Khoảng 40% người từng bị thiếu máu não thoáng qua sẽ gặp phải cơn đột quỵ. Bạn đừng tưởng căn bệnh này chỉ xuất hiện ở người già, người trẻ cũng đang là nạn nhân của nó.
Thiếu máu não gây đột quỵ
Một cơn đột quỵ là một sự tắc nghẽn mạch máu tương đối nhỏ trong não bộ, gây nên thiếu hụt ôxi đối với khu vực đó. Sự thiếu hụt ôxi này sẽ ảnh hưởng trực tiếp một cách nghiêm trọng đến hoạt động của vị trí đó và các khu vực liên quan.
Tùy thuộc vào thời gian mà vị trí đó tắc nghẽn, mà các thiệt hại có thể không điều trị được nữa. Nguyên nhân của tắc nghẽn thường là các cục máu đông, tuy nhiên, một số vật xâm nhập như bong bóng có thể tạo ra hiệu ứng tắc nghẽn trên. Có hai loại đột quỵ chính, là Tai biến mạch máu não (CVA - Cerebro-vascular Accident – đôi khi chỉ gọi ngắn là đột quỵ hay đột quỵ nghiêm trọng) và Cơn thiếu máu cục bộ não tạm thời (TIA - Transient Ischaemic Attack – đôi khi còn gọi là cơn đột quỵ nhẹ).
Sự khác biệt giữa TIA và CVA là thời gian kéo dài của triệu chứng. Nếu các triệu chứng hết trong vòng 24 giờ, thì trường hợp đó là TIA. Nếu triệu chứng không hết dần, thì sẽ được xem là đột quỵ, hay CVA. Tuy nhiên, trong sơ cứu thì cả hai trường hợp này đều phải xử lí với cùng mức độ nghiêm trọng và cùng cách thức, vì, khá đơn giản là, ngồi chờ cho 24 giờ trôi qua để quyết định xem nạn nhân đang có TIA, hay CVA, chắc chắn không phù hợp với tiêu chí của việc sơ cấp cứu.
Có nhiều yếu tố dẫn đến tai biến mạch máu não, đó là: di truyền, những người có cha mẹ bị bệnh tim mạch dễ bị cơn tai biến mạch máu não; người trên 55 tuổi. Ở nam, cơn tai biến mạch máu não gặp nhiều hơn nữ. Những đối tượng nguy cơ cao mắc tai biến mạch máu não là người béo phì, người mắc các bệnh như: tăng huyết áp, bệnh van tim, suy tim, đái tháo đường, cholesterol máu cao, hút thuốc lá, sử dụng ma túy...
Dấu hiệu của đột quỵ do thiếu máu não
Cơn thoáng thiếu máu não là sự thiếu hụt sự cung cấp máu trong giai đoạn ngắn ở một khu vực nhất định của não bộ. Vì thiếu máu cục bộ làm suy yếu chức năng của các tế bào não, một người mắc phải một cơn thiếu máu thoáng qua sẽ có các triệu chứng suy giảm chức năng não, chẳng hạn nói khó hoặc yếu liệt một bên tay, chân.
Các triệu chứng của một cơn thiếu máu thoáng qua có thể kéo dài từ vài phút đến vài giờ, nhưng theo định nghĩa, chúng phải biến mất trong vòng 24 giờ.
Có đến 20% số người bị thoáng thiếu máu não sẽ gặp phải một cơn đột quỵ thực sự trong 3 tháng tiếp theo.
Khi gặp phải các dấu hiệu: choáng váng đi kèm với yếu liệt một bên, rối loạn cảm giác, méo mặt, nói khó… cần nghĩ ngay đến cơn thiếu máu não thoáng qua, thậm chí là nhồi máu não.
Xử trí khi thiếu máu não gây đột quỵ
Mặc dù cơn thiếu máu não thoáng qua thường chỉ kéo dài vài phút, sau đó sẽ hết nhưng tình trạng này nên được đánh giá như một cấp cứu khẩn cấp về tai biến mạch máu não để cố gắng ngăn ngừa sự tái phát. Cơn thiếu máu não thoáng qua có thể xảy ra một hoặc nhiều lần, dẫn đến tai biến mạch máu não thực sự.
Khi cơn tai biến mạch máu não mới xảy ra, người bệnh cần được ở trong tình trạng nghỉ ngơi (nằm trên mặt phẳng sao cho máu đến não dễ dàng nhất). Không nên hoạt động mạnh hay có cảm xúc mạnh để phòng ngừa tai biến mạch máu não thực sự. Sau đó, cần gọi cấp cứu hay chuyển bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để khám, làm các xét nghiệm để loại trừ tai biến mạch máu não và điều trị khẩn cấp.
Việc xử lý, thăm khám và điều trị giải quyết cục máu đông chỉ mang lại hiệu quả tốt nhất trong 3 - 4 giờ đầu. Bệnh nhân có thể phục hồi hoàn toàn trong vài phút hay trong khoảng một giờ. Nhưng cần lưu ý rằng bệnh nhân có thể bị tái phát nhiều lần và dẫn tới tai biến mạch máu não với các biểu hiện hôn mê và liệt nửa người vĩnh viễn, thậm chí có thể tử vong.
Lưu ý, không được cho người bệnh tai biến mạch máu não dùng các loại thuốc như chống đông máu, hạ huyết áp nhanh chóng... Bệnh nhân cần được thăm khám cẩn thận và chỉ dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ, vì nếu tự ý dùng thuốc rất có thể sẽ làm cho bệnh trầm trọng hơn.
Các biện pháp phòng bệnh
Muốn giảm nguy cơ thiếu máu não cũng như các bệnh lý mạch máu não khác, mỗi người cần có chiến lược phòng bệnh cho mình ngay từ sớm. Nên bắt đầu bằng một chế độ dinh dưỡng giàu vitamin, nhiều chất xơ, giảm mỡ, đường, muối...
Nên ăn nhiều rau xanh, quả tươi, hạn chế uống các chất kích thích như rượu, bia, cà phê. Tuyệt đối không nên hút thuốc lá. Đây là căn nguyên của không chỉ tai biến mạch máu não mà còn dẫn đến các bệnh mạn tính nguy hiểm khác như ung thư, tim mạch... Bên cạnh đó, nên tăng cường các chất chống gốc tự do trong khẩu phần ăn hoặc sử dụng các dạng bổ sung khác để ngăn chặn quá trình tổn thương thành mạch máu.
Cần duy trì chế độ ăn uống và vận động khoa học, làm việc và nghỉ ngơi hợp lý để tránh căng thẳng. Kiểm soát các yếu tố nguy cơ như: điều trị tốt tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn lipid máu, loạn nhịp tim... Tập luyện thể dục thể thao hằng ngày cũng là một biện pháp quan trọng giảm rất nhiều nguy cơ gây bệnh.
Những thói quen để tránh đột quỵ
- Tập thể dục: Tập thể lực tối thiểu 150 phút (2,5 giờ) mỗi tuần với cường độ tập trung bình hoặc 75 phút (1 giờ 15 phút) mỗi tuần với cường độ cao
- Chế độ ăn: giảm muối và tăng kali giúp hạn chế tăng huyết áp. Nên ăn nhiều thức ăn rau, củ, quả. Hạn chế mỡ động vật. Hạn chế bia, rượu. Bỏ thuốc lá nếu đang hút thuốc lá.
- Với người có tiền sử rối loạn lipid máu: kết hợp chế độ ăn hợp lý với điều trị bằng statin, có thể phối hợp nhóm fibrat nếu cần để đưa lipid máu về mức bình thường. Ở người mắc đái tháo đường: cần kết hợp điều chỉnh chế độ ăn với dùng thuốc kiểm soát đường máu. Duy trì HbA1C ở mức dưới 6,5%.
Tổng hợp