Siddhartha Mukherjee là một bác sĩ và một nhà nghiên cứu về bệnh ung thư. Trong cuốn sách "Định luật y học", ông kể lại một tình huống "kinh điển" về sự nhạy cảm của nghề bác sĩ.
Qua câu chuyện của mình, Siddhartha Mukherjee muốn chứng minh một "định luật": Nghề y đòi hỏi bác sĩ phải đưa ra quyết định đúng đắn chỉ với những thông tin không hoàn chỉnh - và rất nhiều khi quyết định đó cứu sống bệnh nhân trong gang tấc. Và cũng nhờ đó, chúng ta sẽ hiểu phần nào ý nghĩa, áp lực và sự cao quý của những người khoác áo blouse trắng...
Huyền thoại của các sĩ trẻ
Nhiều năm về trước, khi còn là sinh viên y khoa tại Boston, tôi đã được kiến tập một vị bác sĩ phẫu thuật lão luyện tiến hành mổ một bệnh nhân nữ. Vị bác sĩ phẫu thuật này - bác sĩ Castle, là một huyền thoại đối với các bác sĩ nội trú chuyên khoa phẫu thuật.
Với chiều cao 1 mét 8, dáng vẻ nghiêm trang bệ vệ khiến đám thực tập sinh lúc nào cũng nhũn như con chi chi, ông luôn nói bằng giọng mũi chậm rãi, lè nhè đặc sệt giọng miền Nam. Vóc người của ông có vẻ gì đó căng tràn ‒ giống một sợi dây thép hơn là một cái dầm sắt ‒ tựa như cơ thể ông được dựng lên để minh họa cho sự khác biệt giữa sức bền và sức mạnh.
Hằng ngày, ông bắt đầu ca làm từ năm giờ sáng, sau đó xuống phòng mổ dưới tầng hầm vào lúc sáu giờ mười lăm và làm việc cả ngày ở đó cho đến chập tối. Ông dành các ngày cuối tuần để giong buồm gần Scituate trên chiếc thuyền nhỏ một buồm mà ông đặt biệt danh là Lưỡi dao.
Các bác sĩ nội trú tôn sùng Castle không chỉ vì kỹ thuật điêu luyện mà còn bởi những bài học quý giá học được từ ông.
Các bác sĩ phẫu thuật khác có thể là những người chỉ dạy ân cần và nhẹ nhàng hơn, nhưng cốt lõi trong phương pháp giảng dạy của Castle là sự tự tin cao độ.
Ông thuần thục các kỹ thuật mổ ‒ tay nghề quá lão luyện ‒ đến mức ông cho phép sinh viên thực hiện gần như toàn bộ ca mổ, bởi ông biết rằng mình có thể nhanh chóng can thiệp hoặc sửa chữa những sai lầm của họ.
Trong một ca mổ, nếu bác sĩ nội trú cắt trúng động mạch, một bác sĩ phẫu thuật yếu bóng vía hơn có lẽ sẽ hoảng hốt can thiệp để bịt kín mạch máu đang bị xuất huyết. Còn Castle sẽ lùi lại, khoanh tay đứng thăm dò bác sĩ nội trú, và chờ cho người này phản ứng.
Nếu họ xử lý quá chậm, Castle sẽ ra tay với tốc độ và sự chuẩn xác của loài chim ưng để ngăn chặn tình trạng xuất huyết, sau đó tự mình khâu vết thương trong khi vừa lắc đầu vừa lầm bầm: "Quá thiếu sót, quá muộn màng".
Khi huyền thoại... đứng khoanh tay thật sự!
Tôi chưa bao giờ chứng kiến các bác sĩ nội trú năm cuối trong phòng phẫu thuật, những người trưởng thành với sáu hoặc tám năm kinh nghiệm mổ, lại có thể xuống tinh thần đến vậy chỉ vì một cái lắc đầu.
Bệnh nhân được phẫu thuật sáng hôm đó là một phụ nữ trong độ tuổi năm mươi, có một khối u kích thước vừa phải ở ruột dưới. Ca mổ được sắp xếp tiến hành vào lúc 6 giờ 15 phút như thường lệ, nhưng bác sĩ nội trú phụ trách bỗng nhiên báo ốm.
Một bác sĩ nội trú khác trong khoa khẩn trương được liên lạc, anh ta nhanh chóng đến phòng mổ, đeo găng tay. Castle bước đến nhìn những tấm phim chụp cắt lớp treo trên hộp đèn huỳnh quang, lẳng lặng xem xét một hồi, rồi khẽ gật đầu, ra hiệu bắt đầu tiến hành mổ. Có một khoảnh khắc trang nghiêm khi ông chìa bàn tay phải ra và y tá trao cho ông con dao mổ.
Khoảng nửa tiếng sau, ca mổ vẫn được kiểm soát hoàn hảo. Một số bác sĩ phẫu thuật thích bật nhạc trong phòng phẫu thuật ‒ nhạc rock and roll và Brahms là những lựa chọn phổ biến ‒ nhưng Castle thích yên lặng hơn.
Anh chàng bác sĩ nội trú thao tác nhanh và không mắc sai sót. Castle chỉ nhắc nhở anh ta phải tăng kích thước vết rạch để quan sát được hoàn toàn bên trong ổ bụng. "Nếu không nhận ra đó là gì thì không thể cắt bỏ", ông nói.
Nhưng rồi ca mổ đột nhiên xảy ra sự cố. Khi bác sĩ nội trú chuẩn bị cắt khối u ra khỏi cơ thể, thì các mạch máu bao quanh khối u bắt đầu rỉ máu. Mới đầu, máu chỉ chảy nhỏ giọt, và rồi một vài tia máu phun vọt ra.
Chỉ trong vài phút, một lượng máu tương đương một thìa cà phê đã tràn khắp vị trí mổ làm hạn chế khả năng quan sát. Các mô được cẩn thận vạch ra giờ đây chìm trong máu đỏ thẫm.
Castle đứng bên cạnh, khoanh tay quan sát.
Vẻ hoảng loạn hiện rõ trên gương mặt anh chàng bác sĩ nội trú. Trán đẫm mồ hôi, chẳng khác gì bể máu trước mắt anh ta. "Bệnh nhân có tiền sử rối loạn chảy máu không?", anh ta hỏi, càng lúc càng tuyệt vọng. "Bà ấy có uống thuốc làm loãng máu trước phẫu thuật không?".
Thông thường, đáng ra anh ta đã phải nghiên cứu hồ sơ bệnh án vào đêm trước khi phẫu thuật và thuộc hết các câu trả lời - nhưng anh ta bị chỉ định khẩn cấp cho ca mổ này.
"Nếu anh không biết thì sao?" Castle nói. "Nếu tôi nói không biết thì anh tính thế nào?" Tay ông lúc này đã đưa vào bụng người phụ nữ và bịt chặt mạch máu lại. Bệnh nhân không còn nguy kịch, nhưng anh chàng bác sĩ nội trú nom hoàn toàn suy sụp.
Nhưng ngay lúc đó, giống như có một tia sét tri thức nhỏ xíu, tựa một cung lửa điện, xẹt qua giữa Castle và anh chàng bác sĩ nội trú. Anh ta thay đổi cách làm của mình. Anh ta bước qua tấm màn che phẫu thuật phía trên đầu người bệnh để hội ý với bác sĩ gây mê.
Sau khi xác nhận rằng bệnh nhân được gây mê đủ liều và trong trạng thái an toàn, anh ta quay lại bàn mổ và thấm sạch những vết máu còn đọng lại bằng mấy miếng gạc.
Anh ta bắt đầu tiến hành cắt bỏ xung quanh các mạch máu khi có thể, lần theo đường chạy của các mạch máu bằng đầu kẹp Babcock hoặc dùng ngón tay tách rời chúng một cách đầy khéo léo và tinh tế, giống như đang mân mê dây của một chiếc đàn Stradivarius.
Mỗi khi tiệm cận một mạch máu, anh ta xoay ngang lưỡi dao mổ và dùng tay xem xét tỉ mỉ, hoặc dịch chuyển ra xa, không động vào mạch máu. Việc này mất nhiều thời gian hơn, nhưng bệnh nhân không còn bị chảy máu nữa. Một tiếng sau, Castle gật đầu đồng ý, và anh chàng bác sĩ nội trú khâu vết mổ lại. Khối u đã được lấy ra.
Chúng tôi bước ra khỏi phòng phẫu thuật trong yên lặng. "Có lẽ lúc này anh sẽ muốn kiểm tra hồ sơ bệnh án của bệnh nhân", Castle nói. Có một vẻ dịu dàng trong giọng mũi đặc trưng của ông.
"Đưa ra quyết định đúng đắn khi có thông tin đầy đủ là điều dễ dàng. Ngành y đòi hỏi anh phải đưa ra quyết định đúng đắn chỉ với những thông tin không hoàn chỉnh."
------------------------------
Lời của tác giả - bác sĩ Siddhartha Mukherjee
Cuốn sách "Định luật y học" viết về những điều đã biết, sự bất toàn, tính bất ổn và tương lai của y học. Khi tôi bắt đầu theo học trường y vào mùa thu năm 1995, chương trình giảng dạy dường như hoàn toàn phù hợp với những yêu cầu trong ngành: Tôi được học sinh vật học tế bào, giải phẫu học, sinh lý học, bệnh lý học và dược lý học.
Sau bốn năm đèn sách, tôi có thể chỉ ra năm nhánh dây thần kinh mặt, phản ứng hóa học chuyển hóa prô-tê-in trong tế bào, cùng những bộ phận trong cơ thể con người khiến tôi ám ảnh lúc nào không hay biết. Tôi cảm thấy mình đã sẵn sàng để bắt đầu hành nghề.
Thế nhưng, càng tiến lên trong quá trình đào tạo ‒ trở thành thực tập sinh, sau đó là bác sĩ nội trú, nghiên cứu sinh về ung thư học, và rồi là một bác sĩ giảng dạy chuyên điều trị bệnh nhân ung thư ‒ tôi càng nhận ra rằng kiến thức của mình đang thiếu mất một mảnh ghép quan trọng.
Tôi sớm nhận ra rằng tất cả những thông tin đều có thể đọc được trong sách hoặc tìm thấy trên mạng. Điều đang thiếu mất là làm gì với những thông tin đó ‒ nhất là trong trường hợp dữ liệu thiếu hoàn chỉnh hoặc không đáng tin cậy.
Nền giáo dục y khoa đã dạy tôi rất nhiều dữ liệu khoa học, nhưng lại dạy rất ít về những khoảng trống nằm giữa những dữ liệu đó.
Hàng núi thông tin đã che khuất đi một vấn đề sâu sắc và quan trọng hơn: Sự hòa hợp giữa tri thức (cái chắc chắn, cố định, hoàn chỉnh, cụ thể) với kinh nghiệm thực tế trong ngành y (cái thiếu chắc chắn, thất thường, không hoàn chỉnh, trừu tượng).
Trước hết, cuốn sách này là một cách để tôi khámphá những công cụ có thể giúp tôi hòa hợp hai phạm vi tri thức trên.
"Định luật y học", như cách tôi mô tả trong cuốn sách này, thực sự là những định luật của sự không chắc chắn, tính mơ hồ và tình trạng chưa hoàn chỉnh. Chúng cũng có thể được áp dụng tương ứng cho tất cả những hệ thống kiến thức chịu tác động của các yếu tố này. Chúng là những định luật của sự bất toàn.
Những câu chuyện trong cuốn sách này đều có thật, nhưng tôi đã thay đổi tên tuổi và danh tính các nhân vật cũng như một số bối cảnh và phép chẩn đoán.
Siddhartha Mukherjee là một bác sĩ và một nhà nghiên cứu về bệnh ung thư. Ông là tác giả của hai cuốn sách Định luật y học và The Emperor of All Maladies: A Biography of Cancer (tạm dịch: Vua của các loại bệnh: Tiểu sử bệnh ung thư), tác phẩm đoạt giải Pulitzer năm 2011. Mukherjee là phó giáo sư y học tại Đại học Columbia và là bác sĩ chuyên khoa ung thư tại Trung tâm Y tế Đại học Columbia. Giành được học bổng Rhodes, ông đã tốt nghiệp Đại học Stanford, Đại học Oxford, và Trường Y khoa Harvard. Ông đã công bố nhiều bài báo trên các tạp chí Nature, Cell, The New England Journal of Medicine, và The New York Times. |