+Aa-
    Zalo

    Cách chọn cá chép "đúng" và "đủ" cho lễ cúng ông Công ông Táo

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Cá chép là một phương tiện chính để giúp Táo Quân có thể "vượt Vũ Môn hóa rồng" chính vì thế việc chọn mua cá chép sao cho đủ và đúng cũng vô cùng quan trọng.

    Cá chép là một phương tiện chính để giúp Táo Quân có thể "vượt Vũ Môn hóa rồng" chính vì thế việc chọn mua cá chép sao cho đủ và đúng cũng vô cùng quan trọng.

    Trong tín ngưỡng dân gian của người Việt, ông Công ông Táo là vị thần dõi theo cuộc sống của mọi người. Hàng ngày ông Công ông Táo sẽ ghi lại những việc làm tốt xấu của gia chủ, để đến cuối năm, vào ngày 23 tháng Chạp, Táo quân sẽ cưỡi cá chép lên chầu trời và báo cáo với Ngọc Hoàng.

    Thiên đình sẽ từ báo cáo đó của Táo quân mà đưa ra thưởng phạt rõ ràng cho từng gia đình. Xuất phát từ tín ngưỡng đó, lễ tiễn ông Công ông Táo lên chầu trời luôn được tiến hành trọng thể. Các gia đình chuẩn bị cho ngày 23 tháng Chạp từ rất nhiều ngày trước, để đảm bảo không một sai sót nào xảy ra.

    Cũng theo tục lệ, trong lễ cúng Táo quân, mọi người thường chuẩn bị dọn dẹp nhà cửa, ban thờ sao cho gọn gàng, sạch sẽ, làm một mâm cỗ mặn, ba bộ quần áo bằng vàng mã, cùng xôi, chè mật, hương hoa và đặc biệt ba con cá chép sống.

    Cá chép dùng cúng Táo quân không cần to nhưng phải khỏe mạnh.

    Vậy, nên chọn cá chép như thế nào và số lượng bao nhiêu là phù hợp nhất?

    Về số lượng. Nhiều gia chủ có quan niệm sai lầm rằng càng cúng nhiều cá chép càng tốt hay chỉ nên mua 1 cặp cá. Tuy nhiên, cúng Táo quân tức cúng ba vị thần gồm thần Đất, thần Nhà và thần Bếp nên cần 3 con chép đỏ là đủ.

    Sau khi mua về nhà, nên thả vào một bát nước sạch, thả thêm 1 cọng rêu nhỏ vào bát nếu mua cá trước thời gian cúng lâu. Khi cúng bát (chậu) cá chép được để cạnh mâm cỗ cúng.

    Bên cạnh đó, nếu như không mua được cá chép sống thì cũng không cần lo lắng vì có thể thay bằng cá chép giấy.

    Để cá chép vào bát hoặc chậu và đặt cạnh mâm cúng Táo quân.

    Về cách chọn cá chép. Những con cá để dâng lên Táo Quân không nhất thiết phải là con cá to, miễn sao cá khỏe mạnh, không bị trầy xước, mất vảy. Để thử độ khỏe mạnh của cá, bạn có thể chạm nhẹ vào mặt nước chậu đựng cá, nếu thấy cá bơi nhanh, quẫy mạnh thì đó là con cá khỏe mạnh.

    Nếu kỹ hơn, bạn có thể lật nhẹ mang cá lên để kiểm tra, nếu mang cá đỏ tươi nghĩa là cá khỏe mạnh. Nếu mang cá màu đỏ thẫm thì đó là con cá yếu, chỉ để một thời gian ngắn có thể chết.

    Về cách phóng sinh. Gia chủ cần chọn những ao, hồ nước sạch, không gian rộng và không quá ô nhiễm. Khi thả, không đứng trên cao đổ xuống hay vứt cả túi cá xuống, làm như vậy cá có thể bị chết, gây ô nhiễm môi trường xung quanh.

    Cách đúng nhất để phóng sinh cá đó là chọn chỗ mép nước gần, nhẹ nhàng nghiêng bát hoặc túi để cá tự quẫy, bơi vào dòng nước.

    Trao đổi với TTXVN, theo nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ, cúng ông Công ông Táo của người Việt là một tín ngưỡng văn hóa dân gian về thờ cúng các vị thần cai quản việc bếp núc trong mỗi gia đình, theo dõi những việc làm tốt của gia chủ. Để đến ngày 23 tháng Chạp, Táo quân lên chầu trời để báo cáo với Ngọc Hoàng việc làm tốt, xấu của gia chủ trong năm.

    Đây là một tín ngưỡng giàu ý nghĩa nhân văn, hướng con người ta tích cực làm việc tốt, sống lương thiện. Tuy nhiên, ngày nay, nhiều gia đình hiểu và thực hành chưa đúng tín ngưỡng này.

    Các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian đều cho rằng cúng ông Công ông Táo chỉ cần mâm cơm đơn giản, chè ngọt, trầu cau, hoa quả là được, không cần quá cầu kỳ.

    Trên thực tế, hiện nay, có nhiều gia đình bày biện lễ lạt quá to, sắm thật nhiều đồ vàng mã để đốt… với quan niệm dâng mâm cao cỗ đầy thì sẽ được Táo quân xí xóa những việc làm xấu, ban cho nhiều phước lộc. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu văn hóa cho rằng, đây là quan niệm hoàn toàn sai lầm, vừa tốn kém tiền của và ảnh hưởng đến môi trường sống.

    Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ cho rằng khi cúng ông Công ông Táo, các gia đình nên tùy theo điều kiện hoàn cảnh để làm mâm cỗ cúng cho phù hợp và quan trọng là thành tâm, không nên đua đòi thấy người khác làm to mình cũng phải sắm mâm cỗ to dẫn đến sự tốn kém quá mức. “Sử sách đã có những câu chuyện kể rằng: Có gia đình rất nghèo, nên mâm cỗ cúng ông Công ông Táo chỉ cúng nước lã và hương hoa, nhưng ông Công ông Táo thấu hiểu hoàn cảnh và giúp đỡ gia đình ăn nên làm ra”, nhà nghiên cứu Nguyễn Hùng Vĩ cho biết.

    Nguyễn Phượng (T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/cach-chon-ca-chep-dung-va-du-cho-le-cung-ong-cong-ong-tao-a261072.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan