+Aa-
    Zalo

    Chính quyền Ukraine có nhớ cuộc chiến Nga-Grudia?

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Những gì đang xảy ra ở Crimea khiến chính quyền Ukraine nhớ đến Nam Ossetia, một ngòi nổ đã dẫn đến cuộc chiến Nga-Grudia năm 2008.

    Những gì đang xảy ra ở Crimea khiến chính quyền Ukraine nhớ đến Nam Ossetia, một ngòi nổ đã dẫn đến cuộc chiến Nga-Grudia năm 2008.
    Cuộc chiến Nga-Grudia không chỉ là một “sai lầm chiến lược” của Tổng thống Saakashvili, mà còn là dịp để Nga phô diễn sức mạnh và tạo ra một thế trận mới trong "ván cờ Đông-Tây".
    Chính quyền Ukraine có nhớ cuộc chiến Nga-Grudia?

    Chính quyền Ukraine có nhớ cuộc chiến Nga-Grudia?

    Sai lầm chiến lược 
    Chính quyền Grudia đã tạo ra một sự bất ngờ khi quyết định mở màn một cuộc chiến tranh tổng lực nhằm thu hồi vùng lãnh thổ ly khai Nam Ossetia vào ngay đêm trước lễ khai mạc Olympic Bắc Kinh 2008. Nhưng chưa đầy ba ngày sau, với sự can thiệp quyết liệt của Nga, quân đội Grudia đã bị đánh bật khỏi những vị trí đã chiếm được, phải lùi sâu về tuyến sau. Đau đớn hơn, Tổng thống Mikhail Saakashvili lại phải chấp nhận một thỏa thuận do Pari và Moscow áp đặt. Theo thỏa thuận này, quân đội Grudia phải trở lại vị trí trước giao tranh. Đồng thời, Tbilixi cũng bị tước đi biện pháp vũ lực để giải quyết vấn đề Nam Ossetia và Abkhazia.
    Vừa đánh bại lực lượng đối lập vốn bị chia rẽ bởi các vấn đề nội bộ trong cuộc bầu cử Tổng thống ở Grudia tháng 5/2008, trên đà chiến thắng và với bản tính ưa mạo hiểm, Tổng thống Saakashvili đã quyết định dấn thêm một bước trong việc thực hiện mục tiêu lớn nhất trong sự nghiệp chính trị của mình: củng cố sự toàn vẹn lãnh thổ của Grudia. Nhưng theo nhiều nhà phân tích, đó là nước cờ sai lầm. Nó không chỉ làm hàng nghìn người dân ở Nam Ossetia và Grudia thiệt mạng, hàng chục vạn người khác phải sơ tán, hàng trăm nghìn căn nhà bị phá hủy và bốc cháy, mà còn khiến đa số người dân ở Nam Ossetia, Abkhazia mất hy vọng vào một sự hoà giải với chính phủ Grudia, làm mục tiêu trên của ông Saakashvili càng trở nên xa vời.
    Vì sao Mỹ không đưa quân hỗ trợ Grudia?
    Tổng thống Saakashvili đã rất hy vọng vào việc Mỹ sẽ can thiệp quân sự vào cuộc chiến với Nga, thậm chí còn coi nó là “bước ngoặt” của toàn bộ cuộc xung đột, nhất là trong việc bảo vệ các cảng biển và sân bay của nước này. Giới chức chóp bu Nhà Trắng từng nói rằng Mỹ ủng hộ sự toàn vẹn lãnh thổ của Grudia và kiên quyết ủng hộ nước này gia nhập NATO. Tuy nhiên, từ lời nói đến việc làm là một khoảng cách khá xa. Thực tế đã khiến ông Saakashvili thất vọng.
    Chính quyền Ukraine có nhớ cuộc chiến Nga-Grudia?

    Mỹ đã chọn cách tránh đối đầu trực tiếp với Nga trên chiến trường.

    Mỹ đã không khó để nhận ra những lợi ích to lớn từ lời đề nghị tăng cường hợp tác với NATO của Nga (tất nhiên kèm theo điều kiện tổ chức này không kết nạp thêm Ucraina và Grudia). Đó là việc NATO sẽ tiết kiệm hàng tỷ euro cho một cuộc chiến mà họ đang sa lầy do Nga cho mượn lãnh thổ cũng như vùng trời để vận chuyển vũ khí, trang bị hậu cần sang Afghanistan. Không chỉ có vậy, Moscow còn đưa ra dự án vốn có từ thời Nga hoàng là xây dựng đường hầm nối liền Nga với Châu Mỹ qua eo biển Bering. Công trình dự tính tiêu tốn 65 tỷ USD nếu được thực hiện thì cái giá chính trị đạt được thật khó đong đếm. Những lợi ích lớn đang gặp nhau và đương nhiên “chuyện nhỏ” Grudia sẽ bị bỏ qua. Đấy là chưa kể những hậu quả khủng khiếp đối với cả Mỹ và thế giới nếu xảy ra đối đầu trực tiếp giữa hai quân đội hùng mạnh nhất hành tinh này.
    Đó là chưa kể chính sách đối ngoại của Mỹ hiện nay đã trở nên thực dụng hơn nhiều. Mỹ đang cần Nga trong vấn đề hạt nhân Iran vốn được coi là ưu tiên số một của Washington. Nước Mỹ đang bận rộn với việc chuẩn bị bầu cử tổng thống và chìm trong những khó khăn kinh tế do vỡ nợ tín dụng, lạm phát cao do giá dầu leo thang. Do vậy, Mỹ đã chọn cách tránh đối đầu trực tiếp với Nga trên chiến trường.
    Sức mạnh quân sự của Nga
    Trong cuộc xung đột với Grudia ở Nam Ossetia, quân đội Nga đã thể hiện một diện mạo mới, khiến người Mỹ phải kinh ngạc. Diện mạo ấy được hình thành từ 4 trụ cột sau:
     1. Nhanh chóng thích ứng với một cuộc chiến tranh chớp nhoáng 
    Trong cuộc xung đột với Grudia, Nga đã sử dụng chiến thuật lấy “chiến tranh chớp nhoáng” để đối phó với “chiến tranh chớp nhoáng”. Ngay sau khi quân Grudia đột nhập vào Nam Ossetia, Nga đã nhanh chóng điều động 20.000 lính, 500 xe tăng và một số máy bay chiến đấu như SU-24, SU-25, SU-27 và TU-22 tham chiến.
    Chính quyền Ukraine có nhớ cuộc chiến Nga-Grudia?

    Quân đội Nga tiến vào Grudia

    Theo Lầu Năm Góc, khả điều động lực lượng của Nga đã vượt quá sức tưởng tượng của Mỹ. Chính vì vậy, trong khi các nước phương Tây còn chưa kịp thống nhất lập trường, xung đột giữa Nga và Grudia đã kết thúc. Cái giá mà quân đội Nga phải trả cũng rất thấp: chỉ có 18 người chết, 52 người bị thương, 14 người mất tích và 4 máy bay bị bắn rơi, trong đó có 1 chiếc TU-22. Mức độ phản ứng nhanh của quân đội Nga đã khiến Grudia và phương Tây trở tay không kịp. 
    2. Chú trọng hợp đồng tác chiến hiệp đa quân chủng 
    Trong cuộc chiến tranh với Grudia, Nga đã huy động 4 quân chủng: hải quân, không quân, lục quân và đổ bộ đường không. Sau khi tập đoàn quân số 58 (lục quân) mở chiến dịch tấn công ở phía đông Grudia, hạm đội Biển Đen cũng đã tới bờ biển Abkhazia. Lực lượng mặt đất của Nga, dưới sự yểm hộ của không quân, cũng đánh chiếm nhiều cứ điểm quân sự quan trọng ở phía tây Grudia, buộc chính quyền ở Tbilisi phải căng ra trên hai mặt trận. Trong khi đó, gần như đồng thời, lực lượng đổ bộ đường không của Nga cũng chiếm những điểm trung tâm trên trục cao tốc Đông-Tây của Grudia, cắt Grudia làm hai phần, bao vây cô lập lực lượng cảnh sát đặc nhiệm tinh nhuệ nhất của Grudia (khoảng 1.500 người). Rõ ràng, nếu so với cuộc chiến tranh Chechnya lần thứ nhất, khả năng tác chiến hợp đồng đa quân chủng của Nga đã được nâng lên rất nhiều.
    3. Đòn tấn công có độ chính xác cao 
    Trong 8 năm cầm quyền, Tổng thống Putin rất chú trọng tới việc nghiên cứu, phát triển vũ khí có độ chính xác cao, trang bị cho quân đội cũng như huấn luyện nâng cao khả năng tác chiến chính xác. Do đó, trong cuộc chiến với Grudia năm 2008, tuy mục tiêu trọng điểm oanh tạc của máy bay chiến đấu của Nga là cầu, đường, trạm ra đa, sân bay, cảng biển và đều ở nơi tập trung đông dân cư, nhưng số thường dân Grudia bị thương vong bởi hỏa lực của quân đội Nga tương đối thấp (theo phía Grudia là hơn 100 người). Ngược lại, khi tấn công vào Nam Ossetia, quân Grudia đã khiến trên 2.000 người dân ở đây thiệt mạng.
    4. Khả năng tác chiến mạng cao 
    Trước khi tiếng súng giao tranh ở Nam Ossetia vang lên, các chuyên gia an ninh mạng của Học viện Công nghệ Massachusetts (Mỹ) đã phát hiện ra rằng cuộc chiến tranh qua mạng giữa Nga và Grudia đã bắt đầu từ lâu. Theo tiết lộ của công ty an ninh mạng Lexington, trước và sau ngày 20/7, trang web của chính phủ Grudia đã bị tê liệt trong khoảng 24 giờ do nhận được quá nhiều thư điện tử với nội dung: “Chiến thắng + tình yêu sẽ nằm trong lòng nước Nga”. Không chỉ có vậy, nội dung trên trang thông tin điện tử chính thức này của Tbilisi cũng bị tin tặc thay đổi và ảnh của Tổng thống Saakashvili bị dỡ xuống, thay vào đó là ảnh của trùm phát xít Hitler. Các chuyên gia an ninh mạng của Mỹ cho rằng, hành động tấn công quy mô lớn này có tổ chức và mục đích rõ ràng. 
    Sau khi quân đội Nga bắt đầu hành động quân sự chống Grudia, toàn bộ mạng internet của Grudia lại bị tấn công, làm hầu hết các trang web của nước này tê liệt. Theo các hãng truyền thông của Grudia, việc hệ thống thông tin và giao thông vận tải của nước này bị tê liệt đã khiến Tbilisi thiệt hại nặng nề, trực tiếp ảnh hưởng tới khả năng điều tiết chiến tranh.
    "Vở kịch Kosovo" tái diễn ở Grudia
    Nhìn dưới góc độ quân sự và ngoại giao, cuộc chiến tại Nam Ossetia đã được Tổng thống Saakashvili chuẩn bị rất kỹ: từ việc tập trung lực lượng, tính toán thời điểm tấn công cũng như những biện pháp kêu gọi sự can thiệp của cộng đồng quốc tế. Tuy nhiên, kết quả lại trái ngược với ý muốn của Tbilisi mong muốn. Quân đội nước này đã không hoàn toàn kiểm soát được Nam Ossetia trước khi Nga can thiệp. Phản ứng của cộng đồng quốc tế, đặc biệt là từ Mỹ và NATO, chỉ dừng lại ở những lời kêu gọi. Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc cũng thất bại trong việc đưa ra một nghị quyết về vấn đề Grudia. Ý đồ quốc tế hóa cuộc xung đột này của Tbilisi vấp phải sự phản đối quyết liệt từ phía Moscow.
    Chính quyền Ukraine có nhớ cuộc chiến Nga-Grudia?
    "Những người đàn ông lịch sự" trên lãnh thổ Cộng hòa tự trị Crimea
    Nước cờ sai lầm của Tổng thống Saakashvili đã đem đến cho Nga một cơ hội tuyệt vời để sử dụng ngón đòn “dùng gậy ông đập lưng ông”. “Vở kịch Kosovo” đã được dàn dựng tại Nam Ossetia và Abkhazia. Chỉ khác là đạo diễn giờ đây là Nga chứ không phải Mỹ.
    Theo Báo Tin tức
    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/chinh-quyen-ukraine-co-nho-cuoc-chien-nga-grudia-a23899.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan
    Ukraine: “Báo động đỏ”!

    Ukraine: “Báo động đỏ”!

    (ĐSPL) - Tàu chiến tháo chạy khỏi Crimea, binh sĩ “trở cờ” hàng loạt… Ukraine đang ở trong tình trạng “báo động đỏ”.