Nhiều người không còn xa lạ với tin đồn đáng sợ về ai đó đi du lịch tới những địa điểm mới lạ, rồi chợt tỉnh trong một bồn nước chứa đầy băng đá với một vết sẹo lớn trên cơ thể.
Chỉ đến lúc đó, nạn nhân mới nhận ra rằng, họ đã bị đánh cắp một bộ phận nội tạng nào đó. Trong khi những câu chuyện tương tự chắc chắn đã xảy ra, nhưng không phải ai cũng biết rõ những thực tế kinh hoàng về nạn buôn bán nội tạng.
10% ca cấy ghép bất hợp pháp
Cấy ghép nội tạng bất hợp pháp còn phổ biến, tinh vi và mang lại mối lợi khủng hơn nhiều so với những gì bạn có thể hình dung ra. Những kẻ cầm đầu các đường dây buôn bán ít khi bị đưa ra tòa. Mặt khác, “nền thương mại” bất hợp pháp này lại có thể là niềm hy vọng mong manh cho nhiều bệnh nhân, những người nếu không được cấy ghép nội tạng sẽ không thể tiếp tục duy trì cuộc sống.
Tổ chức Y tế thế giới ước tính mỗi năm có hơn 100.000 ca cấy ghép nội tạng được thực hiện trên khắp thế giới. Mặc dù thế, do sự phức tạp về chính sách của các chính phủ, niềm tin cá nhân về hiến tạng và khả năng nguồn nội tạng an toàn nhanh chóng, thực tế, ước tính nhu cầu ghép tạng trên toàn cầu cao hơn con số này 10 lần.
Tất nhiên, bất cứ khi nào nguồn cung hợp pháp không đáp ứng nhu cầu, thì các nguồn bất hợp pháp sẽ ngang nhiên “lấn sân”. Vì có sự chênh lệch lớn giữa nhu cầu nội tạng và nguồn cung sẵn có, Tổ chức Y tế Thế giới ước tính có từ 5 - 10% các ca cấy ghép nội tạng được thực hiện trên toàn thế giới là bất hợp pháp. Trong số các ca này, 75% là các ca ghép thận, cơ quan nội tạng có nhu cầu cao nhất.
Thu lời khủng từ hai phía
Cũng giống như ở các chợ đen khác, người ta sẵn sàng trả giá cao hơn cho các ca cấy ghép được thực hiện bất hợp pháp. Mặc dù việc cấy ghép bất hợp pháp làm tăng các nguy cơ, nhưng hầu hết những bệnh nhân đang mong chờ được ghép nội tạng đều rất tuyệt vọng và thực sự phải đối diện với cái chết bất kỳ lúc nào, nếu họ không được cấy ghép kịp thời hoặc được chuyển lên đầu danh sách của các nhà tài trợ.
Chính vì thế, nhu cầu cấp bách của các bệnh nhân khiến người bán tha hồ làm mưa làm gió, ép họ phải mua nội tạng “lậu” với những khoản tiền khổng lồ, biến thị trường đen toàn cầu trong lĩnh vực cấy ghép nội tạng thành một ngành thương mại sôi động, có lợi nhuận lên đến từ 600 triệu đến 1,2 tỷ USD mỗi năm.
Hầu hết, những người buộc phải bán nội tạng có xu hướng từ những vùng khó khăn, chẳng hạn như khu vực ổ chuột ở thủ đô của Manila. Nếu những người này có được nhận tiền từ việc bán thận đi nữa, thì số tiền họ nhận được hiếm khi vượt quá con số 5.000 USD. Mặc dù đây là một khoản tiền lớn đối với những người nghèo khó, nhưng không thể bù đắp được những thiệt hại về sức khỏe do thiếu đi một bộ phận nội tạng.
Trong khi đó, những kẻ buôn bán trái phép nội tạng có thể thu được những khoản tiền “khủng” từ các bệnh nhân ở các nước giàu có như Mỹ và Nhật Bản, số tiền lên tới 200.000 USD cho mỗi bộ phận nội tạng, thu lời cá nhân trên sự khốn khó của người bán và sự sống còn của người mua.
Phần lớn các ca cấy ghép nội tạng, cả hợp pháp và bất hợp pháp, đều là các ca cấy ghép thận. Lý do là cơ quan này là thứ rất dễ bị tổn thương, nhất là do lối sống hoặc do rượu bia, dẫn đến nhu cầu cao.
Tuy nhiên, nguồn cung cũng tương đối dễ dàng, người hiến có thể trao đi một quả thận mà không ảnh hưởng nhiều lắm đến cuộc sống của họ. Chính vì thế, giá của một quả thận dao động ở mức 150.000 USD.
Mặc dù nhu cầu về gan ít hơn, nhưng những người ăn chay cũng sẽ nhận được mức giá tương tự nếu hiến một phần gan. Cơ thể cả bên người hiến lẫn người nhận sẽ tái tạo trong vòng 8 tuần.
Xương và dây chằng được trao đổi với mức giá khoảng 5.000 USD, còn một bệnh nhân có thể được thay giác mạc từ người hiến tặng với giá 20.000 USD. Không có gì đáng ngạc nhiên khi những cơ quan nội tạng cao giá nhất là phổi và tim, có thể lên tới 300.000 USD cho phổi và 500.000 USD cho tim.
Những đối tượng dễ bị tổn thương
5.000 USD có thể không phải là một khoản tiền lớn đối với một tổ chức hay đối với nhiều người, nhưng có những người, đó là số tiền mà họ không thể tưởng tượng được. Như vậy, tất nhiên việc buôn bán trái phép sẽ tập trung vào những thành viên dễ bị tổn thương nhất trong xã hội, nhất là những người nghèo khổ.
Họ không chỉ dễ dàng bị thuyết phục tham gia vào việc mua bán, mà còn thường bị ép giá, thậm chí bị cướp trắng nội tạng mà không có sự phản kháng. Những nạn nhân nghèo, dễ bị tổn thương này thường không nhận được sự trợ giúp từ các tổ chức hay từ chính phủ trong việc đảm bảo các giao dịch thương lượng được tiến hành một cách công bằng.
Một ví dụ rõ nhất về "vấn nạn" này từng được ghi nhận. Năm 2012, sau khi được một bác sĩ tư vấn, một phụ nữ Tây Ban Nha giấu tên đã đăng quảng cáo bán thận trực tuyến. Từ đó, cô nhanh chóng có các thỏa thuận tiếp theo để bán phổi, một phần gan và các giác mạc. Mặc dù phải đối mặt với án tù 12 năm nếu bị bắt, nhưng người mẹ độc thân tàn tật đã cố gắng đến tuyệt vọng để có được một khoản tiền nuôi con cái.
Lý do khiến cô phải hy sinh những phần cơ thể là bởi vì khoản tiền trợ cấp tàn tật của cô không bao gồm tiền thuê nhà, vốn thuộc sở hữu của một người bạn trai cũ. Đây là một trường hợp điển hình minh họa cho mối nguy hiểm thực sự từ nạn buôn bán nội tạng ở một quốc gia vẫn được cho là văn minh, an toàn.
Bán thận để mua iPad và chơi ma túy
Chiến dịch truy quét của công an Trung Quốc lần đầu tiên được phát động vào đầu tháng 1/2013 sau vụ một nam học sinh 17 tuổi bán thận để kiếm 3.500 euro mua iPhone và iPad! Khi iPad trở thành mốt phổ biến trong giới thanh thiếu niên thế giới, trên các trang mạng Trung Quốc xuất hiện không ít các rao vặt “Hãy bán một quả thận để mua iPad”, và kiểu quảng cáo gây sốc này tác động mạnh vào thị hiếu của thanh thiếu niên, nên đương nhiên có nhiều người tìm mọi cách để có tiền mua iPad! Vào lúc đó, tính mạng cậu này đang trong tình trạng nguy kịch do hậu quả của lần phẫu thuật. Sau ba tháng trời chữa trị, cuối cùng cậu ta bị liệt một nửa người.
Kẻ đăng tin cho biết sẽ trả khoảng 4.000 USD cho một quả thận và việc cắt lấy thận diễn ra trong vòng 10 ngày. Giới cò mồi yêu cầu người muốn bán gan, thận phải có chiều cao trên 1,7 m, cân nặng trên 75kg, tuổi dưới 30, sức khỏe tốt, chức năng gan, thận tốt, tất cả những tiêu chí này đều phải được xác minh bằng phiếu khám sức khỏe của bệnh viện, có xét nghiệm vi-rút viêm gan siêu vi B, ảnh màu 4×6 mới chụp.
Thông thường, để chiêu dụ những kẻ cần tiền, bọn cò mồi hứa bao ăn, ở trong thời gian chờ đợi, chịu chi phí kiểm tra sức khỏe và các phụ phí. Nhiều mục rao vặt còn “khuyến mại” thêm tiền tàu xe đi về, tiền tiêu vặt trong thời gian chờ bán nội tạng, “phong bì” hậu tạ không dưới 200 USD của bên mua...
Có nhiều nhà báo nổi tiếng trên thế giới đã đến Trung Quốc điều tra về tệ nạn mua bán nội tạng. Sau vài lần làm quen, một nam thanh niên bán thận đồng ý nói chuyện với phóng viên với điều kiện ẩn danh. Vén áo phông lên, anh chỉ cho tôi thấy vết sẹo dài nơi nội tạng của anh đã được lấy ra. Người thanh niên 21 tuổi nói anh bán thận với giá 7.000 USD để trả nợ chơi cờ bạc. Anh mô tả lại thế giới tối tăm, bí mật nơi những người buôn bán nội tạng làm việc sau khi sắp xếp vụ trao đổi qua mạng.
“Lúc đầu tôi được mang tới bệnh viện để lấy mẫu máu và khám sức khỏe,” - cậu ta nói với nhà báo - “Sau đó tôi đợi ở khách sạn trong vài tuần cho tới khi những người buôn bán tìm được người mua phù hợp. Rồi một hôm, một chiếc xe hơi tới đón tôi. Người lái xe bắt tôi phải bịt mắt. Chúng tôi đi khoảng nửa tiếng trên đoạn đường xóc lên xóc xuống vì nhiều ổ gà. Khi bỏ băng bịt mắt ra, tôi thấy mình đang ở một nông trại. Bên trong là phòng mổ được trang bị đầy đủ. Có bác sĩ và y tá mặc đồng phục. Người phụ nữ nhận thận của tôi cũng ở đó cùng gia đình. Chúng tôi đã không nói chuyện. Tôi rất sợ nhưng bác sĩ sau đó đã cho tôi ngủ. Tôi tỉnh dậy ở một nông trại khác và một quả thận của tôi đã biến mất. Người mua thận muốn được sống, còn tôi muốn tiền để trả nợ cờ bạc giang hồ”!
Cũng có thanh thiếu niên chịu bán thận để thỏa mãn cơn ghiền ma túy. Kiểu bán cũng từa tựa như nhau: qua trung gian cò mồi, sau khi tìm được khách cần mua nội tạng, cậu ta sẽ bị bịt mắt dẫn đi lòng vòng đâu đó rồi tới một nơi nào đó, tiêm thuốc mê, bác sĩ mổ lấy một lá gan hay một quả thận, lại bị chở đi vòng vòng, đến khi thuốc mê tan, mở mắt ra tại một nơi khác với gói tiền khoảng 7.000 USD trên tay
Nguyễn Hà (T/h)