+Aa-
    Zalo

    Bỏ thi thăng hạng, giáo viên tiểu học được xét thăng hạng như thế nào?

    (ĐS&PL) - Thăng hạng giáo viên là một trong những vấn đề mà nhiều thầy cô giáo quan tâm, đặc biệt mới đây Chính phủ quyết định bỏ thi thăng hạng viên chức từ 07/12. Vậy quá trình thăng hạng của giáo viên tiểu học sẽ được thực hiện như thế nào? Cần điều kiện và thủ tục gì?

    Chính phủ vừa ban hành Nghị định 85/2023/NĐ-CP sửa đổi một số điều về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức. Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 07/12/2023. Trong đó, nội dung đáng chú ý được đông đảo viên chức trong đó có giáo viên đặc biệt quan tâm là sửa đổi tiêu chuẩn, điều kiện đăng ký dự xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp.

    Nghị định 85/2023/NĐ-CP sửa đổi một số điều của Nghị định 115/2020/NĐ-CP chính thức bỏ việc thi thăng hạng viên chức (thay đổi chức danh nghề nghiệp từ hạng thấp lên hạng liền kề). Như vậy nếu theo quy định mới, giáo viên tiểu học sẽ được xét thăng hạng như sau:

    Nguyên tắc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp

    Theo Nghị định 85/2023/NĐ-CP, Điều 31 Căn cứ, nguyên tắc tổ chức xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp được sửa đổi như sau:

    "1. Việc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp phải căn cứ vào vị trí việc làm, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và phù hợp với cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp của đơn vị sự nghiệp công lập đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

    2. Viên chức được đăng ký xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp nếu đơn vị sự nghiệp công lập có nhu cầu và đáp ứng đủ tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định của pháp luật.

    3. Kỳ xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp được tổ chức theo nguyên tắc bình đẳng, công khai, minh bạch, khách quan và đúng pháp luật."

    tieu chuan va thu tuc thang hang giao vien tieu hoc
    Bỏ thi thăng hạng, thăng hạng giáo viên tiểu học cần đảm bảo tiêu chuẩn theo quy định. Ảnh minh họa.

    Tiêu chuẩn, điều kiện thăng hạng giáo viên tiểu học

    Căn cứ Điều 3 Thông tư 34/2021/TT-BGDĐT:

    - Trường tiểu học có nhu cầu, Hiệu trưởng cử đi xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp.

    - Trước khi xét thăng hạng, được xếp loại hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên trong năm công tác liền kề trước đó.

    - Có đạo đức nghề nghiệp tốt, phẩm chất chính trị; không đang trong thời hạn bị kỷ luật.

    - Đã được bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học phù hợp vị trí việc làm đang đảm nhiệm.

    - Đáp ứng điều kiện của giáo viên tiểu học về trình độ đào tạo, năng lực chuyên môn nghiệp vụ tương ứng với hạng sẽ xét thăng hạng.

    - Đáp ứng yêu cầu thời gian công tác tối thiểu giữ chức danh nghề nghiệp hạng dưới liền kề với hạng sẽ xét thăng hạng nêu tại Thông tư 02/2021/TT-BGDĐT cụ thể:

    * Hạng III lên hạng II: 

    - Có thời gian giữ hạng III từ đủ 09 (chín) năm trở lên (không kể thời gian tập sự), tính đến thời hạn nộp hồ sơ đăng ký thăng hạng.

    - Đủ yêu cầu về thời gian giữ hạng nếu:

    • Đã có bằng thạc sĩ trước khi tuyển dụng.
    • Đáp ứng tiêu chuẩn về trình độ đào tạo của giáo viên tiểu học hạng II.
    • Có thời gian giữ hạng III đủ từ 06 (sáu) năm trở lên (không kể thời gian tập sự), tính đến ngày hết thời hạn nộp hồ sơ đăng ký thăng hạng.

    * Hạng II lên hạng I: Có thời gian giữ hạng II từ đủ 06 (sáu) năm trở lên, tính đến thời hạn nộp hồ sơ đăng ký thăng hạng.

    bo thi thang hang giao vien tieu hoc duoc xet thang hang nhu the nao
    Giáo viên tiểu học đảm bảo điều kiện sẽ được xét thăng hạng. Ảnh minh họa.

    Thủ tục thăng hạng giáo viên tiểu học

    Hiện nay, giáo viên chỉ cần xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp. Thủ tục thăng hạng giáo viên tiểu học được thực hiện như sau.

    2.1 Hồ sơ cần chuẩn bị

    Căn cứ quy định tại Điều 36 Nghị định 115/2020/NĐ-CP, sửa đổi bởi Nghị định 85/2023/NĐ-CP hồ sơ xét thăng hạng giáo viên tiểu học bao gồm:

    - Sơ yếu lý lịch viên chức (được lập trong thời gian 30 ngày trước hạn cuối nộp hồ sơ thăng hạng, có xác nhận của cơ quan viên chức đang làm việc).

    - Bản nhận xét, đánh giá về tiêu chuẩn, điều kiện thăng hạng của Hiệu trưởng.

    - Văn bản, chứng chỉ theo yêu cầu (bản sao).

    - Yêu cầu khác.

    2.2 Thủ tục thăng hạng

    - Hình thức: 

    *Từ hạng II lên hạng I: Xét, chấm điểm hồ sơ đăng ký và kiểm tra, sát hạch bằng trắc nghiệm/phỏng vấn.

    • Trắc nghiệm: 60 phút với tối đa không quá 60 câu hỏi về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về giáo dục và nhiệm vụ của nhà giáo quy định tại tiêu chuẩn hạng chức danh nghề nghiệp.
    • Phỏng vấn: Không quá 15 phút/giáo viên về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về giáo dục và nhiệm vụ của nhà giáo quy định tại tiêu chuẩn hạng chức danh nghề nghiệp

    * Từ hạng III lên hạng II: Xét và chấm điểm hồ sơ đăng ký.

    - Thang điểm: 

    * Bài trắc nghiệm, phỏng vấn: Thang điểm 30.

    * Hồ sơ chấm theo thang điểm 100 trong đó:

    • Tiêu chuẩn trình độ đào tạo, bồi dưỡng: 20 điểm.
    • Tiêu chuẩn năng lực chuyên môn, nghiệp vụ: 80 điểm.

    - Xác định người trúng tuyển:

    • Có đủ hồ sơ kèm theo minh chứng.
    • Xét từ hạng II lên hạng I: Đạt 100 điểm chấm hồ sơ; 15 điểm trở lên khi kiểm tra, sát hạch.
    • Xét từ hạng III lên hạng II: Đạt 100 điểm chấm hồ sơ.

    Lưu ý: Nếu số lượng hồ sơ đạt yêu cầu nhiều hơn chỉ tiêu thì:

    • Thăng hạng II lên hạng II: Lấy từ cao xuống thấp cho đến hết chỉ tiêu.
    • Thăng hạng từ hạng III lên hạng II: Căn cứ nhiệm vụ của hạng II để xét. Lấy điểm chấm minh chứng về các nhiệm vụ của hạng II mà hạng III đã làm trong 06 tháng liền kề trước khi xét từ cao xuống thấp đến hết chỉ tiêu.

    Trường hợp nếu có hai người trở lên có điểm bằng nhau thì ưu tiên theo thứ tự: Giáo viên nữ => Giáo viên là người dân tộc thiểu số => Giáo viên nhiều tuổi hơn => Giáo viên có thời gian công tác nhiều hơn.

    Nếu vẫn không xác định được thì do Hiệu trưởng có văn bản trao đổi với người đứng đầu cơ quan quản lý viên chức và quyết định.

    Quy định về tổ chức xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp

    Tại khoản 1 Điều 37. Nghị định 115/2020/NĐ-CP được sửa đổi bởi Nghị định 85/2023/NĐ- CP quy định về tổ chức xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp như sau:

    “1. Khi tổ chức xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp, cơ quan, đơn vị có thẩm quyền tổ chức xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp phải xây dựng Đề án tổ chức xét thăng hạng. Nội dung của Đề án gồm:

    a) Số lượng, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp hiện có của đơn vị sự nghiệp công lập; số lượng viên chức ứng với chức danh nghề nghiệp xét thăng hạng còn thiếu theo yêu cầu của vị trí việc làm và đề xuất chỉ tiêu thăng hạng chức danh nghề nghiệp (theo Mẫu số 05 ban hành kèm theo Nghị định này);

    b) Danh sách viên chức đủ tiêu chuẩn, điều kiện được cử xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp (theo Mẫu số 06 ban hành kèm theo Nghị định này);

    c) Dự kiến thành viên tham gia Hội đồng xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp;

    d) Tiêu chuẩn, điều kiện, nội dung, hình thức xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp;

    đ) Dự kiến thời gian, địa điểm và các nội dung khác để tổ chức kỳ xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp…”

    Bảo An 

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/bo-thi-thang-hang-giao-vien-tieu-hoc-duoc-xet-thang-hang-nhu-the-nao-a604665.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan
    Vụ phụ huynh hành hung giáo viên ngay giữa trường ở Đồng Tháp: Hé lộ nguyên nhân

    Vụ phụ huynh hành hung giáo viên ngay giữa trường ở Đồng Tháp: Hé lộ nguyên nhân

    Lãnh đạo UBND huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp đang xác minh vụ một nữ giáo viên Trường THCS Mỹ An (xã Mỹ An, huyện Tháp Mười) bị phụ huynh học sinh hành hung giữa sân trường trước các học sinh và sự can ngăn của các cán bộ giáo viên trong trường. Được biết trước đó nữ giáo viên này đã đánh học sinh do không thuộc bài.