Báo Lao Động đưa tin, Học viện Ngoại giao công bố dự kiến phương thức tuyển sinh năm 2024.
Theo đó, trường dự kiến tuyển sinh 2.200 chỉ tiêu cho 8 ngành học: Quan hệ quốc tế, Truyền thông quốc tế, Luật quốc tế, Luật thương mại quốc tế, Kinh tế quốc tế, Kinh doanh quốc tế, Ngôn ngữ Anh và Châu Á - Thái Bình Dương học (bao gồm 4 chuyên ngành: Trung Quốc học, Hàn Quốc học, Nhật Bản học và Hoa Kỳ học).
Năm nay, Học viện giữ ổn định phương thức tuyển sinh như năm trước, bao gồm: Xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển (dự kiến 3% chỉ tiêu); xét tuyển dựa trên kết quả học tập THPT (dự kiến 70% chỉ tiêu); xét tuyển dựa trên kết quả phỏng vấn (dự kiến 2% chỉ tiêu) và xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 (dự kiến 25% chỉ tiêu).
Với phương thức xét tuyển dựa trên kết quả học tập THPT (xét học bạ), thí sinh sẽ được cộng điểm ưu tiên theo quy định của Học viện và Bộ GD&ĐT. Cùng với đó, thí sinh cần đáp ứng điều kiện có điểm trung bình cộng học tập của 3 học kỳ bất kỳ trong 5 học kỳ (tính đến học kỳ 1 năm lớp 12) đạt từ 8.0 trở lên và thuộc một trong các đối tượng: thí sinh đoạt giải khuyến khích/giải tư trong kỳ thi học sinh quốc gia/kỳ thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia; thí sinh đoạt giải Nhất, Nhì, Ba trong kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương; học sinh trường THPT chuyên hoặc trường THPT trọng điểm quốc gia chất lượng cao; có chứng chỉ IELTS từ 6.0 trở lên và các chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế khác tương đương (bao gồm tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Trung Quốc, tiếng Hàn Quốc, tiếng Nhật Bản).
Với phương thức xét tuyển dựa trên kết quả kì thi tốt nghiệp THPT, Học viện Ngoại giao không sử dụng kết quả miễn thi môn ngoại ngữ. Đồng thời, Học viện sử dụng 7 tổ hợp xét tuyển: A01, C00, D01, D03, D04, D06, D07.
Thí sinh tham gia xét tuyển vào Học viện Ngoại giao không bị giới hạn số lượng nguyện vọng và phương thức xét tuyển. Thí sinh được xét tuyển bình đẳng, không phân biệt thứ tự ưu tiên của nguyện vọng đăng ký, trừ trường hợp các thí sinh bằng điểm xét tuyển ở cuối danh sách thì Học viện sẽ sử dụng tiêu chí phụ để xét trúng tuyển.
Biến động điểm chuẩn của Học viện Ngoại giao
Năm 2021, điểm chuẩn của Học viện Ngoại giao dao động từ 27 đến 36,9 điểm - trung bình tăng gần 2 điểm so với năm trước đó.
Trong đó, các ngành lấy điểm chuẩn theo thang 30 đều có điểm chuẩn từ 27 điểm trở lên. Cụ thể, Truyền thông quốc tế là 27,9 điểm, Quan hệ quốc tế có điểm chuẩn là 27,6.
Năm 2022, Học viện Ngoại giao lấy điểm chuẩn từ 25,15, cao nhất ở chuyên ngành Trung Quốc học với 29,25 điểm ở tổ hợp C00. Đây là chuyên ngành mới được Học viện tuyển sinh trong năm.
Riêng ngành Ngôn ngữ Anh, Học viện Ngoại giao xét theo thang điểm 40, môn tiếng Anh tính hệ số 2, có điểm chuẩn 35,07, giảm hơn 0,8 điểm so với năm ngoái.
Đối với năm 2023, điểm chuẩn vào các ngành học dao động từ trên 25 đến 35,99 điểm.
Điểm chuẩn cao nhất là ngành Ngôn ngữ Anh 35,99 điểm. Trong đó môn tiếng Anh tính hệ số 2.
Một số ngành tuyển khối C00 có điểm chuẩn trên 28 điểm gồm: Quan hệ Quốc tế 28,3 điểm; Luật Quốc tế 28,2 điểm; Truyền thông Quốc tế 28,46 điểm; Luật Thương mại quốc tế 28,2 điểm; Hàn Quốc học 28,2 điểm; Trung Quốc học 28,42 điểm, thông tin trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ.