+Aa-
    Zalo

    Cái giá của sự “bội ước” mang tên Ukraine

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Phương Tây “hụt hẫng”, “bất ngờ” trước thái độ cứng rắn của Moscow đối với Ukraine, trong khi lực lượng thân Nga đã kiểm soát bán đảo Crimea.

    (ĐSPL) - Phương Tây “hụt hẫng”, “bất ngờ” trước thái độ cứng rắn của Moscow đối với Ukraine, trong khi lực lượng thân Nga đã kiểm soát bán đảo Crimea.
    Đó là nhận định của báo chí Pháp số ra ngày 3/3/2014.
    Trong bài xã luận về Ukraine, báo Pháp La Croix cho rằng đây là “một bằng chứng cho thấy sự bất lực của nền ngoại giao phương Tây”. Ngoại trừ đe dọa tẩy chay Hội nghị thượng đỉnh G-8 vào tháng 6 tới tại Sochi hay gạt Nga ra khỏi câu lạc bộ các cường quốc công nghiệp hàng đầu thế giới, NATO, Liên minh Châu Âu và Mỹ đều không có  hành động cụ thể.
    Phương Tây “lĩnh đủ” do “bội ước” ở Ukraine

    Châu Âu “hụt hẫng”, “bất ngờ” trước thái độ cứng rắn của Moscow đối với Ukraine

    Báo Les Echos nói tới “tầm hoạt động rất hạn hẹp của phương Tây” và một nước Mỹ “mờ nhạt trước quyết tâm của Vladimir Putin”. Tờ Libération cho rằng Tổng thống Barack Obama “rất rụt rè” trước ông Putin bởi vì Mỹ đang cần đến Nga để giải quyết những hồ sơ quan trọng khác như là Afghanistan, Syria hay Iran. Theo quan điểm của tờ báo tương lai của Crimea đã được an bài.
    Ngộ nhận của phương Tây về  Nga
    Le Figaro bình luận việc Tổng thống Nga Vladimir Putin tăng cường quân sự ở Crimea là “một cú tát tai đối với ông Obama”. Một trong những chuyên gia hàng đầu về tình hình Liên Xô cũ và cũng là chủ tịch cơ quan tư vấn Eurasia Group, Ian Bremmer, được Le Figaro trích dẫn cảnh báo: đối với Ukraine, “những ý đồ quân sự của Nga sẽ không dừng lại ở Crimea”. Chiến dịch quân sự của Nga có nguy cơ lan rộng ra các vùng ở miền đông và miền nam Ukraine. Sở dĩ kịch bản đó có thể xảy ra là do Châu Âu và Mỹ đã đánh giá sai lệch tình hình Ukraine và về Tổng thống Putin.
    Phương Tây “trả giá

    Tổng thống Obama đã đánh giá sai lệch tình hình Ukraine và về Tổng thống Putin.

     
    Chuyên gia Bremmer nêu bật những sai lầm của Nhà Trắng. Thứ nhất, Washington đã ngây thơ tin vào sức mạnh của chính mình, cho rằng dù vị trí siêu cường đang trên đà suy yếu nhưng nước Mỹ vẫn còn chiếm thế thượng phong. Sai lầm thứ hai là lâu nay Nhà Trắng đã lơ là với vấn đề Ukraine, cả tin rằng khi người biểu tình ở Quảng trường Maidan nổi dậy chống lại tổng thống Yanukovich, quốc gia này hiển nhiên ngả vào vòng tay của Châu Âu. Ở đây, Mỹ quên mất rằng quyền lợi của Nga tại Ukraine lớn gấp 10 lần so với của Châu Âu. Khác với phương Tây, Tổng thống Putin có hẳn một kế hoạch, một chiến lược rất rõ ràng đối với Ukraine.
    Sai lầm thứ ba là Mỹ đã xem thường đối phương, tưởng lầm là Nga không còn ảnh hưởng lớn đối với Ukraine. Thế rồi, Mỹ cũng đã làm ngơ để cho thỏa hiệp giữa tổng thống bị truất Yanukovich với 3 nước Châu Âu bị vi phạm. Liên minh Châu Âu và Mỹ đều mạnh miệng lên tiếng cảnh cáo Nga nhưng cho tới nay, cả Bruxelles lẫn Washington đều chưa biết phải đối phó ra sao về vấn đề Ukraine.
    Le Figaro cũng phân tích về sự ngộ nhận và thiếu tinh tế của ngành ngoại giao Mỹ và Châu Âu, với nhận định “Mỹ và các đồng minh châu Âu đột ngột tỉnh ngủ trước thái độ thách thức của Nga”. Trước đó, mặc cho những quốc gia trong vùng Baltic hay Ba Lan đánh động dư luận quốc tế về “lò lửa Ukraine”, phương Tây vẫn làm ngơ. Giờ đây Mỹ thực sự lúng túng trước một Tổng thống Putin “vô cùng tự tin”. Sau khi đã dẹp yên tình hình trong nước, chủ nhân điện Kremlin “cảm thẩy đủ mạnh, sẵn sàng dùng vũ lực để khẳng định quyền lợi của Nga tại Ukraine”.
    Le Figaro nhắc lại tháng 8/2008, các nước phương Tây đã thể không làm gì, khi Nga đưa quân sang Abkhazia và Nam Ossetia, hai khu vực thuộc chủ quyền của Grudia có đông người Nga sinh sống. Liệu kịch bản đó có lặp lại với Ukraine?
    Trong bài phân tích, Libération cho rằng Châu Âu nên để ngỏ cửa cho giải pháp ngoại giao. Việc tăng quân tại Crimea cho thấy Moscow cảnh cáo cộng đồng quốc tế rằng chớ nên làm mất mặt nước Nga. Điều đó cũng có nghĩa là điện Kremlin hoàn toàn xem nhẹ những lời đe dọa trừng phạt Moscow của Châu Âu.
    Theo nhận định của một nhà ngoại giao Châu Âu được báo Libération trích dẫn, Liên minh Châu Âu nên nhanh chóng tìm ra một kênh đối thoại với Nga bởi vì căng thẳng càng kéo dài chừng nào càng trở nên nguy hiểm chừng  nấy. Cũng đừng quên đặt câu hỏi: Thỏa thuận đã đạt được hôm 21/2/2014 giữa Tổng thống Yanukovich và đại diện của 3 nước trong Liên minh Châu Âu gồm những gì và vì sao thỏa thuận đó lại bị phá vỡ?
    Văn Linh
    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/cai-gia-cua-su-boi-uoc-mang-ten-ukraine-a23968.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan