Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro, ngày 23/8, thông báo đã phê chuẩn quyết định cử quân đội nước này tới hỗ trợ công tác chữa cháy rừng Amazon.
Ngoài việc giúp cứu hỏa trong vòng 1 tháng, quân đội còn có nhiệm vụ trấn áp các hoạt động tội phạm tại những bang khu vực có liên quan. Tổng thống Bolsonaro cũng sẽ có bài phát biểu trên sóng truyền hình quốc gia để công bố các biện pháp cụ thể nhằm chữa cháy rừng.
Quyết định này được đưa ra trong bối cảnh cộng đồng quốc tế tiếp tục kêu gọi Chính phủ Brazil có các biện pháp quyết liệt hơn để giải quyết vụ cháy rừng giặc lửa kéo dài suốt hai tuần qua tại khu vực Amazon.
Những đám cháy dữ dội tại rừng Amazon. Ảnh: Getty |
Số liệu của Viện nghiên cứu vũ trụ quốc gia Brazil (INPE), khoảng 700 đám cháy rừng đã xuất hiện trong 2 ngày 21 và 22/8 tại rừng Amazon, khiến không khí tại các thành phố lớn gần đó bị ô nhiễm nghiêm trọng.
Tính từ đầu năm, 76.720 đám cháy rừng được ghi nhận tại Brazil, con số cao nhất từ năm 2013. Trong số đó, hơn ½ xảy ra tại rừng Amazon. Giới chuyên gia cho rằng việc đẩy mạnh khai phá rừng làm đất nông nghiệp trong mùa khô đã gây ra các đám cháy. Các nhà bảo tồn nói Tổng thống Bolsonaro ngầm khuyến khích nông dân khai phá rừng Amazon để phát triển nông nghiệp, lĩnh vực có lượng lớn cử tri ủng hộ nhà lãnh đạo.
Cả Pháp và Ireland đã đề cập tới việc phản đối thỏa thuận nông nghiệp giữa Liên minh châu Âu (EU) và khối Thị trường chung Nam Mỹ (MERCOSUR) gồm Brazil, Argentina, Uruguay và Paraguay để gây sức ép và đe dọa không phê chuẩn thỏa thuận thương mại giữa các nước Nam Mỹ và EU nếu Brazil không hành động tích cực hơn. Thủ tướng Phần Lan Mika Lintila đề xuất EU cấm nhập khẩu thịt bò Brazil vì cuộc khủng hoảng này.
Tổng thống Bolsonaro phản pháo lại dữ dội, cáo buộc Tổng thống Macron là can thiệp vào vấn đề của Brazil nhằm đạt lợi ích chính trị. "Cháy rừng xảy ra ở mọi nơi và đây không thể là cái cớ để áp đặt lệnh cấm vận quốc tế lên Brazil", nhà lãnh đạo tuyên bố.
Cùng ngày, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết ông đã có cuộc điện đàm với người đồng cấp Bolsonaro để thảo luận về vụ cháy rừng tại Amazon hiện này, đồng thời khẳng định Washington sẵn sàng hỗ trợ. Thủ tướng Anh Boris Johnson cũng đưa ra đề nghị tương tự.
Rừng mưa nhiệt đới Amazon có diện tích 7 triệu km2, chiếm 60% lãnh thổ Brazil và trải dài trên lãnh thổ 8 nước gồm Brazil, Peru, Bolivia, Ecuador, Colombia, Venezuela, Guyana và Suriname.
Đây là bể chứa khí carbon lớn nhất thế giới và được xem là "tấm khiên sống" bảo vệ Trái Đất trước sự nóng lên toàn cầu. Theo số liệu thống kê, hơn 40.000 loài thực vật, 1.300 loài chim và hơn 4.200 loài động vật hiện đang sinh sống tại phần rừng nhiệt đới Amazon nằm trên lãnh thổ của Brazil.
Minh Khôi(T/h)