Theo báo Pháp luật TP.HCM, dự thảo nghị quyết được Chính phủ trình quy định giảm 2% thuế suất VAT với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10%, trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ, tương tự nội dung quy định tại Nghị quyết 43 và Nghị quyết 101 của Quốc hội.
Nhóm không được giảm thuế gồm viễn thông, công nghệ thông tin, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, sản xuất kim loại và sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, ngành khai khoáng (không kể khai thác than), sản xuất than cốc, dầu mỏ tinh chế, sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất, các sản phẩm hàng hóa và dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.
Thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Quang Mạnh cho hay đa số ý kiến trong ủy ban nhất trí với đề xuất trên của Chính phủ. Một số ý kiến đề nghị Chính phủ đánh giá kỹ hơn về khả năng đạt được mục tiêu kích cầu tiêu dùng khi ban hành và thực thi chính sách. Ý kiến này phân tích dù đã áp dụng chính sách giảm VAT trong các tháng cuối năm 2023 song tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng quý III (thời gian áp dụng chính sách) chỉ tăng 7,3%, thấp hơn so với các quý trước…
Cũng có ý kiến cho rằng đánh giá tác động giảm thu khoảng 25.000 tỉ đồng chưa có cơ sở tính toán chính xác, chưa dự báo được mức độ, lĩnh vực, ngành hàng sẽ có chuyển biến tích cực khi thực hiện chính sách. Ý kiến này đề nghị Chính phủ bổ sung đầy đủ đánh giá tác động của việc thực hiện chính sách.
Trong khi đó, một số ý kiến tại cơ quan thẩm tra đề nghị cân nhắc mở rộng phạm vi đối tượng được giảm thuế VAT theo hướng áp dụng thuế suất 8% với tất cả nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10%.
Cũng theo ông Lê Quang Mạnh, đa số ý kiến trong cơ quan thẩm tra nhất trí về thời gian áp dụng chính sách từ ngày 1/1/2024 đến hết ngày 30/6/2024…
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, khi báo cáo giải trình ý kiến của đại biểu, cho biết chính sách giảm thuế VAT thực hiện liên tiếp trong 3 năm, đối tượng không có gì thay đổi để đảm bảo nhất quán chính sách và giảm áp lực cho ngân sách.
Theo bộ trưởng, việc giảm thuế VAT chỉ là một trong nhiều giải pháp để thúc đẩy tăng GDP. Giảm thuế để kích cầu có tác dụng ngắn hạn, không thể tác dụng trong dài hạn. Để tăng trưởng kinh tế, giải pháp căn cơ vẫn là tháo gỡ thủ tục đầu tư, tháo gỡ vướng mắc trong sản xuất kinh doanh, tháo gỡ về nguồn vốn, quản trị, áp dụng khoa học công nghệ để tăng năng suất lao động…
Về ý kiến của một số đại biểu đặt vấn đề vì sao chỉ áp dụng giảm thuế VAT 2% trong 6 tháng, có thể kéo dài giảm thuế dài hơn, theo bộ trưởng, ngoài chính sách giảm thuế VAT còn có các chính sách hỗ trợ dài hạn như về thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân thì sang năm 2025 sẽ bắt đầu sửa…
Vì vậy, trước mắt trình giảm thuế VAT 2% trong ngắn hạn 6 tháng, vừa giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn vừa không tác động nặng lên ngân sách. Căn cứ tình hình thực hiện trong thực tế sẽ tiếp tục có báo cáo xin ý kiến Quốc hội, thông tin từ báo Tuổi Trẻ.
Ba địa phương giảm thu ngàn tỉ khi giảm thuế VATViệc giảm thuế VAT 2% trong 6 tháng đầu năm sẽ làm giảm thu ngân sách khoảng 25.000 tỉ đồng. Ba địa phương chịu ảnh hưởng thu lớn nhất là TP.HCM giảm gần 4.000 tỉ đồng, Hà Nội giảm gần 3.500 tỉ đồng, Bình Dương giảm gần 1.200 tỉ đồng. Ngoài ra còn một số địa phương khác như: Quảng Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu (giảm trên 500 tỉ đồng), các tỉnh còn lại giảm thu dưới 350 tỉ… |
Thùy Dung (T/h)