi mở rộng việc điều chỉnh đối với các đối tượng này. Theo tôi, chỉ nên giữ như luật Phòng, chống tham nhũng hiện hành, tức là chỉ giới hạn trong phạm vi bố, mẹ, con, không nên mở rộng các đối tượng như dự thảo luật. Bởi lẽ, như vậy để bảo đảm quyền kinh doanh của công dân.
Hơn nữa, theo quy định của luật Hôn nhân và gia đình thì anh chị em của chồng, anh chị em của vợ không phải là thành viên gia đình và cũng không phải là người thân thích. Thứ hai là sẽ tránh được các xung đột có thể phát sinh, thậm chí có thể từ mặt nhau nếu anh chị em ruột, anh chị em vợ, anh chị em chồng vẫn kinh doanh trong những ngành, lĩnh vực đó.
ĐBQH Nguyễn Hoàng Mai. |
PV:Đại biểu nghĩ sao về quan điểm cho rằng, tài sản chênh với phần kê khai của cán bộ, công chức sẽ bị quy kết là tài sản tham nhũng, phi pháp?
ĐBQH Nguyễn Hoàng Mai: Đây là vấn đề mới và khó, vì nguồn gốc tài sản cá nhân, trong đó có tài sản của cán bộ công chức, viên chức ở nước ta rất phức tạp. Theo tôi với số tài sản kê khai không trung thực sẽ rơi vào 3 loại, tôi tạm gọi là “trắng, xám, đen”.
Loại “trắng” là những tài sản sạch có thể chứng minh được nguồn gốc. Song, vì nhiều lý do khác nhau mà người cán bộ công chức không kê khai.
Loại “xám” cũng là tài sản sạch nhưng không có giấy tờ chứng minh. Ví dụ như tiền, vàng được người nhà cho; tiền đầu tư mạo hiểm, lướt sóng nhưng để người khác đứng tên... Đây là loại tài sản hợp tình nhưng không hợp lý.
Loại “đen” là tài sản bẩn có nguồn gốc hình thành từ các hành vi tham nhũng hoặc các việc làm ăn vi phạm pháp luật. Loại tài sản này cũng không thể giải trình hợp lý được.
Như vậy, không thể kết luận ngay việc tài sản, thu nhập chênh mà không giải trình một cách hợp lý là tài sản tham nhũng, phi pháp.
PV:Vậy, theo ông, tài sản kê khai không trung thực hoặc tài sản, thu nhập tăng thêm mà không giải trình được sẽ phải xử lý như thế nào?
ĐBQH Nguyễn Hoàng Mai: Điều 59 dự thảo luật Phòng, chống tham nhũng đưa ra 2 phương án xử lý đối với tài sản mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được một cách hợp lý. Trong đó, Chính phủ chọn phương án 1 là sẽ thực hiện thu thuế thu nhập cá nhân với mức thuế suất 45%.
Tôi đề xuất xử lý theo hướng khác với 2 phương án do Chính phủ trình, cụ thể là trường hợp này nên nhìn nhận người kê khai không trung thực dưới 2 tư cách, một là cán bộ công chức, hai là công dân.
Với tư cách cán bộ, công chức thì hành vi kê khai không trung thực với tổ chức thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị áp dụng hình thức xử lý kỷ luật ở các mức khác nhau (khiển trách, cảnh cáo, giáng chức, cách chức, bãi nhiệm...
Với tư cách công dân, việc giấu tài sản, thu nhập là vi phạm quy định trách nhiệm kê khai, nộp thuế thu nhập cá nhân, do đó sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính và truy thu thuế theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập cá nhân.
Xử lý theo phương án này bảo đảm sự thống nhất của hệ thống luật, chỉ cần ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện.
Ngoài ra, tôi đề nghị Ban sọan thảo cần làm rõ cụm từ “giải trình được một cách hợp lý về nguồn gốc tài sản, thu nhập” để bảo đảm sự thực hiện thống nhất khi luật có hiệu lực thi hành.
PV:Trân trọng cảm ơn ông!
Theo Người Đưa Tin