Theo Báo Tin tức, chủ động ứng phó với diễn biến bão số 1, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thái Bình đã ban hành Công điện khẩn số 02 gửi Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các cấp, các ngành của tỉnh, yêu cầu thực hiện nghiêm Công điện khẩn số 01, kêu gọi tàu, thuyền ở khu vực nguy hiểm về nơi tránh, trú an toàn.
Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các cấp, các ngành của tỉnh thông báo cho chủ và thuyền trưởng các phương tiện tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển của bão, thoát ra hoặc không di chuyển vào khu vực nguy hiểm.
Đồng thời tổ chức theo dõi, kiểm đếm, quản lý chặt chẽ việc ra khơi của tàu, thuyền và giữ thông tin liên lạc thường xuyên với các tàu, thuyền đang hoạt động trong khu vực ảnh hưởng của bão; kiểm tra, hướng dẫn việc neo đậu tàu, thuyền; sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra.
Bên cạnh đó, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các cấp, các ngành của tỉnh tăng cường công tác kiểm tra công trình đê điều, đặc biệt là các trọng điểm đê, kè, cống xung yếu. Trong trường hợp phát hiện thấy công trình không đảm bảo an toàn phải chủ động huy động lực lượng, phương tiện, vật tư để xử lý, củng cố ngay.
Các đơn vị quản lý hệ thống thủy nông của tỉnh cử cán bộ thường trực 24/24 giờ, theo dõi mực nước, chủ động tiêu nước đệm trong hệ thống qua các cống dưới đê; kiểm tra hoạt động các trạm bơm để sẵn sàng kích hoạt tiêu nước cho lúa mới cấy, hoa màu và các khu vực trũng, thấp.
UBND các huyện, thành phố khẩn trương chỉ đạo, đôn đốc thực hiện việc cắt tỉa cành cây, chằng chống các lồng, bè của các trang trại nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản ở ven sông, ven biển...; sẵn sàng phương án di dời số lao động nuôi ngao, nuôi trồng thuỷ, hải sản và các hộ dân sinh sống trong khu vực nguy hiểm, các vùng bãi thấp ven sông, cửa sông, ngư dân trên các phương tiện làm ăn trên sông, trên biển vào nơi an toàn...
Riêng tại tỉnh Kiên Giang, sáng 16/7, ông Trần Văn Tại, Giám đốc Cảng vụ Hàng hải tỉnh Kiên Giang, cho biết toàn bộ các phương tiện vận tải hành khách từ đất liền ra các đảo và ngược lại đều phải tạm ngưng hoạt động do thời tiết xấu. Thời gian tạm ngưng từ 6 giờ ngày 16/7 đến khi thời tiết bình thường trở lại, Vietnamplus đưa tin.
Cụ thể, các hãng tàu, phà tuyến Phú Quốc-Rạch Giá, Phú Quốc-Hà Tiên, Rạch Giá-Nam Du và ngược lại phải tạm ngưng hoạt động để bảo đảm an toàn cho hành khách.
Thông tin từ các công ty vận tải hành khách bằng cao tốc ra các đảo cho biết ngay khi nhận được thông báo tạm ngưng hoạt động, công ty đã thông báo đến các đại lý và hành khách để hoàn tiền hoặc chuyển sang ngày hôm sau nếu thời tiết tốt.
Từ đầu kỳ nghỉ Hè đến nay, lượng du khách tham quan Phú Quốc và Kiên Hải rất đông, trong đó có nhiều du khách đến Kiên Hải, Phú Quốc bằng đường biển. Thời tiết xấu, tàu, phà ngưng hoạt động gây không ít khó khăn cho du khách khi đến ngày họ phải rời đảo, kết thúc chuyến đi hoặc đã đặt phòng nghỉ từ trước.
Tình hình thời tiết xấu cũng ảnh hưởng đến lịch trình tham quan của khách tại các đảo, như các điểm tham quan ngoài trời, các tour canô đi các đảo phải ngưng hoạt động.
Trước tình hình này, các công ty lữ hành phải đổi lịch trình cho du khách chuyển sang tham quan các khu trong nhà hoặc có mái che.
Hồi 7h ngày 16/7, vị trí tâm bão ở 19,0 độ Vĩ Bắc; 116,3 độ Kinh Đông, cách bán đảo Lôi Châu (Trung Quốc) khoảng 670km. Sức gió mạnh nhất cấp 9, giật cấp 11.
Dự báo, trong 24h tới, bão di chuyển hướng Tây Bắc, tốc độ 10-15km/h; mạnh lên cấp 11, giật cấp 14. Bão mạnh nhất đạt cấp 12, giật cấp 15 trên khu vực bán đảo Lôi Châu (Trung Quốc) (7h ngày 18/7).
Đến 7h ngày 19/7, bão ở trên đất liền các tỉnh khu vực Đông Bắc Bộ. Sức gió mạnh nhất cấp 6-7, giật cấp 9. Thủy triều: cao nhất 3,9m lúc 17-18h/18/7/2023 (bão ảnh hưởng đến bờ biển các tỉnh từ Quảng Ninh đến Nam Định).
Bảo An (T/h)