+Aa-
    Zalo

    Cảm động chuyện người đàn ông suốt 16 năm bón cháo chăm vợ liệt giường

    • DSPL

    (ĐS&PL) - 16 năm, chưa lúc nào ông Mục thôi cẩn thận ở từng cử chỉ, nhẹ nhàng với từng thìa cháo bón cho vợ. Tình yêu của cặp vợ chồng già ấy khiến nhiều người xúc động.

    (ĐSPL) -16 năm qua, người dân ở khối 3, thị trấn Phố Châu, huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) không ai là không biết đến hình ảnh cụ ông Lê Trọng Mục (70 tuổi) luôn ở bên, cứ thế nhẹ nhàng chăm sóc cho người bạn đời đang sống cảnh bại liệt của mình. 16 năm, chưa lúc nào ông Mục thôi cẩn thận ở từng cử chỉ, thôi nhẹ nhàng với từng thìa cháo bón cho vợ. Tình yêu của cặp vợ chồng già ấy khiến nhiều người xúc động và ngưỡng mộ.

    "Cổ tích" giữa đời thường...

    Để thể hiện tình yêu, các cặp vợ chồng trẻ có nhiều cách để minh chứng cho nhau hiểu, là những bữa tiệc lãng mạn, những món quà đắt tiền... Riêng với người đàn ông 70 tuổi này, không phô trương, không ồn ào, người ấy chọn cho mình cách thầm lặng ở bên, chăm sóc vợ với bao niềm thương yêu rất đỗi nhẹ nhàng đã suốt 16 năm nay. Ông ấy là Lê Trọng Mục, trú tại khối 3, thị trấn Phố Châu, Hương Sơn (Hà Tĩnh). Khi đã có được niềm hạnh phúc cùng nhau đi sang phía dốc bên kia của cuộc đời, thứ tình cảm họ dành cho nhau là sự chân thành, giản đơn nhưng thấm đượm nghĩa tình phu thê.

    Theo lời kể của người dân, tò mò, chúng tôi tìm đến nhà ông Mục để được “mắt thấy tai nghe” về một câu chuyện đẹp, cụ ông 70 tuổi đã 16 năm nay bón cháo chăm vợ bại liệt. Trước mặt chúng tôi là căn nhà nhỏ, đơn sơ. Trong nhà, trên chiếc gường cũ kỹ, người đàn bà gầy gò nằm một chỗ nhưng sắc mặt vẫn thoáng nét tươi vui. Tiếp chúng tôi là ông Lê Văn Mục (SN 1945), vừa nói chuyện ông vừa nhìn sang phía vợ là bà Lê Thị

    Nam
    (SN 1946) đang nằm với ánh mắt rạng ngời yêu thương.

    16 năm qua, ông Mục chưa một lần than phiền, mệt mỏi khi chăm vợ liệt giường

    Ngược dòng thời gian, vào những năm 70, giữa khói bom lửa đạn chiến tranh, một đám cưới giản dị đã diễn ra, kết duyên 2 con người xa lạ với nhau. Lúc này, ông Mục đang công tác tại Công ty xây dựng 6 ở thành phố Vinh (Nghệ An). Cưới xong vỏn  vẹn 3 ngày, ông phải xa nhà, xa vợ mới cưới ra cơ quan nhận công tác. Hầu hết những năm tháng trai trẻ, ông đã dành hết thời gian của mình cho những công trình nay đây mai đó. Để lo kinh tế, ông và người vợ trẻ đành mỗi người một nơi hàng tháng trời. Mọi việc ở nhà một mình bà

    Nam
    gánh gồng lo toan.

    Dù cách trở, dù yêu thương trong xa cách nhưng tình cảm giữa ông Mục bà

    Nam
    ngày một lớn hơn khi 3 đứa con lần lượt ra đời. Mặc dù hạnh phúc nhưng điều ông áy náy, trăn trở nhất, chính là cả ba lần vợ “vượt cạn”, ông không phải là người đầu tiên bế những sinh linh bé bỏng hay không thể tự tay giặt cho con những chiếc tã lót.

    Kể đến đây, mắt ông ngấn lệ: “Vợ đã hy sinh vì mình rất nhiều. Hồi ấy khổ cực, vất vả vậy mà một mình bà ấy chăm con rồi bươn chải cuộc sống khi không có chồng ở bên đỡ đần mà không một lời oán trách”. Và có lẽ chính vì lẽ đó mà trong câu chuyện kể, ông luôn dành cho vợ những lời rất đẹp, rất đáng trân quý... về tình cảm vợ chồng thiêng liêng.

    Căn nhà nhỏ đơn sơ nơi hai vợ chồng ông Lê Trọng Mục sinh sống

     

    Hai mươi năm trôi qua, khi ông vẫn luôn bận rộn với những công trình nơi này nơi kia thì ở nhà, một mình bà

    Nam
    đã lo toan, nuôi nấng, dạy dỗ 3 người con ăn học nên người. Thế rồi, đến năm 1990, bà
    Nam
    bất ngờ đổ bệnh và liệt toàn thân. Khi đó, người chồng ấy không ngần ngại mà xin nghỉ hưu để về bên người bạn đời, chăm sóc từ những thứ nhỏ nhất. 9 năm trời ròng rã, ông cõng vợ đi hết các bệnh viện từ Bắc vào
    Nam
    , chạy chữa đủ mọi phương pháp từ Tây y đến Đông y nhưng vẫn không có hy vọng cho căn bệnh vôi hoá đốt sống cổ của bà. Thế rồi, ông quyết định đưa vợ về nhà để tự tay chăm sóc.

    Khi trở về nhà, ông Mục bắt đầu tìm tòi, nghiên cứu các phương pháp vật lý trị liệu, matxa… Ông còn tự làm thuốc để hỗ trợ điều trị bệnh cho vợ. Cây lược vàng được ông giã nát cùng với quả gấc, rồi đem ngâm rượu. Ròng rã 16 năm trời, trước lúc đi ngủ, ông không bao giờ quên việc bôi thuốc rồi mát xa, xoa bóp khắp người bà để máu lưu thông. Nhờ sự chăm sóc tận tâm của người chồng tình nghĩa ấy nên dù bị liệt nằm một chỗ, bà

    Nam
    vẫn khá khoẻ mạnh, sắc khí luôn hồng hào.

    Suốt 16 năm bà đổ bệnh là chừng đó thời gian ông làm “vợ” thay bà. Sáng nào, ông Mục cũng dậy thật sớm, làm xong vệ sinh cá nhân cho vợ, ông lại hào hứng đi chợ rồi vào bếp trổ tài những món vợ thích nhất. Nắm rõ chế độ ăn uống của vợ, tất cả đồ ăn được ông thao tác cẩn thận từ khâu sơ chế nguyên liệu đến cách nấu để hợp khẩu vị. Cũng từ ngày đó mà ông bỗng có thêm biệt tài sáng chế ra những dụng cụ phù hợp với căn bệnh của vợ mình. Nhìn quanh nhà, từ cái nạng có chân trụ đến cái ghế khoét lõm hay chiếc chõng tre để gội đầu cho bà… tất cả đều đượm tình thương của người chồng dành cho vợ.

    Tận mắt nhìn những thìa cháo ông bón cho bà, từng miếng, từng miếng một gọn gàng, đong đầy yêu thương… sống mũi chúng tôi cũng cay xè. Thời khắc ấy, chúng tôi hiểu, tình yêu thương, tình nghĩa phu thê ấy thật đẹp và luôn đáng để ta trân trọng, bao nhiều lời nói sẽ chỉ trở nên dư thừa mà thôi.

    Trở thành đôi tay bàn chân cho vợ

    Khi được hỏi rằng động lực nào để suốt 16 năm, ông chăm sóc bà không một lời kêu than, thậm chí còn coi đó là niềm hạnh phúc chứ không phải là gánh nặng, ông Mục chỉ cười hiền nói rằng: “Cả thời trai trẻ tôi chỉ dành cho đất nước, cho những công trường nay đây mai đó, còn vợ luôn chịu thiệt thòi. Vợ vất vả nên tôi tự nhủ sẽ dành hết sức lực và thương yêu cho người vợ tần tảo những năm tháng về sau”.

    Ông còn nói rằng: “Những việc mình làm, trước hết phải xuất phát từ tâm”. Vừa trò chuyện xong cũng là lúc bà

    Nam
    đã xong bữa trưa. Nhanh đứng dậy, ông Mục còng tấm lưng cẩn thận pha nước ấm giặt khăn, nhẹ nhàng lau miệng cho vợ. Cũng đã 16 năm kể từ khi nằm liệt giường, chưa một lần ông để cho vợ phải dùng nước lạnh. Tất cả nước sinh hoạt dành cho bà đều được ông đun sôi để nguội rồi pha ấm để bà dùng.

    Tận mắt chứng kiến cái cách ông Mục cẩn thận từng chút trong việc chăm sóc người vợ bại liệt của mình, chúng tôi thực sự bị xúc động mạnh. Người đàn ông ấy, lưng đã còng, tóc đã bạc gần hết nhưng trái tim thì chưa bao giờ già cỗi. Đưa mắt nhìn sang chiếc bàn cạnh đó, những cuốn sổ ông viết lâu nay đã xếp thành từng chồng cao. Đó là những bài báo, những câu chuyện, những bài thuốc ông đã rất cất công tìm kiếm, lưu giữ và chép lại để đọc cho bà cùng nghe.

    Nhìn vào ánh mắt ấy của bà

    Nam
    , chúng tôi hiểu đây mới thực sự là quãng đời bà cảm thấy hạnh phúc nhất.Bà Phạm Thị Tiến (SN 1950), một người hàng xóm sống cạnh nhà ông Mục tâm sự: “Đàn ông trên đời mà được như ông Mục là hiếm lắm. Tôi là phụ nữ làm những việc đó còn cảm thấy khó chứ chưa nói là đàn ông. Nhớ nhất là vào cái lần ông Mục bị ngã bệnh, vậy mà ông nhất quyết xin ra viện chống gậy về để chăm vợ mới yên tâm”.

    Suốt 16 năm đổ bệnh, bà

    Nam
    không thể tự mình đi vệ sinh được. Nhiều người hàng xóm đã rất nhiều lần được chứng kiến cảnh ông Mục đeo bao tay “giúp” bà ấy đại tiện. Rồi những lần cơn đau hành hạ, bà Nam khó tính hơn, hất đổ bát cháo ông đang bón vì không hợp khẩu vị, thế nhưng không một lời trách móc, than phiền, ông Mục nhẹ nhàng lau mặt cho vợ, dọn dẹp rồi lại vội vàng chạy ra chợ mua thứ khác về nấu lại.

    Cái thứ nghĩa tình vợ chồng đáng trân trọng đó của ông Lê Trọng Mục đã lan toả tích cực ra cộng đồng, trở thành tấm gương để mọi người nhắc nhau về tình cảm gia đình, đức hi sinh và đạo nghĩa vợ chồng sâu nặng.

    Trước khi chúng tôi ra về, ông Mục còn xoa xoa lên đầu mình rồi chỉ vào đầu bà mà nở nụ cười móm mém: “Cháu xem, tóc ông với bà có giống nhau không, hôm qua, ông vừa mới cắt đấy".

    Đâu đó trong cuộc sống bận rộn, xô bồ này, đã không ít lần chúng ta vội quên đi cái tình dành cho nhau, nhưng chúng tôi tin rằng, trong bản nhạc rộn ràng của nhịp sống đang diễn ra, vẫn có những nốt trầm vọng mãi… vọng mãi và đọng lại trong sâu thẳm trái tim của mỗi người về thứ tình cảm thiêng liêng mang tên: Vợ - Chồng.

    Ông Trần Quốc Hoàng, PCT UBND Thị trấn Phố Châu cho biết: "Ông Lê Trọng Mục là một tấm gương tiêu biểu mà bất cứ ai trong thị trấn Phố Châu đều biết. Suốt 16 năm ông luôn tận tuỵ chăm sóc người vợ bị bại liệt, những việc làm của ông đã khiến tất cả mọi người dân cảm động và nể phục. Ngoài ra, ông còn là một đảng viên gương mẫu, luôn tham gia tích cực câc hoạt động tại địa phương. Ông trở thành tấm gương sáng cho cộng đồng về tình nghĩa vợ chồng, đặc biệt trong xã hội hiện đại bây giờ".

    NGÂN HÀ

    [mecloud]YxDixiE2SD[/mecloud]

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/cam-dong-chuyen-nguoi-dan-ong-suot-16-nam-bon-chao-cham-vo-liet-giuong-a112975.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.