Theo PGS. TS Hà Đình Đức, đề án bơm nước sông Hồng bổ cập nước hồ Tây và cải thiện sông Tô Lịch là viển vông, không thể thực hiện nếu không giải quyết được vấn đề nước ô nhiễm.
Mới đây, Hà Nội đang lấy ý kiến các chuyên gia về đề án bơm nước sông Hồng bổ cập nước hồ Tây và cải thiện sông Tô Lịch.
Theo đó, thành phố dự tính đặt trạm bơm cố định nằm cách chân cầu Nhật Tân khoảng 600 m, về phía hạ lưu. Hệ thống đường ống xả sau máy bơm gồm 4 ống đường kính 600 mm, kết nối vào đường ống chung có đường kính 1.200 mm, dẫn đến bể xử lý nước cạnh công viên nước hồ Tây. Tổng chiều dài đường ống dẫn nước khoảng 1.960 m, chạy dọc theo ngõ 464 Âu Cơ - Lạc Long Quân vào ngõ 612 Lạc Long Quân đến mương tiêu cạnh hồ Tây, vào bể lắng xử lý phù sa sông Hồng.
Sơ đồ phương án bổ cập nước từ sông Hồng vào hồ Tây. |
Nước từ sông Hồng được bơm vào hồ Tây, khi đạt mực nước cần thiết sẽ cho mở các cửa xả ra sông Tô Lịch. Theo phương án này, mỗi ngày TP Hà Nội dự kiến bơm hơn 134.000 m3 nước vào hồ Tây (bơm 26 ngày/tháng). Khái toán kinh phí cho dự án khoảng 150 tỷ đồng.
Đề xuất này được đưa ra cũng đã nhanh chóng nhận được nhiều ý kiến trái chiều của dư luận. Là người am hiểu về văn hóa Hà Nội, đồng thời cũng dành nhiều thời gian nghiên cứu, tìm hiểu về hệ thống sông ở Thủ đô, PGS.TS Hà Đình Đức cũng đã trao đổi thêm với PV báo điện tử Người Đưa tin về đề xuất đang gây tranh cãi này.
PGS.TS Hà Đình Đức cho rằng đề xuất này khó khả thi. |
Thưa PGS.TS Hà Đình Đức, Hà Nội đang lấy ý kiến các chuyên gia về đề án bơm nước sông Hồng bổ cập nước hồ Tây và cải thiện sông Tô Lịch. Vậy, theo ông, đề xuất này liệu có khả thi?
Tôi cho rằng đây là đề án viển vông không khả thi. Bởi, làm bất cứ việc gì cũng phải tìm hiểu nguồn gốc, xuất xứ chứ không phải đề xuất là làm luôn.
Lý do gì ông cho rằng đề xuất này không khả thi, ông có thể chia sẻ lại một chút về con sông Tô Lịch ngày xưa?
Sông Tô Lịch bắt nguồn từ chợ Gạo đi vào phường Hàng Buồm, sau đó đi qua Phan Đình Phùng, chạy dọc Thụy Khê đến đường Hoàng Quốc Việt và chạy dọc xuống như bây giờ.
Thế kỷ thứ XVII, ở khu vực phường Hàng Buồm sông Tô Lịch phát triển trên bến dưới thuyền, nhưng sau lấp dần đi và thành sông hẹp như hiện nay.
Theo tôi biết, sông Tô Lịch từ năm 1980 Hà Nội dự định cải tạo dòng sông này trở thành con sông trong xanh. Bản thân tôi hồi đó cùng các sinh viên, thanh niên đi nạo vét sông Tô Lịch nhưng sau này sông Tô Lịch lại đâu vào đấy.
Cho nên, tôi cho rằng muốn làm bất cứ điều gì cũng phải hiểu, phải biết ngọn ngành. Còn làm mà không hiểu thì rất nguy hiểm, chỉ tốn tiền người dân.
Trước đây, cũng có một đề xuất nước sông Hồng xử lý rồi mới đổ vào Hồ Tây vì nước sông Hồng có nhiều phù sa, nhưng cuối cùng cũng chưa hoàn thiện.
PGS.TS Hà Đình Đức cho rằng phải xử lý nước thải sông Tô Lịch. |
Nếu không xử lý nước thải ở sông Tô Lịch thì không có giải pháp nào hữu hiệu, bởi nước thải cứ đổ ra sông. Về mặt khoa học thì không đảm bảo.
Đã có rất nhiều đề xuất về giải pháp “cứu” sông Tô Lịch, nhưng dường như vẫn chưa có đề xuất nào khả thi. Theo ông, giải pháp căn cơ nào để làm trong xanh sông Tô Lịch?
Trước hết, phải giải quyết vấn đề ô nhiễm sông Tô Lịch, tức là thu gom nước thải, xử lý ra sao đây là điều kiện tiên quyết. Nếu giải quyết được vấn đề này thì mới xử lý các vấn đề tiếp theo là đưa nước ở đâu vào và đưa như thế nào. Chưa giải quyết được vấn đề ô nhiễm sông hiện nay, thì không có biện pháp nào, giải pháp nào giúp cho dòng sông Tô Lịch hồi sinh được.
Xin cảm ơn ông!
Thanh Lam – Di Hân
Theo Người Đưa Tin