(ĐSPL) – Nói về ngành công nghiệp phụ trợ ở Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Công thương cho rằng hiện ngành này đang "sức thì yếu mà kinh nghiệm chưa nhiều".
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng trả lời chất vấn chiều 17/11. |
Trong phiên trả lời chất vấn chiều nay, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng đã nhận được khá nhiều câu hỏi từ các đại biểu Quốc hội “xoay” về vấn đề liên quan tới ngành công nghiệp phụ trợ tại Việt Nam còn yếu kém, khiến doanh nghiệp FDI phải nhập từ "con ốc cái vít".
Đại biểu Đồng Hữu Mạo (Thừa Thiên Huế) đặt câu hỏi, Chính phủ đã có quyết định số 34 phê duyệt công nghiệp phụ trợ - tầm nhìn 2020, tới năm 2011, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định về chính sách phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ. Tuy nhiên, sau nhiều năm vẫn chưa có ngành này phát triển đáng kể, phải chăng vì thiếu chính sách cụ thể để thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ phát triển? Nếu đúng là như vậy thì trách nhiệm của Bộ trưởng là gì?
Cùng chung lo ngại về sự phát triển non kém của ngành công nghiệp phụ trợ, đại biểu Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh) đặt câu hỏi: Đề nghị Bộ trưởng cho biết tỷ lệ nội địa hóa của các ngành ô tô, điện tử là bao nhiêu \%. Có đúng hay không chuyện chúng ta phải nhập từ con ốc cái vít? Có hay chăng Việt Nam chỉ là “bãi đáp” để các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài vào để tận dụng nhân công giá rẻ và hưởng ưu đãi từ chính sách của nước ta?
Trả lời thắc mắc của các đại biểu, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng thừa nhận đúng là ngành công nghiệp hỗ trợ đang khá nhiều vấn đề. Về phát triển ngành này, Chính phủ cùng với sự tham mưu của các bộ, ngành liên quan đã sớm ban hành một số chính sách với 6 nhóm hàng hóa liên quan đến công nghiệp hỗ trợ như ô tô, điện tử, dệt may, da giầy, hàng nhựa. Mới đây nhất, Bộ Công thương cũng ban hành quy hoạch phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, dù chính sách đã quan tâm nhưng cấp độ pháp lý vẫn còn thấp, cơ chế chính sách rõ ràng có nhưng chưa đầy đủ.
Công nghiệp hỗ trợ chủ yếu nói tới phụ tùng linh kiện, tuy nhiên để phát triển phải đòi hỏi quy mô sản xuất lớn, làm ra nhiều sản phẩm thì giá thành mới cạnh tranh được. Tuy nhiên, dung lượng thị trường tại Việt Nam chưa đủ. Ví như ngành ô tô, 1 năm cơ sở sản xuất trong nước lắp ráp tới 70.000 xe đủ chủng loại khác nhau của hơn 10 nhà sản xuất ô tô. Như vậy, khó có doanh nghiệp nào đứng ra sản xuất phụ kiện cho các doanh nghiệp ô tô, bởi theo tính toán, số lượng tối thiểu phải 100.000 xe, doanh nghiệp công nghiệp phụ trợ mới phát triển được .
Ngoài ra, với xu thế thương mại hóa toàn cầu, sự phân công trong chuỗi giá trị gia tăng toàn cầu đã được quyết định bởi những doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp đa quốc gia sản xuất hoàn chỉnh. Các doanh nghiệp này đã sớm có mạng lưới doanh nghiệp hỗ trợ, chúng ta đi sau, len chân vào được chuỗi giá trị toàn cầu hết sức khó khăn bởi “sức thì đang yếu mà kinh nghiệm chưa nhiều”.
Ngoài ra, ngành này đòi hỏi nguyên vật liệu mới như thép chế tạo, chất dẻo mà những loại này chúng ta chưa có, bắt buộc phải nhập. Mà khi đã phải nhập thì giá thành sẽ khó cạnh tranh so với các nước khác. Một yếu tố nữa đó là con người. Theo Bộ trưởng, ngành công nghiệp phụ trợ là một ngành thâm dụng lao động, đòi hỏi tay nghề cao như nghệ nhân. Mà chúng ta lại đang thiếu đội ngũ này.
Về tỷ lệ nội địa hóa các ngành sản xuất liên quan tới công nghiệp phụ trợ, Bộ trưởng Hoàng cho biết: mức độ nội địa hóa xe chở khách 80 chỗ là 40\%; Xe tải nông dụng, chuyên dùng 70\%; xe ô tô con 10\%; Xe máy trên 90\% kể cả động cơ, xuất khẩu mỗi năm 150.000 xe ra nước ngoài, kim ngạch đạt 280 triệu usd; tỷ lệ nội địa hóa điện tử gia dụng từ 30 đến 35\%; dệt may 50\%; da giầy 60\%.
Bộ trưởng Hoàng đề ra một số giải pháp để phát triển ngành công nghiệp phụ trợ trong thời gian tới như: thông qua luật sửa đổi về thuế liên quan đến công nghiệp phụ trợ, ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, ưu đãi thuế cá nhân cho các chuyên gia nước ngoài tới giúp Việt Nam phát triển ngành công nghiệp phụ trợ.
Tăng cường hỗ trợ khởi nghiệp cho các doanh nghiệp phụ trợ (đa số đều có quy mô vừa và nhỏ) như: cho vay giai đoạn đầu, vay để mở rộng sản xuất, mua công nghệ. Nếu tài sản thế chấp không đủ thì có thể xem xét cho vay tín chấp tương tự như quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Thành lập một số trung tâm hỗ trợ cho doanh nghiệp hoạt động phi lợi nhuận: thí nghiệm, tạo khuôn mẫu để giúp doanh nghiệp có nhu cầu kiểm tra chất lượng tạo mẫu mới, có thể đến các trung tâm này để được giúp đỡ miễn phí
Tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ tiếp cận thị trường, thông tin, đào tạo quản lý, công nhân. Dự án vốn ODA nước ngoài có thể giành tỷ lệ nhất định tạo điều kiện cho công nghiệp phụ trợ.
Bộ trưởng cũng mong Quốc hội ban hành nghi quyết nêu rõ vấn đề về phát triển về công nghiệp phụ trợ để Bộ có cơ sở thực hiện sau này.