+Aa-
    Zalo

    Bộ Tài chính nêu lý do không đồng ý đề xuất nâng ngưỡng chịu thuế VAT lên 250 triệu đồng

    (ĐS&PL) - Trong báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến và dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) của Bộ Tài chính mới đưa ra, cơ quan này đã giải thích lý do không ủng hộ việc nâng mức doanh thu chịu thuế giá trị gia tăng (GTGT) lên 250 triệu đồng.

    Bộ Tài chính vừa đưa ra báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến và dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi). Theo đó, cơ quan này không ủng hộ việc nâng mức doanh thu chịu thuế giá trị gia tăng (GTGT) lên 250 triệu đồng.

    Theo báo Vietnamnet, trước đó, tại dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng, Bộ Tài chính đề xuất ngưỡng doanh thu chịu thuế GTGT với cá nhân, hộ kinh doanh là 150 triệu đồng, tăng 50 triệu so với hiện hành.

    Nhiều cơ quan, địa phương như Bộ Giao thông vận tải, VCCI, đã đề nghị nâng mức doanh thu này lên 250-300 triệu đồng.

    bo tai chinh neu ly do khong dong y de xuat nang nguong chiu thue vat len 250 trieu dong

    Bộ Tài chính không đồng ý nâng ngưỡng doanh thu chịu thuế giá trị gia tăng (VAT) với cá nhân, hộ kinh doanh lên 250 triệu đồng hay 300 triệu đồng.

    Giải thích cho việc không nâng ngưỡng chịu thuế này lên 250-300 triệu, Bộ Tài chính cho rằng: Tại dự thảo Luật đã đề xuất nâng mức doanh thu của hộ, cá nhân kinh doanh từ 100 triệu lên mức 150 triệu. Mức đề xuất này căn cứ vào chỉ số lạm phát và tình hình thực tế (nếu căn cứ vào chỉ số lạm phát thì ngưỡng doanh thu tính thuế chỉ khoảng 130 triệu đồng, tuy nhiên để hỗ trợ hộ cá nhân kinh doanh, Bộ Tài chính đã đề xuất nâng lên mức 150 triệu đồng).

    "Việc nâng mức giảm thuế đối với hộ kinh doanh lên 250 triệu đồng sẽ ảnh hưởng đến số thu ngân sách tại địa phương, nhất là các địa phương có số thu thấp", Bộ Tài chính giải thích.

    Bên cạnh đó, quy định này sẽ không khuyến khích các hộ, cá nhân kinh doanh chuyển sang doanh nghiệp (doanh nghiệp cứ phát sinh doanh thu phải nộp thuế GTGT).

    Theo đó, cơ quan này đề nghị giữ như mức đề xuất tại dự thảo Luật. 

    Theo báo Nhân dân, khi góp ý cho dự thảo này, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, việc nâng ngưỡng doanh thu không chịu thuế của hộ gia đình, cá nhân kinh doanh từ 100 triệu đồng/năm lên 150 triệu đồng/năm sẽ giúp nhiều cá nhân, hộ gia đình kinh doanh nhỏ lẻ không phải thực hiện việc kê khai và nộp thuế.

    Tuy nhiên, theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp thì ngưỡng doanh thu chịu thuế 150 triệu đồng/năm vẫn tương đối thấp. Nhất là khi so sánh giữa cá nhân kinh doanh và cá nhân làm công ăn lương sẽ thấy sự bất hợp lý. Bởi hiện nay, cá nhân làm công ăn lương có mức giảm trừ gia cảnh đối với trường hợp không có người phụ thuộc là 132 triệu đồng/năm, nếu có một người phụ thuộc là 184,8 triệu đồng/năm và nếu có hai người phụ thuộc là 237,6 triệu đồng/năm.

    VCCI nêu rõ: “Với giả định trung bình mỗi người lao động có một người phụ thuộc thì ngưỡng thu nhập chịu thuế đối với người làm công ăn lương hiện cao hơn ngưỡng doanh thu chịu thuế giá trị gia tăng của cá nhân kinh doanh. Đó là chưa kể, để có thể có doanh thu, cá nhân kinh doanh sẽ phải mất các chi phí đầu vào trong khi thu nhập cá nhân thì không có các chi phí này”.

    Ngoài ra, các lĩnh vực khác nhau có kết cấu chi phí và mức thuế suất khác nhau, dù có thể cùng một mức doanh thu. Thí dụ, với lĩnh vực thương mại hàng hóa (như cửa hàng bán lẻ, tạp hóa) có chi phí đầu vào chiếm tỷ trọng lớn trong doanh thu, phần thu nhập mà cá nhân kinh doanh được hưởng không lớn và số thuế thu được chỉ từ 1,5 triệu đồng/năm. Với lĩnh vực cung cấp dịch vụ, chi phí đầu vào không đáng kể, phần giá trị gia tăng làm ra lớn hơn và số thuế phải nộp cao hơn, thấp nhất 7,5 triệu đồng/năm.

    Do đó VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc sửa đổi quy định về ngưỡng doanh thu chịu thuế của hộ, cá nhân kinh doanh theo hướng cân nhắc nâng mức doanh thu chịu thuế lên khoảng 180 đến 200 triệu đồng/năm. Đồng thời, cân nhắc phân loại theo ngành nghề tương tự như tại Điều 12.2.b của Dự thảo về phương pháp tính thuế trực tiếp, thí dụ ngành phân phối, cung cấp hàng hóa có ngưỡng cao hơn ngành dịch vụ, xây dựng.

    Trong khi đó, Hội tư vấn thuế Việt Nam (VTCA) đề xuất ngưỡng 180 - 240 triệu đồng. Bởi theo Nghị định 07, mức chuẩn thu nhập với hộ nghèo ở nông thôn hiện là 1,5 triệu đồng/người/tháng, với thành phố là 2 triệu đồng/người/tháng. Như vậy, người có thu nhập một năm 18 triệu đồng là “nghèo và cận nghèo”.

    “Nếu dựa vào biểu thuế tính thuế giá trị gia tăng, giả sử với ngành nghề kinh doanh thương mại có tỷ lệ thuế là 10%, sẽ tính ra được con số thu nhập khoảng 10 triệu đồng. Tức là, sau một quá trình kinh doanh thu về 100 triệu đồng, phần giá trị tăng thêm là 10 triệu đồng. Với 150 triệu đồng, con số thu về là 15 triệu đồng”, VTCA tính toán.

    Ở mức cao hơn, Bộ Giao thông vận tải đề nghị miễn thuế VAT cho hộ, cá nhân kinh doanh là 250 triệu đồng/năm, tương đương khoảng 10.000 USD/năm, trong khi tỉnh Quảng Ngãi cũng đề nghị con số này dưới 300 triệu đồng/năm.

    Vân Anh(T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/bo-tai-chinh-neu-ly-do-khong-dong-y-de-xuat-nang-nguong-chiu-thue-vat-len-250-trieu-dong-a613896.html
    Siết quản lý thuế trong mua bán vàng, đá quý

    Siết quản lý thuế trong mua bán vàng, đá quý

    Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) vừa có công văn gửi cục thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường công tác quản lý thuế đối với hoạt động mua bán vàng bạc, đá quý.

    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan
    Siết quản lý thuế trong mua bán vàng, đá quý

    Siết quản lý thuế trong mua bán vàng, đá quý

    Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) vừa có công văn gửi cục thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường công tác quản lý thuế đối với hoạt động mua bán vàng bạc, đá quý.