Brazil quyết định từ chối khoản viện trợ của các nước G7 theo đề xuất của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron.
Hai công nhân ở bang Mato Grosso, phía nam lưu vực sông Amazon ở Brazil, nhìn đám cháy lan đến trang trại họ làm việc hôm 23/8. Ảnh: Getty |
Các quốc gia trong nhóm G7 đã nhất trí chi 20 triệu USD mua thêm máy bay chữa cháy để chống lại các vụ hỏa hoạn ở các cánh rừng Amazon theo đề xuất của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, sau khi người đồng cấp Brazil Jair Bolsonaro nói chính phủ của ông thiếu nguồn lực trong việc đối phó với hỏa hoạn.
Tuy nhiên, ngày 27/8, ông Onyx Lorenzoni, Chánh văn phòng Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro cho hay: "Chúng tôi đánh giá cao lời đề nghị nhưng có lẽ những tài nguyên đó thích hợp hơn để tái trồng cây gây rừng châu Âu".
"Ông ấy có nhiều việc cần làm tại quê nhà và các thuộc địa của Pháp", ông Lorenzoni cho hay.
Theo ông Lorenzoni, Brazil có thể dạy "bất kỳ quốc gia nào" về cách cứu rừng. “Không có quốc gia nào có diện tích thảm thực vật tự nhiên lớn như của chúng tôi”, ông nhấn mạnh.
Rừng mưa Amazon trải rộng qua tám quốc gia, chiếm 40% lãnh thổ Nam Mỹ, tương đương gần 2/3 lãnh thổ nước Mỹ, Amazon được xem là khu rừng mưa lớn nhất thế giới. 2/3 diện tích rừng Amazon nằm ở Brazil.
Chỉ riêng rừng Amazon đã sản sinh khoảng 20% lượng khí ôxy cho Trái đất, đó là lý do tại sao khu rừng mưa này được xem là lá phổi của hành tinh.
Tuần hành tại thành phố Rio de Janeiro, Brazil ngày 25/8 kêu gọi bảo vệ rừng Amazon nhiều hơn nữa. Ảnh: Reuters |
Tuy nhiên, thống kê từ đầu năm 2019 đến nay có tới hơn 74.000 đám cháy ở nước này, hơn phân nửa trong số đó xảy ra ở Amazon. Có thể hình dung cứ mỗi phút lại có thêm một khoảng diện tích rừng Amazon rộng hơn 1,5 sân bóng đá bị thiêu rụi.
Số lượng đám cháy tăng gần gấp đôi so với năm ngoái. Điều này không thể không liên quan đến thực tế mật độ phá rừng ở Brazil năm nay tăng tới 80% so với năm ngoái, theo số liệu từ INPE.
Chính phủ Brazil cũng đã huy động quân đội tham gia dập lửa. Nhiều bang có rừng Amazon cũng đã yêu cầu giúp đỡ. Hiện chưa rõ bao nhiêu lực lượng vũ trang được huy động và hiệu quả như thế nào.
Tổng thống Brazil tuyên bố nước ông không có đủ nguồn lực để dập tắt các đám cháy rừng trên một khu vực rộng lớn như Amazon.
Tuy nhiên ông Bolsonaro cũng cảnh báo các nước khác không can thiệp vào vấn đề này, cho rằng tiền hỗ trợ của nước ngoài là nhằm vào phá hoại chủ quyền của Brazil.
Nhà khoa học khí hậu Brazil, ông Carlos Nobre, tin rằng có tới 15-17% toàn bộ diện tích rừng Amazon đã bị phá hủy. Thoạt đầu, giới khoa học cho rằng điểm bùng phát sẽ xảy ra khi tỉ lệ này là 40%.
Và khi kịch bản tồi tệ nhất này xảy ra, khoảng 20 tỉ tấn carbon dioxide sẽ bị thải vào không khí, theo ông Nobre, khiến cho toàn nhân loại khó có cách nào duy trì được mức nhiệt tăng lên toàn cầu trong giới hạn từ 1,5 - 2 độ C, một giới hạn để tránh những ảnh hưởng tồi tệ của biến đối khí hậu.
Mộc Miên (T/h)