Ngày 27/3, tại TP.HCM và TP. Đà Nẵng, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội có cuộc giám sát về việc chấp hành Luật tố tụng hình sự, đồng thời khảo sát “Việc chấp hành pháp luật trong thu thập, đánh giá chứng cứ, chống bức cung, nhục hình của cơ quan điều tra chuyên trách trong hoạt động điều tra”.
Thiếu tướng Phan Anh Minh, phó giám đốc Công an TP.HCM, phát biểu trong buổi làm việc với Ủy ban Tư pháp của Quốc hội - Ảnh: Hà Châu |
Tại hai buổi làm việc này, lãnh đạo cơ quan công an TP.HCM và TP Đà Nẵng đều khẳng định không có việc bức cung, nhục hình. Tuy nhiên, thiếu tướng Phan Anh Minh - phó giám đốc Công an TP.HCM - thừa nhận trên thực tế có thể xảy ra chuyện này.
Có thể có bức cung, nhục hình ở giai đoạn tiền khởi tố
"Không thể vì sai sót chủ quan của cơ quan điều tra mà ảnh hưởng đến số phận một con người. Ta phải nghĩ một ngày nạn nhân bị giam oan sai trong tù bằng một ngàn ngày ngoài đời ". Ông Nguyễn Công Hồng, phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội nói.
Thiếu tướng Phan Anh Minh cho biết mỗi năm Công an TP.HCM khởi tố hàng chục ngàn vụ việc nhưng không có vụ oan sai nào. Ông Minh còn nói nếu có việc bức cung, nhục hình thì chỉ xảy ra ở giai đoạn tiền khởi tố. Tuy nhiên, theo cảm nhận của cá nhân ông Minh, việc bức cung, nhục hình trong hoạt động điều tra là có. Có nhiều lý do để cán bộ điều tra có thể dùng nhục hình, bức cung đối với các nghi can, nghi phạm, nhưng một trong những lý do quan trọng là cán bộ điều tra thiếu kiên nhẫn, áp lực thời hạn điều tra, áp lực số lượng vụ án...
Cho rằng việc bức cung, nhục hình nếu xảy ra ở giai đoạn tiền khởi tố không có nghĩa là không ảnh hưởng đến vụ án, đại biểu Quốc hội (đoàn TP.HCM) Trương Trọng Nghĩa nói: “Nếu trước khi vụ án được khởi tố mà xảy ra việc bức cung, nhục hình thì sẽ ảnh hưởng đến quá trình điều tra”.
Phân tích thêm về nguyên nhân dẫn tới bức cung hoặc nhục hình, ông Phan Anh Minh nói việc lựa chọn cán bộ điều tra cũng rất quan trọng. Có những cán bộ lớn lên trong gia đình có tình trạng bạo hành thì ít nhiều ảnh hưởng đến tâm lý, hoặc có những cán bộ mà cha mẹ ly hôn thì cũng ảnh hưởng không nhỏ.
Ngoài lựa chọn cán bộ, ông Minh còn cho rằng cơ chế giám sát giữa các điều tra viên và cho luật sư tham gia tố tụng góp phần hạn chế việc bức cung, nhục hình tại cơ quan điều tra của Công an TP.
Tại cuộc làm việc, đại diện Cục Hải quan TP.HCM cho biết theo quy định tại Bộ luật tố tụng hình sự, cơ quan hải quan chỉ có thẩm quyền điều tra đối với hai tội danh là buôn lậu và vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới. Tuy nhiên, trong thực tế quá trình thực thi nhiệm vụ quản lý nhà nước thì có nhiều loại tội phạm xảy ra thuộc thẩm quyền quản lý của hải quan: vận chuyển trái phép vũ khí, ma túy qua biên giới, tội trốn thuế, rửa tiền, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ về hàng giả, hàng nhập gây ô nhiễm nghiêm trọng... Đại diện đơn vị hải quan cho rằng luật cần bổ sung các tội danh mới thuộc thẩm quyền điều tra cho hải quan.
1 bị can chết, 8 công an bị kỷ luật
Làm việc với Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, đại tá Lâm Cao Luynh, phó giám đốc Công an TP Đà Nẵng, cho biết đã đề xuất Bộ Công an trang bị camera giám sát tại các buồng giam, phòng hỏi cung nhằm chống bức cung, nhục hình của đội ngũ cán bộ điều tra, quản giáo. Công an TP Đà Nẵng không có trường hợp nào sai phạm trong hoạt động tố tụng hình sự.
Ông Phan Trường Sơn, viện trưởng Viện KSND TP Đà Nẵng, cũng nói quá trình kiểm sát điều tra các vụ án hình sự, kiểm sát viên được phân công thường xuyên kiểm sát chặt chẽ các vụ án, nên hạn chế đến mức thấp nhất việc cơ quan điều tra bức cung, nhục hình đối với bị can. “Cá biệt, chỉ có một trường hợp bị can Võ Tấn Tâm (27 tuổi) trú tại xã Tiên Ngọc, huyện Tiên Phước (Quảng Nam) bị khởi tố về tội “trộm cắp tài sản”, bị bắt theo lệnh truy nã của Cơ quan cảnh sát điều tra Công an quận Hải Châu lúc 13g ngày 1/2/2012, được chuyển về trụ sở Công an quận Hải Châu để làm việc, đến khoảng 20g40 cùng ngày thì Võ Tấn Tâm chết tại phòng làm việc. Sau khi trưng cầu giám định, Trung tâm Pháp y Đà Nẵng kết luận nạn nhân tử vong do bệnh lý về tim mạch. Tuy nhiên, qua công tác khám nghiệm tử thi cho thấy trên cơ thể nạn nhân để lại nhiều vết bầm do ngoại lực tác động, xác định có dấu hiệu phạm tội nên Cục Điều tra của Viện KSND tối cao đã khởi tố vụ án hình sự để điều tra” - ông Sơn nói.
Vụ việc này được sự quan tâm đặc biệt của các đại biểu tham dự hội nghị. Ông Huỳnh Nghĩa, trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP Đà Nẵng, nói: “Mỗi lần chúng tôi đi tiếp xúc cử tri, người dân rất quan tâm đến các vụ án oan sai, họ bức xúc vì thời gian các vụ việc giải quyết án oan sai kéo dài. Tôi thấy vụ việc nạn nhân Võ Tấn Tâm chúng ta cần phải làm rõ để trả lời cho dân biết. Việc nạn nhân chết có phải lỗi do điều tra viên không? Vụ việc này xảy ra cách đây gần hai năm rồi mà giờ chưa biết kết luận cuối cùng thì không thể chấp nhận được. Tôi đề nghị Viện KSND TP cần liên hệ với Cục Điều tra của Viện KSND tối cao để nắm thông tin, sau đó trả lời dứt khoát”. Đáp lại đề nghị của ông Nghĩa, ông Sơn cho biết vì vụ án do Cục Điều tra làm nên đơn vị ông không nắm được toàn bộ vụ việc, vừa rồi có nghe thông tin là sẽ đình chỉ điều tra vụ án, không khởi tố bị can.
Liên quan đến cái chết của nạn nhân Võ Tấn Tâm, ông Nguyễn Công Hồng, phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, đề nghị phía lãnh đạo Công an TP. Đà Nẵng phải nói rõ chi tiết về vụ việc.
Đại tá Lâm Cao Luynh cho biết khi công an bắt giữ thì Tâm bỏ chạy nên công an có đuổi theo bắt. “Chúng tôi nhận thấy trong vụ việc này công an có vi phạm về quy trình công tác, như khi đưa đối tượng về trụ sở đáng lý ra phải lập biên bản xem các dấu vết trên cơ thể của đối tượng hình thành từ bao giờ. Nhưng sai sót đó không phải là nguyên nhân gây ra cái chết của Tâm”. Ông Luynh thừa nhận quá trình quản lý Tâm tại trụ sở công an là chưa tốt, Công an TP. Đà Nẵng đã kỷ luật tám cán bộ công an, trong đó có cả hình thức cách chức, giáng cấp, đồng thời xử lý trách nhiệm đối với trưởng Công an quận Hải Châu.
Linh Chi(theo TTO)
Băn khoăn việc đình chỉ một vụ án Ông Huỳnh Nghĩa, trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Đà Nẵng, nói có một vụ đình chỉ điều tra bị can mà ông rất băn khoăn và không thống nhất quan điểm với cơ quan điều tra. Đó là vụ bà Nguyễn Thị Thu Hà (38 tuổi) trú tổ 34, P.Mỹ An, Q.Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng), nguyên trưởng Văn phòng công chứng Trung Việt đóng tại đường Ngô Quyền, Sơn Trà (Đà Nẵng). Ông Nghĩa cho rằng hành vi của bà Hà có dấu hiệu phạm tội chiếm đoạt tài sản rất rõ ràng, nhưng không hiểu thế nào cơ quan điều tra lại đình chỉ điều tra bị can. Tại thời điểm đó (cuối năm 2012) bà Hà vay mượn của nhiều người, rồi bất ngờ bỏ khỏi nơi cư trú. Sau đó bà về trình diện tại cơ quan công an và hiện vẫn còn thiếu nợ của nhiều người lên đến cả chục tỉ đồng. Giải thích về vấn đề này, đại tá Lâm Cao Luynh, phó giám đốc Công an TP Đà Nẵng, cho biết vụ việc của bà Hà ban đầu Cơ quan điều tra Công an quận Sơn Trà (lúc đó ông Luynh là trưởng Công an quận Sơn Trà) đã khởi tố bị can, nhưng Viện KSND quận Sơn Trà lại ra quyết định hủy bỏ quyết định khởi tố vì cho rằng hành vi của bà Hà không cấu thành tội phạm mà chỉ vay mượn bình thường. Trước tình hình đó, công an có kiến nghị Viện KSND TP Đà Nẵng nhưng Viện KSND TP Đà Nẵng đồng quan điểm với Viện KSND quận nên cơ quan điều tra phải đình chỉ điều tra vụ án. Ông Nghĩa cho rằng đình chỉ như vậy là chưa thuyết phục. Vì vậy, đề nghị Ban pháp chế HĐND TP Đà Nẵng, Ban nội chính Thành ủy phải vào cuộc giám sát vụ việc. |