+Aa-
    Zalo

    Cách kiểm tra để biết có đang nợ xấu thẻ tín dụng hay không?

    (ĐS&PL) - Nhiều người dù ngưng sử dụng thẻ ngân hàng nhiều năm nhưng bỗng phát hiện ra mình mắc nợ tiền triệu do cộng dồn loại phí duy trì, phí thường niên.

    Chia sẻ trên báo Tuổi trẻ, anh N.T.D.Phương (TP.HCM) cho biết, sau khi kiểm tra tình trạng 6 thẻ đã lâu không sử dụng, anh Phương bỗng dưng phát hiện mình nợ ngân hàng 2,2 triệu đồng.

    Với 6 cái thẻ tại 6 ngân hàng, có hai nơi vẫn duy trì thẻ hoạt động bình thường, nợ tồn do phí thường niên, duy trì tài khoản. Trong đó một nhà băng thu phí thường niên từ năm 2012 đến nay hơn 600.000 đồng.

    "Một ngân hàng khác báo mình đang nợ phí quản lý tài khoản hơn 1,6 triệu đồng. Gọi điện, ngân hàng giải thích nếu số dư tài khoản dưới 300.000 đồng thì bị trừ 11.000 đồng/tháng, mãi từ năm 2015 đến giờ", anh Phương nói.

    Còn lại một số ngân hàng đã hủy tài khoản sau vài năm do không phát sinh giao dịch, nên không có dư nợ. "Ai không xài tài khoản nào nữa thì kiểm tra luôn nhé, dù là bất kỳ ngân hàng nào, chứ không lại có phiền hà", anh Phương chia sẻ.

    Chị Hồng Hạnh (TP.HCM) đồng cảnh khi không sử dụng thẻ 10 năm nhưng mới đây tá hỏa phát hiện ngân hàng vẫn ghi nợ 1,5 triệu đồng tiền duy trì tài khoản.

    Ông Nguyễn Minh - một người dùng thẻ khác - cũng nói tự dưng có khoản nợ cả thập kỷ trước tại ngân hàng. Điều đáng nói ông không nhận được bất kỳ cuộc gọi hay tin nhắn nào về việc thu phí thường niên.

    Báo Người lao động dẫn thông tin từ các chuyên gia, người dùng có thể kiểm tra thông tin tín dụng để biết mình có mắc nợ ngân hàng hay không. Thông tin tín dụng là các thông tin về cá nhân, pháp nhân (khách hàng vay) có quan hệ tín dụng với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

    cach kiem tra de biet co dang no xau the tin dung hay khong 1
    Khách hàng có thể tải app CIC để kiểm tra thông tin tín dụng. Mỗi khách hàng cá nhân được khai thác báo cáo miễn phí 1 lần/năm. Ảnh: Người lao động

    Ở Việt Nam, các thông tin tín dụng của Ngân hàng Nhà nước do Trung tâm Thông tin tín dụng Quốc gia Việt Nam (CIC) làm đầu mối. CIC thu thập cơ sở dữ liệu thông tin tín dụng từ 100% tổ chức tín dụng trong hệ thống ngân hàng; báo cáo chấm điểm tín dụng đối với khách hàng cá nhân…

    Muốn biết mình có đang bị nợ ngân hàng không, người dùng có thể truy cập vào website của CIC tại https://cic.gov.vn, mục "Hướng dẫn nhanh cách sử dụng Mobile App" hoặc trang Facebook "Trung tâm Thông tin tín dụng Quốc gia Việt Nam – CIC", hay tải app CIC - Kết nối nhu cầu vay.

    cach kiem tra de biet co dang no xau the tin dung hay khong 2
    Báo cáo thông tin tín dụng sẽ cho biết khách hàng có đang bị dính nợ xấu ở tổ chức tín dụng nào không. Ảnh: Người lao động

    Sau khi truy cập website CIC hoặc tải app, khách hàng đăng ký tài khoản cá nhân. Khi có tài khoản, khách hàng có thể "khai thác báo cáo" để bắt đầu tra cứu nợ trên CIC.

    Do là thông tin cá nhân và được bảo mật nên khi muốn khai thác báo cáo tín dụng, khách hàng cần làm các bước xác thực như: tải ảnh chụp CCCD, xác thực khuôn mặt, vân tay… rồi mua báo cáo tín dụng và kiểm tra.

    Về mức phí khai thác báo cáo thông tin tín dụng, CIC cho biết khách hàng vay được khai thác miễn phí báo cáo tín dụng của bản thân 1 năm/lần.

    Từ lần khai thác thứ 2 trong năm, khách hàng vay phải trả phí 20.000 đồng/bản đối với báo cáo thông tin tín dụng cá nhân, 50.000 đồng/bản báo cáo thông tin tín dụng doanh nghiệp (chưa bao gồm GTGT).

    cach kiem tra de biet co dang no xau the tin dung hay khong 3
    Thông tin tín dụng cũng thể hiện điểm tín dụng của khách hàng đến thời điểm báo cáo. Ảnh: Người lao động

    Nếu phát hiện thông tin bị sai sót, khách hàng phản ánh với CIC qua Tổng đài 1800585891 hoặc chuyên mục "Khiếu nại/phản hồi" tại website: http://cic.gov.vn (gửi kèm giấy tờ chứng minh). Nếu sai sót trong quá trình xử lý dữ liệu, CIC có trách nhiệm điều chỉnh và thông báo kết quả cho khách hàng.

    Nếu thông tin sai sót tại tổ chức tín dụng báo cáo thông tin, nhân viên CIC sẽ hướng dẫn khách hàng làm việc với tổ chức tín dụng liên quan để xác minh, giải đáp. Trường hợp xác định có sai sót, Tổng Giám đốc tổ chức tín dụng hoặc người được ủy quyền có trách nhiệm gửi văn bản đề nghị CIC cập nhật, điều chỉnh thông tin đúng.

    Vân Anh(T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/cach-kiem-tra-de-biet-co-dang-no-xau-the-tin-dung-hay-khong-a615039.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan