Vietnamplus đưa tin, tính từ ngày 1/9/2021 đến ngày 5/11/2023, cả nước xảy ra 699 vụ bạo lực học đường liên quan đến 2.016 học sinh, trong đó có 854 học sinh là nữ. Bình quân, cứ 50 cơ sở giáo dục xảy ra 1 vụ bạo lực học đường.
Đây là thông tin vừa được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết tại Quốc hội chiều 7/11, khi trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội Vương Quốc Thắng, Đoàn Đai biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam về giải pháp căn cơ giải quyết bạo lực học đường gia tăng trong thời gian qua.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, số vụ bạo lực có nhiều học sinh tham gia và số học sinh nữ tham gia bạo lực học đường nhiều hơn, xảy ra cả trong và nhiều trường học là vấn đề ngành giáo dục rất quan tâm, lo lắng, tìm mọi cách cùng cả nước và các địa phương để xử lý.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cho rằng có nhiều nguyên nhân. Trong trường học, trách nhiệm trong việc xử lý các tình huống liên quan đến bạo lực học đường vẫn giao cho giáo viên kiêm nhiệm các trong thực tế, kỹ năng xử lý của các giáo viên và lãnh đạo các trường vẫn còn lúng túng. Mặt khác, trong tình hình dịch bệnh COVID-19 kéo dài, học sinh học online lâu cũng để lại vấn đề tâm lý. Bên cạnh đó còn có nguyên nhân do là tâm lý lứa tuổi học đường.
Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, thống kê của Tòa án Nhân dân tối cao cho thấy hàng năm có 220.000 vụ ly hôn, trong đó có 70-80% do bạo lực gia đình. Học sinh trong các gia đình này vừa là đối tượng của bạo lực, chứng kiến bạo lực, hoặc bị bỏ rơi. Theo thống kê, số học sinh có bối cảnh gia đình bạo lực liên quan đến bạo lực học đường có tỷ lệ rất lớn.
Do đó, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho rằng cần chung tay để ngăn chặn vấn đề bạo lực gia đình, nhằm hạn chế tác động tới tinh thần, nhận thức của trẻ.
Ông cũng chỉ ra, ảnh hưởng từ mạng xã hội và phim ảnh cũng là một tác nhân. Đặc biệt, nhiều bộ phim của nước ngoài có mô tuýp phổ biến về bạo lực tập thể, sau đó quay lên mạng. Ngành giáo dục mong muốn các ngành liên quan cùng phối hợp để phòng tránh bạo lực học đường, theo Phụ nữ TP.HCM.
Phương Linh(T/h)