+Aa-
    Zalo

    Bóc mẽ trò bịp "bán hàng Tết, kiếm 20 triệu đồng/tháng”

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Đến hẹn lại lên. Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015 đã cận kề, nhu cầu việc làm, kinh doanh thời vụ đột biến tăng mạnh.

    (ĐSPL) - Đến hẹn lại lên. Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015 đã cận kề, nhu cầu việc làm, kinh doanh thời vụ đột biến tăng mạnh. Bên cạnh những đơn vị tuyển dụng đúng mục đích, còn có rất đông đội ngũ "cò" và các đối tượng bán hàng đa cấp lợi dụng thực tế này để lừa bịp người lao động.

    Đối tượng bán hàng đa cấp sau khi tung các chiêu tuyển dụng "ma" đang dụ dỗ "con mồi" tại một quán cà phê.

    "Tuyển gấp, lương cao"...

    Chưa đầy một tháng nữa là đến Tết nhưng thời điểm này, không ít người lao động nghèo vẫn lâm vào tình trạng dở khóc dở cười vì vướng phải những trò bịp tuyển dụng. Nhiều bạn đọc gọi điện, phản ánh về vấn đề này đến đường dây nóng của báo Đời sống và Pháp luật. Để rộng đường dư luận, PV đã thâm nhập vào thế giới tuyển dụng "tuyển gấp, lương cao" để nắm rõ những quy luật và thủ đoạn của một bộ phận lừa bịp tại một số tỉnh miền Trung.

    Khắp các trang mạng xã hội trên các diễn đàn như tuyendung..., vatgia..., timviec..., tại địa bàn hai tỉnh, thành phố lớn là Đà Nẵng và Thừa Thiên - Huế, PV không khỏi bất ngờ bởi số lượng tuyển dụng nơi đây. Đơn giản chỉ là vài dòng ngắn ngủi nhưng khá hấp dẫn: "Do nhu cầu bán hàng Tết chúng tôi cần tuyển 30 - 45 người bán hàng. Mức lương từ 4 - 6 triệu đồng", kèm theo đó là số điện thoại liên hệ chứ mặc nhiên không hề có tên công ty, tên người tuyển dụng hay bất cứ địa chỉ nào. Thông tin mập mờ trên gây tò mò, khiến người tìm việc nửa tin, nửa ngờ.

    Khắp các con phố lớn TP. Đà Nẵng, vô vàn các thông tin tuyển dụng được phát tán. Đặc biệt ở những nơi tập trung nhiều trường đại học, cao đẳng thì số lượng trên càng nhiều. Tại một trụ điện trên đường Lương Nhữ Hộc (P. Khuê Trung, Q. Cẩm Lệ, TP. Đà Nẵng), khu vực tập trung số lượng sinh viên từ 4 ngôi trường lớn như đại học Ngoại ngữ Đà Nẵng, cao đẳng Bách khoa Đà Nẵng, cao đẳng Phương Đông Đà Nẵng và đại học Kiến trúc Đà Nẵng dán la liệt những tờ giấy A4 với nội dung: "Cần gấp, nhân viên bán hàng, yêu cầu nam nữ từ 18-45 tuổi, không cần kinh nghiệm, thời gian giờ hành chính hoặc theo ca, thu nhập 4,5- 6 triệu đồng". Thông tin này luôn thu hút một số đông sinh viên, rất nhiều em đã liên lạc theo số điện thoại trên, hy vọng tìm được việc làm.

    Tiền mất, tật mang!

    Quyết định tìm hiểu sâu hơn về những thông tin tuyển dụng mập mờ trên, PV liên lạc theo số điện thoại 090755xxx để gặp gỡ "nhà tuyển dụng". Bên kia đầu dây một giọng nói đậm chất xứ Quảng, tự giới thiệu mình là người quản lý tuyển dụng và hẹn gặp tại quán cà phê X.K. trên đường Núi Thành (P. Hòa Cường Bắc, Q. Hải Châu) để trao đổi công việc.

    Tại quán cà phê, PV vô cùng bất ngờ bởi người hẹn gặp mình trông khá trẻ, giống như một sinh viên, ăn vận khá lịch sự. Sau khi nghe PV giới thiệu "là sinh viên ra trường thất nghiệp, muốn có việc làm, kiếm ít tiền về quê ăn Tết", người tuyển dụng bắt đầu "nổ" một tràng các lý thuyết thuộc làu như học sinh cấp 1.

    Khi PV hỏi về công việc cụ thể, người này lảng tránh, chỉ tập trung nói về những khoản thu nhập trên trời, không tốn công sức, chỉ cần làm một thời gian là giàu có. Người này "nổ": "Em xem, anh luôn lịch sự áo vét, giày đen. Thu nhập gần 2 chục chai (20 triệu đồng) mỗi tháng, trong khi anh mới làm có hai tháng thôi đó".

    Sau một hồi nhiệt tình gạ gẫm, công việc mà PV được giao là mua một sản phẩm chức năng giá 2,9 triệu đồng, được quảng cáo là tốt nhất trên thị trường. Sau một tháng kiếm lại hơn nhiều lần số tiền đã bỏ ra. Anh ta kiên nhẫn thuyết phục: "Em thấy chưa, em học hành xong có việc làm đâu. Theo anh sẽ có nghề nghiệp mà lương còn cao". Cũng theo "nhà tuyển dụng", để tham gia công việc thu nhập "khủng", thứ duy nhất PV cần đưa cho người này chỉ là một bản CMND phô tô. Khi PV hỏi về công ty, địa chỉ hay số lượng tuyển dụng, người này không giải thích rõ ràng, mà chỉ một câu đáp ngắn ngủi: "Tết, tuyển nhiều thôi em".

    Để tìm hiểu bộ mặt thật của trò tuyển dụng đặc biệt này, PV quyết bám chân "nhà tuyển dụng" về đại bản doanh. Sau cuộc hẹn với PV, anh ta đi khắp một vài quán xung quanh, cũng gặp một vài người bộ dạng có vẻ như đang tìm việc. PV tiếp tục theo chân người này về đến nơi ở của anh ta tại một khu trọ ở con hẻm nhỏ đường Núi Thành. Lúc này, chân tướng thật của "nhà tuyển dụng" thu nhập hàng chục triệu đồng một tháng mới bị lật tẩy.

    Ông P.T.L. (68 tuổi, chủ nhà trọ) cho biết: "Nó làm gì có công ty hay xí nghiệp mà tuyển nhân viên. Tôi biết rõ thằng này mà. Nó quê Quảng Ngãi, ba mẹ nó thỉnh thoảng cũng ra thăm, kiểm tra việc học hành. Nhưng nó ăn rồi cứ diện áo, diện quần đi khắp nơi. Nghe bạn bè nói nó đang bán hàng gì đó, gặp ai cũng kêu làm cùng, cũng kêu làm để thành tỉ phú. Không hiểu tỉ phú kiểu gì mà tháng nào cũng khất tiền trọ".

    Tiếp tục liên hệ đến số điện thoại trên một trang diễn đàn tìm việc của sinh viên Đà Nẵng, PV nhận được địa chỉ hẹn gặp tại một điểm trên đường Điện Biên Phủ. Cuộc hẹn này quy mô hơn. Tại đây, PV gặp nhiều đối tượng, nhiều thành viên của đội ngũ tuyển dụng "quần tây, áo vét" và rất đông người hào hứng tới tìm việc. Sau khi nghe thuyết giảng, T.V.Q. (SN 1995, quê Quảng Nam) bức xúc: "Đây là lần thứ hai em gặp phải trường hợp này rồi. Cứ mong tìm được ít việc làm đợi Tết về, ai ngờ toàn lừa đảo".

    Cầm trên tay hai bản CMND phô tô theo yêu cầu từ một "nhà tuyển dụng" đã liên lạc trước, PV tiến vào "trụ sở" của đội ngũ này. Sau khi tay bắt mặt mừng, PV được trao cho một thẻ hội viên, rồi được dẫn đi khắp cả phòng để giao lưu với "đồng nghiệp".

    Sau hơn 30 phút giao lưu, PV cùng nhiều người khác được tham gia vào một cuộc trau dồi kiến thức hơn hai giờ liền, với những lý thuyết "làm giàu không khó, không cần làm gì cũng có tiền rơi vào người". Và để minh chứng cho những lý thuyết đó, là một loạt tên tuổi trong hệ thống với mức lương "khủng", sở hữu toàn siêu xe trên địa bàn Đà Nẵng và một "sếp" đặc biệt từ Sài Gòn mới ra.

    PV đã liên hệ đến một số trung tâm chuyên tuyển dụng và cung cấp lao động uy tín vào các dịp lễ, tết để tìm hiểu rõ hơn vấn đề này. Đại diện một trung tâm cho hay: "Việc tuyển dụng "ma" như trên đã gây ảnh hưởng rất lớn đến uy tín của một số nhà tuyển dụng đích thực vì mọi người dễ đánh đồng tất cả với nhau".

    Cũng theo vị này, nhằm tránh rơi vào tình trạng trên, người tìm việc, nhất là sinh viên cần chú ý đến các tiêu chí tuyển dụng, tìm hiểu thông tin rõ ràng về nhà tuyển dụng cũng như địa chỉ, tên công ty, xí nghiệp.

    Nhiều hệ lụy xấu cho xã hội

    Trao đổi với PV, luật sư Thái Văn Bắc, đoàn Luật sư TP. Đà Nẵng cho biết: "Thời gian qua, tôi cũng theo dõi nhiều vụ việc liên quan đến các đối tượng, công ty bán hàng đa cấp xấu bị vạch trần. Nhất là thời gian gần đây xuất hiện nhiều nhà tuyển dụng "ma", sử dụng nhiều chiêu trò để dụ dỗ người khác vào hệ thống của mình nhằm lừa đảo. Mục tiêu hướng đến đa phần là sinh viên xa nhà, điều này gây khó khăn cho các sinh viên nghèo cũng như phát sinh nhiều hệ lụy xấu cho xã hội".

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/boc-me-tro-bip-ban-hang-tet-kiem-20-trieu-dongthang-a81274.html

    "Doanh nghiệp bán hàng đa cấp sẽ phải ký quỹ 5 tỷ đồng"

    “Doanh nghiệp bán hàng đa cấp sẽ phải ký quỹ 5 tỷ đồng tại một ngân hàng thương mại, gấp 5 lần so với trước đây”. Đây là nội dung đáng chú ý trong dự thảo Nghị định quản lý hoạt động bán hàng đa cấp được Bộ Công Thương đưa ra.

    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan

    "Doanh nghiệp bán hàng đa cấp sẽ phải ký quỹ 5 tỷ đồng"

    “Doanh nghiệp bán hàng đa cấp sẽ phải ký quỹ 5 tỷ đồng tại một ngân hàng thương mại, gấp 5 lần so với trước đây”. Đây là nội dung đáng chú ý trong dự thảo Nghị định quản lý hoạt động bán hàng đa cấp được Bộ Công Thương đưa ra.