Bún cua thối (hay còn gọi là bún mắm cua, bún thối) là đặc sản ở phố núi Pleiku, tỉnh Gia Lai. Người dân địa phương gọi tên món ăn này như vậy nhằm phân biệt với bún riêu cua hay các món chế biến từ cua khác.
Tên của món này đã nói lên tất cả về nguyên liệu cũng như mùi món ăn. Để làm món bún cua thối, người địa phương thường sử dụng cua được bắt ở đồng Phú Thọ (tức Đồng Xanh, xã An Phú, TP.Pleiku) thì mùi vị mới ngon và thơm. Tiếp đó, cua sẽ không giã nấu tươi bình thường, mà sau khi khi giã, lọc lấy nước, người ta sẽ ủ trong 1 ngày đêm để hỗn hợp lên men và có mùi thì mới mang ra nấu.
Những nồi nước gạch cua sẽ được nêm nếm sao cho hơi cay và mặn hơn bình thường nhằm giảm độ tanh. Nước cua sau khi lên men được nấu cùng thịt ba chỉ đã xào cho săn lại, cùng một nguyên liệu đặc biệt nữa là măng tre thái mỏng. Mắm cua càng đun lâu sẽ càng đậm vị và dậy mùi hơn.
Bởi cách chế biến đặc biệt như thế nên bún cua thối có mùi nặng đến mức dù cách tiệm vài nhà nữa mới đến nơi bạn cũng dễ dàng ngửi thấy.
Một bát bún cua thối cũng không có quá nhiều đồ ăn đi kèm. Chỉ đơn giản là có bún sợi nhỏ, một chút măng, tóp mỡ, hành phi vàng thơm, da heo khô rồi sau đó chan một chút nước dùng cua vào nữa là xong. Khi ăn, người ta sẽ thưởng thức cùng với trứng vịt được om trong nồi nước dùng và rau sống.
Trong trường hợp cảm thấy hương vị vẫn hơi nhạt thì bạn có thể nêm thêm chút mắn nêm được đặt sẵn ở trên mặt bàn. Bên cạnh đó, chủ quán cũng sẽ bưng ra thêm cả chả, chả ram, nem chua để khách hàng có thể ăn thêm nếu có nhu cầu.
Do món ăn làm từ nguyên liệu đặc biệt nên vào mùa hè tại nhiều quán người ta còn bán kèm thêm cơm rượu cho thực khách để đề phòng bị lạnh bụng với những thực khách bụng yếu nhưng vẫn muốn nếm thử đặc sản phố núi này.
Nếu can đảm bỏ qua những nỗi nghi ngại về hình thức lẫn mùi vị, thực khách sẽ nhận được một trải nghiệm vô cùng mới lạ. Vị hăng nồng, nặng mùi của nước dùng cùng vị chua cay, mằn mặn nơi đầu lưỡi là cảm nhận của thực khách khi nếm đặc sản phố núi. Trộn đều các nguyên liệu, từ từ thưởng thức rồi xì xụp húp phần nước cua còn đọng lại, thực khách như cảm nhận được hết tinh hoa của món ăn đang tan chậm trong khoang miệng.
Bún cua thối đã tạo nên màu sắc ẩm thực riêng và khiến thực khách sẽ phải nhớ mãi thứ hương vị đặc biệt từ loại mắm tưởng như "bốc mùi" nhưng lại có sức hấp dẫn kỳ lạ. Tuy món ăn nhận về những ý kiến khác biệt nhưng phải công nhận bún cua thối đã góp phần tạo nên sự đặc sắc cho nền ẩm thực của tỉnh Gia Lai.
Linh Chi (T/h)