Tiếp tục Chương trình Phiên họp thứ 36, ngày 21/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức chất vấn và trả lời chất vấn việc thực hiện các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV đến hết năm 2023.
Thông tin trên báo Nhân dân, tại phần đặt câu hỏi cho Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) cho rằng cơ cấu biểu giá bán lẻ điện, trong đó tiền điện sinh hoạt tính theo 6 bậc thang hiện nay chưa phù hợp thực tế tiêu dùng của người dân. Chẳng hạn, mức sử dụng bậc 1 (0-50 kWh) là quá thấp.
Trả lời đại biểu Hòa, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nêu rõ, biểu giá điện bậc thang là mô hình phổ biến được nhiều quốc gia áp dụng để khuyến khích các khách hàng sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả; đồng thời nâng cao trách nhiệm xã hội trong bảo vệ môi trường, vì năng lượng là một ngành phát thải khá lớn.
Theo Quyết định 28/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, cơ cấu biểu giá điện bán lẻ bình quân gồm 6 bậc. Tuy nhiên, biểu giá này bộc lộ bất cập nên thời gian qua, Chính phủ đã chỉ đạo và Bộ Công thương đã chủ trì sửa đổi, bổ sung quyết định này.
Bộ trưởng cho biết, Bộ Công thương vừa trình Chính phủ dự thảo quyết định sửa đổi Quyết định 28, trong đó giảm cơ cấu biểu giá điện bán lẻ từ 6 bậc xuống còn 5 bậc, và nâng bậc đầu tiên từ 0-50kWh lên 0-100kWh để nhằm hỗ trợ người nghèo.
Ngoài ra, để xóa khoảng cách bất hợp lý giữa các đối tượng sử dụng điện, trong dự thảo quyết định sửa đổi lần này cũng đang đề cập điều chỉnh khung giá điện áp dụng cho các đối tượng sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt theo hướng tiệm cận gần nhau hơn. “Một số ngành sản xuất sẽ được điều chỉnh cho tương xứng với biểu giá trong lĩnh vực dịch vụ cũng như trong sinh hoạt để bảo đảm không bù chéo giữa các đối tượng sử dụng điện”, Bộ trưởng cho hay.
Trước đó, theo báo VnExpress, tại bản thảo Bộ Công Thương đưa ra cuối năm ngoái, khoảng cách giữa các bậc cũng được phân chia lại, phù hợp thực tế dùng điện của người dân và giá ở bậc cao nhất (701 kWh trở lên) trên 3.600 đồng một kWh (chưa gồm thuế VAT). Mức chênh bậc 1 và 5 là hai lần, nhằm phù hợp với xu thế chung của thế giới và khuyến khích dùng điện tiết kiệm, hiệu quả.
Thực tế chỉ ra rằng, theo cơ cấu biểu giá bán lẻ điện hiện nay, có thời điểm điện cho sản xuất bằng 52% giá bình quân, trong khi giá với hộ nghèo chính sách, ưu đãi lớn nhất cũng bằng 90% giá này. Tức là, giá điện sinh hoạt của người dân chi trả cao hơn điện bán sản xuất của doanh nghiệp và người dùng nhiều bù cho dùng ít. Trong khi đó, Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị đưa ra định hướng không thực hiện bù chéo giá điện giữa các nhóm khách hàng, vùng miền.
Tại dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) được Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến hôm 19/8, đã bổ sung quy định để giảm bù chéo trong cơ cấu giá bán lẻ điện. Cơ chế giá điện cũng được áp dụng phù hợp với các nhóm khách hàng có mức tiêu thụ điện lớn.
Tuy vậy, thẩm tra dự thảo luật, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và môi trường cho rằng các quy định về giảm bù chéo này chưa được thể hiện cụ thể. Cơ quan thẩm tra đề nghị dự thảo luật cần đưa ra nguyên tắc, lộ trình rõ ràng hơn về xóa bỏ bù giá chéo giữa các nhóm khách hàng, đảm bảo bình đẳng xã hội.