Theo Niên giám thống kê của Tổng cục thống kê, tại thời điểm đầu năm học 2021-2022, số giáo viên phổ thông trực tiếp giảng dạy là 813.200 người.
Năm học 2015-2016, cả nước có 861.300 giáo viên trực tiếp đứng lớp. Như vậy, sau 6 năm trước, cả nước giảm hơn 48.000 giáo viên phổ thông trực tiếp đứng lớp.
Thế nhưng, trong 6 năm 2015-2021, tổng số học sinh cả nước tăng 2,5 triệu, từ 19,3 lên 21,8 triệu, tăng khoảng 12,95%.
Cụ thể, trong giai đoạn 2015-2021, số lượng học sinh mẫu giáo có xu hướng giảm, năm 2015 là 3,978 triệu học sinh, năm 2021 có 3,895 triệu học sinh.
Riêng đối với học sinh phổ thông, trong giai đoạn 2015-2021 có xu hướng tăng. Trong năm 2015, số lượng học sinh phổ thông là 15,35 triệu học sinh, đến năm 2021 là 17,92 triệu học sinh (tăng hơn 2,5 triệu học sinh). Mức tăng mạnh nhất là ở cấp học tiểu học, từ 7.790.000 học sinh tăng lên thành 9.212.000 học sinh (tăng 1.422.000 học sinh).
Ngày 18/7, Bộ Chính trị đã ban hành Quyết định số 72-QĐ/TW về biên chế các cơ quan Đảng, Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị ở Trung ương, các tỉnh ủy, thành ủy, Đảng ủy khối trực thuộc Trung ương giai đoạn 2022-2026.
Tại quyết định này, Bộ Chính trị đã giao bổ sung 65.980 biên chế giáo viên trong giai đoạn từ 2022 đến năm 2026, riêng năm học 2022-2023 giao bổ sung 27.850 biên chế giáo viên mầm non, phổ thông công lập.
Bộ GD&ĐT đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo khẩn trương triển khai tổ chức tuyển dụng 27.850 biên chế giáo viên cấp mầm non và phổ thông bổ sung cho các tỉnh, thành phố năm học 2022-2023.
Bạch Hiền (t/h)