(ĐSPL) - Đang đau buồn vì con gái mắc căn bệnh ung thư phổi thì hai ông bà gần như suy sụp khi phát hiện mình cũng bị căn bệnh hiểm nghèo. Thống khổ đến nỗi hơn 60 tuổi ông vẫn phải đi làm thợ hồ, rồi cầm cố căn nhà, vay mượn đủ đường lo cho con gái. Tuy vậy, mọi nỗ lực của ông chỉ mong sao con gái khỏe mạnh mà không màng đến phận mình.
Sau một cơn đau...
Ngồi trước mặt tôi là người đàn ông với vẻ mặt nhăn nhó, mái đầu bạc trắng, giọng nói yếu ớt gắng gượng. Ông bảo ông tên Lâm Đường (SN 1953, ngụ 28/19 Lương Văn Can, tổ 31, phường 15, quận 8, TP.HCM) làm thợ hồ. Căn nhà nhỏ nằm trong con hẻm của ông là nơi cả gia đình, dâu, rể nhà ông sinh sống. Bao lâu nay nó đã gần như không còn là của gia đình ông nữa. Ông mếu máo: “Con tôi là Lâm Thị Kim Tuyến (SN 1977) nó không thể đi được nữa, nó bị ung thư lâu lắm rồi. Tôi chẳng còn gì nữa”.
Cám cảnh hai vợ chồng già ung thư gan gượng nuôi con gái ung thư |
Năm 2009, chị Tuyến vẫn được xem là người phụ nữ đẹp người, đẹp nết. Chị làm công nhân may, lọt vào mắt xanh của bao gã đàn ông nhưng chị vẫn hững hờ. Rồi người đàn ông làm nghề chở hàng thuê ở chợ với bản tính chất phác, thật thà đã làm chị Tuyến xiêu lòng. Thấy đôi trai gái yêu nhau thắm thiết, tối ngày có nhau nên gia đình ông Đường mới bàn đến chuyện cưới hỏi.
Thời gian đầu hai người sống với bố mẹ, tiếng cười đầy ắp căn nhà. Kinh tế thì cũng đủ sống và chi tiêu sinh hoạt từ công việc của hai người nên không phải lo bất cứ điều gì. Được ba tháng sau, một hôm chị Tuyến tăng ca ở công ty về, trời đã tối mịt, người chị như không còn chút sức lực. Tắm xong chị thấy vai mình đau đớn thì than với chồng và bố mẹ. Gia đình những tưởng chị bị cảm nên đau bất thường bèn tìm thuốc giải cảm cho chị uống.
Tuy nhiên, đến nửa đêm cơn đau dường như đã quá sức với chị Tuyến, chị không muốn khóc nhưng những giọt nước mắt cứ chực trào. Cả nhà ông Đường lo sốt vó bèn đưa chị đi cấp cứu tại bệnh viện. Tại đây họ chích thuốc rồi cho thuốc uống giảm đau. Cơn đau bị cản lại nhưng không lâu sau đó lại tái phát và nặng nề hơn. Gia đình ông Đường lại một lần nữa đưa chị đi cấp cứu ở bệnh viện.
Các bác sỹ bệnh viện hỏi chị tại sao đau thì chị cho biết là nghi ngờ một lần về khuya tắm đêm nên bị sốc nhiệt. Bác sỹ chẩn đoán chị bị cảm xoàng, kê đơn thuốc cho uống 10 ngày nhưng không hết. Gia đình lại một lần nữa đưa chị đi một bệnh viện khác, các bác sỹ cũng chẩn đoán chị bị cảm xoàng rồi cũng cho thuốc uống. Ông Đường cho biết: “Lúc đó họ hỏi con gái tôi nguyên nhân vì sao đau, họ khám bằng mắt không rồi chẩn đoán cấp thuốc cho uống”.
Đến lần tiếp theo sau gia đình đưa chị đi một bệnh viện ở quận 10 (TP.HCM). Tại đây, họ cho chị Tuyến nhập viện sau đó tiến hành thăm khám, xét nghiệm. Họ siêu âm thấy trong phổi của chị Tuyến có một cục bướu nhỏ, nghi là bướu phổi. Tiếp theo đó họ lấy mẫu máu và thịt của chị đưa đi xét nghiệm. Sau khi xét nghiệm họ chẩn đoán đó là một khối u lành tính, họ tiến hành mổ rồi vào hóa trị. Được ba tháng sau bệnh tình của chị Tuyến vẫn không thuyên giảm, bệnh viện này lại tiến hành khám lại cho chị. Lúc này họ mới phát hiện ra chị bị ung thư phổi. Cả năm trời hóa trị mà bệnh tình của chị Tuyến vẫn không thuyên giảm. Thấy tình thế này bệnh viện mới chuyển chị qua một bệnh viện khác để châm cứu, bắn tia laze, tuy nhiên vẫn không hết bệnh.
Sau đó, gia đình ông Đường buộc phải chuyển chị Tuyến qua bệnh viện Ung Bướu để chữa trị. Tại đây họ cũng tiến hành xét nghiệm và cho kết quả chị Tuyến bị ung thư phổi. Cả gia đình ông Đường gần như suy sụp, tinh thần của chị Tuyến lẫn xác thể gần như kiệt quệ. Từ năm 2011, chị Tuyến nhập bệnh viện Ung Bướu cho đến nay đã trải qua 28 lần hóa trị cơ thể của chị chỉ còn lại da bọc xương. Nhìn chị nằm trên giường với vết thương lở loét (vết thương không lành do một bệnh viện lấy máu và mẫu thịt) mà hai ông bà Đường lòng quặn thắt. Mỗi lần tái khám chị Tuyết không tự đi được mà đều phải do người nhà chuyển đi. Ông Đường bảo: “Tôi không dám để con nằm ở bệnh viện nữa vì không còn tiền. Mà mỗi lần tái khám và cứ cách 21 ngày lại hóa trị một lần vợ chồng tôi lo nơm nớp. Thuốc Morphin thì không thể mua ở ngoài được mà chỉ có bệnh viện mới có, cứ 10 ngày tôi lại đi lấy một lần”.
...là kiệt cùng nỗi đau
Cuộc hôn nhân của chị Tuyến tưởng như cái rổ cái rá cạp lại, gắn bó sống chết ai ngờ lại chia tay chóng vánh. Khi chị mới nhập viện thời gian đầu người chồng vẫn chăm sóc chị vì không nghĩ chị bị bệnh nặng. Ba tháng sau đó bệnh viện kết luận chị bị ung thư, chị suy sụp, anh cũng suy sụp. Anh suy sụp là bởi chị bị căn bệnh nan y khó chữa, rồi đời anh có thể bị lỡ chuyến đò. Phần chị Tuyến thấy mình bị bệnh khó chữa cũng đành lòng nhìn anh ra đi. Những năm tháng yêu thương, cú sốc bệnh tật, tất cả với chị giờ chỉ là con số không tròn trĩnh, đã hết rồi nỗi đau. Bây giờ với chị Tuyến, chỉ còn là những giọt nước mắt chảy dài vì tình thương với cha mẹ.
Cuộc sống của đôi vợ chồng già và đứa con bệnh tật tưởng chừng như thế đã tận cùng nỗi đau thì lại có tin động trời. Trong một lần bị đau ở vùng bụng, bà Mai (vợ ông Đường) được đưa đi viện cấp cứu. Qua khám xét kỹ bác sỹ kết luận bà bị xơ gan. Một buổi chiều sau những giờ làm cật lực, ông Đường trở về nhà trong cơn đau âm ỉ vùng bụng. Lúc đầu ông thoáng nghĩ có thể mình cũng bị bệnh như hai mẹ con bà Mai nhưng rồi ông lại xua tay tự an ủi. Một phần ông không thể đối diện với căn bệnh quái ác được. Nhưng rồi thời gian trôi đi ông cứ gắng gượng chịu đựng đến một ngày cũng suy sụp. Mọi người đưa ông Đường đi khám, bác sỹ bệnh viện Chợ Rẫy xét nghiệm cũng kết luận ông bị ung thư gan.
Với ông Đường như thế là hết. Ông chỉ còn người con trai duy nhất là anh của chị Tuyến nhưng nghề phụ hồ của anh cũng chẳng nuôi nổi gia đình. Tuy thế, ông Đường không hề tiết lộ tình trạng bệnh của mình với con gái. Đôi lần ông khóc, khóc một mình. Ông cho biết: “Có khó mấy tôi vẫn phải ráng vì nghề nghiệp 15 năm nay đã quen rồi. Nếu bây giờ không ráng thì biết ai lo cho gia đình. Tôi với bà ấy đã lớn tuổi rồi, chẳng lo sống chết của mình nữa, chỉ lo cho con thôi. Còn cơ hội nào cho con tôi phải cố gắng, chứ còn bản thân tôi chỉ một lần hóa trị rồi tự bỏ, cứ uống thuốc từ từ cầm cự thôi. Chủ yếu là uống thuốc Nam cho rẻ”.
Hơn ba năm gắng sức chăm con, vợ và bản thân mình, bệnh tật ông Đường đã kiệt quệ. Ông cho biết, chi phí mỗi ngày cho con gái là trên 200 ngàn đồng, mỗi lần hóa trị hết cả gần 4 triệu đồng tiền phí, chưa tính những khoản chi khác. Sức cùng lực kiệt ông phải thế chấp căn nhà mà cả gia đình, con cháu ông đang ở để lấy 400 triệu đồng từ ngân hàng, mỗi tháng trả lãi 7 triệu đồng. Ông Đường cho hay: “Cách đây bốn năm, gia đình tôi ổn định lắm, vợ chồng tôi còn dành dụm được gần hai lượng vàng. Tuy nhiên, từ khi con tôi bị bệnh đã bán hết chẳng còn gì là của mình nữa, ngay cả bản thân giờ cũng chẳng biết được đến ngày nào”.
Người đàn ông hơn 60 tuổi ngồi ứa nước mắt trước mặt tôi. Ông bùi ngùi: “Mỗi lần cho con ăn nó nhăn nhó, nó cứ ngậm đồ ăn không nuốt như có cái gì đó đẩy ngược trở lại, tôi cũng cầm lòng không được. Mỗi lần trái gió trở trời vết thương trên tay nó lại đau, nhức mà nó không dám khóc sợ bố mẹ lo. Nhiều người thân, hàng xóm đến thăm, động viên con tôi ai cũng ứa nước mắt làm tôi cảm thấy xót xa quá. Phường cũng hỗ trợ gia đình tôi mỗi tháng 10kg gạo, nước tương,... và 700.000 đồng vì tôi thuộc diện xóa đói giảm nghèo. Trong khu phố và hội Chữ thập đỏ cũng hỗ trợ gia đình tôi 3 triệu đồng và 20kg gạo để ăn tết”.
Động lòng thương cảm Thời gian qua, cán bộ tổ dân phố 31 (phường 15, quận 8, TP.HCM) đã nỗ lực hết mình hỗ trợ gia đình ông Đường chăm lo người bệnh. Không những thế, ngay cả tổ dân phố không thuộc nơi gia đình ông Đường sinh sống cũng động lòng thương cảm. Bà Lê Thị Thu Thủy, tổ trưởng tổ dân phố 30 (phường 15) cho biết: “Gia cảnh của ông Đường rất khó khăn. Ông Đường là lao động chính nhưng giờ cũng yếu, việc thì ít nên sa sút lắm. Tôi cũng nhiều lần kêu gọi giúp đỡ gia đình ông Đường vì thương cho gia cảnh ông ấy, nhưng cũng chỉ được một phần nhỏ, không thấm vào đâu phần nào so với hoàn cảnh đặc biệt khó khăn của gia đình ông ấy”. |
HOÀNG MINH