Báo Thanh niên dẫn thông tin từ Bộ Tài chính cho biết, 4 tháng đầu năm, số nợ đọng thuế tại nhiều địa phương có xu hướng tăng cao (đặc biệt các khoản nợ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất).
Cạnh đó, việc sử dụng hóa đơn điện tử theo từng lần phát sinh là quy định bắt buộc đối với tất cả các giao dịch nhưng ở một số ngành hàng vẫn còn nhiều doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có tính tuân thủ chưa cao. Nhiều người dân chưa có thói quen lấy hóa đơn khi tiêu dùng.
Trong công văn gửi lãnh đạo các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư mới đây, Bộ Tài chính đề nghị lãnh đạo các tỉnh, thành phố chỉ đạo cấp ủy, chính quyền địa phương và các sở, ngành liên quan trên địa bàn phối hợp chỉ đạo các cơ quan tài chính tại địa phương thực hiện tốt một số nhiệm vụ liên quan.
Cụ thể, về công tác quản lý nợ và thu hồi nợ thuế: thành lập Ban Chỉ đạo đôn đốc thu hồi nợ đọng thuế và tiền sử dụng đất, tiền thuê đất trên địa bàn tỉnh, thành phố (gọi tắt là Ban Chỉ đạo).
Ban Chỉ đạo rà soát danh sách người nộp thuế (NNT) có nợ thuế lớn trên địa bàn, xác định biện pháp thu hồi cụ thể đối với từng NNT, báo cáo UBND tỉnh, thành phố và tổ chức làm việc để đôn đốc thu hồi nợ thuế. Định kỳ hàng tháng, Ban Chỉ đạo báo cáo kết quả hoạt động với UBND tỉnh, thành phố và Bộ Tài chính (qua Tổng cục Thuế) để theo dõi và chỉ đạo kịp thời.
Cạnh đó, chỉ đạo các cơ quan liên quan trên địa bàn (ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng, công an, tài chính, quản lý xuất nhập cảnh...) phối hợp chặt chẽ với cơ quan thuế áp dụng các biện pháp cưỡng chế theo quy định của luật Quản lý thuế để thu hồi nợ đọng thuế.
Đặc biệt, đối với các khoản nợ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, tiền cấp quyền khai thác khoáng sản dây dưa kéo dài, tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc (nếu có) để sớm xử lý thu hồi nợ thuế. Đối với các dự án chây ỳ, nợ thuế kéo dài, không thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước, Ban Chỉ đạo tham mưu cho UBND tỉnh, thành phố thực hiện việc thu hồi đất theo quy định.
Ngoài ra, chỉ đạo cơ quan thuế và các cơ quan liên quan phối hợp cung cấp thông tin để triển khai kịp thời, hiệu quả các biện pháp cưỡng chế thu hồi nợ thuế; công khai thông tin NNT chây ỳ nợ thuế trên các phương tiện thông tin đại chúng theo quy định của pháp luật.
Đẩy mạnh thực hiện việc áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh đối với các cá nhân, cá nhân là người đại diện theo pháp luật của NNT là doanh nghiệp thuộc trường hợp đang bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế, đặc biệt là các trường hợp không còn hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký…
Thực tế, biện pháp cưỡng chế tạm hoãn xuất cảnh được cơ quan thuế, hải quan áp dụng có xu hướng tăng thời gian qua. Đây là công cụ để các cơ quan này thu hồi các khoản nợ tồn đọng về ngân sách Nhà nước. Năm 2023, thu hồi nợ thuế ước đạt 45.959 tỷ đồng. Đến cuối năm ngoái, tổng số tiền nợ do ngành thuế quản lý ước đạt 163.866 tỷ đồng, tăng 10,9% so với năm trước đó.
Nguyên nhân nợ thuế tăng do kinh tế chưa khởi sắc, doanh nghiệp khó khăn, tài sản đều đã thế chấp ở ngân hàng nên khi cưỡng chế thì chưa thu hồi được; một số người nộp thuế rời bỏ thị trường làm tăng tiền nợ khó thu.