(ĐSPL) - Bùi Đắc Tuyên, người làng Xuân Hòa (huyện Tuy Viễn) là cậu ruột của vua Cảnh Thịnh nhà Tây Sơn. Dưới triều vua Quang Trung, Bùi Đắc Tuyên nhờ thế em gái là hoàng hậu Bùi Thị Nhạn nên được làm quan trong triều.
Tuyên tìm mọi cách để tạo vây cánh, dần đi vào con đường lộng quyền, khống chế cả triều đình, lấn át nhà vua trẻ, làm triều đình mất uy tín với dân ngay từ những ngày đầu gây nhiều phẫn nộ trong triều.
Theo sách "Đại Việt sử ký toàn thư", sau khi vua Quang Trung mất, Cảnh Thịnh lên ngôi. Vì nhà vua tuổi còn nhỏ nên mọi quyền bính trong triều đều nằm trong tay Bùi Đắc Tuyên. Vì ít học nên chỉ làm Thị lang bộ Lễ, nhưng lại được tự do ra vào nơi cung cấm nên Tuyên thường bày nhiều trò chơi để mua lòng thái tử Nguyễn Quang Toản.
Sau khi lên ngôi, Quang Toản liền sử dụng Bùi Đắc Tuyên và đưa lên làm Thái sư, bất chấp cả quan chế đã đặt sẵn. Trong cung đã có Bùi Thái hậu, ngoài triều lại có lắm đại thần nghiêng theo chiều gió như Ngô Văn Sở, Phạm Công Hưng, nên Tuyên càng ngày càng lộng hành. Các đại thần trung tín đều bất mãn. Một số quan văn kẻ thì tìm cớ già yếu xin về vườn, kẻ thì bị Tuyên tìm cớ giáng chức hay cách chức. Một số quan võ không về phe cánh với Tuyên, người bị thảm hại, kẻ bị đưa đi trấn thủ nơi xa xôi.
|
Một số quan võ không về phe cánh với Tuyên, người bị thảm hại, kẻ bị đưa đi trấn thủ nơi xa xôi. (ảnh minh họa) |
Ngay những người trước kia theo Tuyên như Ngô Văn Sở, Lê Văn Hưng cũng không chịu nổi hành vi gian ác của Tuyên, nhiều lúc cũng có thái độ bất bình nên Tuyên cũng muốn trừ khử. Kết cục Lê Văn Hưng bị chém đầu. Một viên quan khác cũng thành cái gai trong mắt Tuyên là Võ Văn Dũng. Để trừ khử nhân vật này, Tuyên sai Ngô Văn Sở ra Bắc Hà thay chức Trấn thủ, triệu hồi Dũng về Phú Xuân đợi lệnh.
Biết được ý đồ của Tuyên, Võ Văn Dũng cùng một số đại thần khác liên thủ kéo quân đến vây dinh Thái sư, sau đó là cung điện đòi vua Cảnh Thịnh giao Tuyên. Không tránh được, vua Cảnh Thịnh đành bắt Tuyên nạp. Võ Văn Dũng hạ ngục Tuyên, rồi một mặt cho người vào Quy Nhơn bắt con Tuyên là Bùi Đắc Trụ, một mặt giả chiếu ra Bắc Hà bắt Ngô Văn Sở giải về Phú Xuân. Võ Văn Dũng cho rằng ba người Tuyên, Trụ, Sở là những người mưu phản nên hạ lệnh đóng cũi nhốt rồi đem dìm xuống sông Hương đến chết.
Luật nay: Tội ác của Bùi Đắc Tuyên phải do tòa án xử lý
Từ ngàn đời nay trong dân gian ai cũng biết câu "kẻ nào gieo gió ắt sẽ phải gặt bão". Tiếc rằng, cha con Bùi Đắc Tuyên ngày ấy quyền chỉ dưới một người và Ngô Văn Sở - người từng cùng Nguyễn Huệ nam chinh, bắc chiến bao lần, không chết vì mũi tên hòn đạn, nhưng cuối cùng lại bị dìm chết dưới sông. Thế mới hay rằng, chức hay quyền, tiền tài hay danh vọng... chỉ là của mình nếu ai biết thế nào là đủ, đến đâu là vừa...
Trong xã hội phong kiến loạn lạc, việc Võ Văn Dũng quyết định "tự xử" cha con Bùi Đắc Tuyên và Ngô Văn Sở bằng cách đóng cũi dìm xuống sông có thể nhận được sự đồng tình của quan lại trong triều và công chúng, tuy nhiên trong xã hội ngày nay, việc làm của Võ Văn Dũng đã vi phạm pháp luật. Theo đó, mọi hành vi phạm tội đều phải được xử lý theo quy định của pháp luật, không cá nhân nào được cho mình quyền vượt lên trên luật pháp, tự ra tay "xử" người khác.
Trở lại sự việc nêu trên, theo pháp luật hiện hành, việc xử lý Bùi Đắc Tuyên phải tuần tự trải qua các quá trình khởi tố điều tra, truy tố, xét xử và định tội. Sau khi thu thập đầy đủ các chứng cứ chứng minh hành vi phạm tội của Tuyên, cơ quan điều tra sẽ chuyển hồ sơ sang viện Kiểm sát nhân dân cùng cấp đề nghị truy tố, sau đó tòa án sẽ tiến hành xét xử vụ án. Với những hành vi phạm tội nêu trên, bản án cao nhất dành cho Bùi Đắc Tuyên có thể là chung thân hoặc tử hình. Tuy nhiên, tòa cũng căn cứ vào những tình tiết tăng nặng hoặc giảm nhẹ được quy định trong luật để đưa ra phán quyết cuối cùng.
Cũng liên quan đến sự việc trên, theo pháp luật hiện nay, việc Võ Văn Dũng và một số võ quan tự ý bắt giữ, sau đó dìm chết cha con Bùi Đắc Tuyên và Ngô Văn Sở là đã phạm tội giết người. Võ Văn Dũng cũng sẽ bị xử lý về hành vi của mình nhằm đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật.
Link bài gốcLấy link
https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/bui-dac-tuyen-ke-gieo-gio-da-phai-gat-bao-a43871.html