Luật sư Lê Cao, Đoàn luật sư Thành phố Đà Nẵng chia sẻ về nội dung bỏ hình thức quản lý bằng sổ hộ khẩu trong Nghị quyết 112/NQ - CP đang được dư luận hết sức quan tâm.
Luật sư Lê Cao, Đoàn luật sư Thành phố Đà Nẵng |
PV: Vừa qua, thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký ban hành Nghị quyết 112/NQ-CP về việc đơn giản hoá thủ tục hành chính, trong đó có nội dung sẽ bỏ hình thức quản lý bằng sổ hộ khẩu. Theo luật sư, tính chất pháp lý của Nghị quyết này như thế nào, có ý nghĩa như thế nào trong việc Chính phủ mong muốn kiến tạo một nền hành chính phục vụ nhân dân?
Trước hết phải nói là chúng tôi, những người làm công tác pháp luật vui mừng trước quyết tâm của Chính phủ trong việc có ý tưởng lớn cho việc dần dẹp bỏ đi các thủ tục hành chính mang tính ép buộc, thay vào để để quản lý xã hội chúng ta cần hơn các thủ tục mang tính phục vụ người dân đồng thời cũng đạt được mục đích quản lý.
Thế nhưng, chúng tôi lưu ý ngay bởi nhiều người có thể nhầm lẫn Nghị quyết 112/NĐ-CP ngày 30/10/2017 được ban hành nghĩa là có thể bỏ ngay hộ khẩu và các thủ tục liên quan đến hộ khẩu.
Về bản chất Nghị quyết 112 thực ra không phải là một văn bản quy pham pháp luật theo quy định tại Điều 4 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, còn về nội dung ở đây phải hiểu là Chính phủ đã ban hành Nghị quyết để thông qua một phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ liên quan đến quản lý dân cư thuộc chức năng quản lý nhà nước của Bộ Công an.
Sau khi Nghị quyết được ban hành, Bộ Công an mới theo đó có các thủ tục nào cắt bỏ được thuộc thẩm quyền của Bộ thì cắt bỏ ngay, những quy định nào liên quan được điều chỉnh bởi luật do Quốc hội ban hành hoặc các quy định của Chính phủ, Bộ ngành liên quan khác thì Bộ Công an đề xuất sửa đổi, bãi bỏ để các cơ quan liên quan bỏ ngay các thủ tục về hộ khẩu hoặc các giấy tờ liên quan đến hộ khẩu.
Do đó, chuyện bỏ hộ khẩu cần một quá trình, cần thời gian dài đề hoàn tất vì có những bộ luật rất phức tạp và sự phối hợp của nhiều cơ quan, ngành để thay đổi như Luật cư trú, Luật hộ tịch, hay Luật căn cước công dân.
PV: Nhiều cơ quan quản lý đang lo lắng bởi trước nay họ quản lý dựa trên hộ khẩu nếu thay đổi thì họ dựa trên cơ sở nào để quản lý?
Rắc rối là ở chỗ chúng ta quản lý chỉ dựa trên tệp giấy hộ khẩu mà chúng ta không quản lý trên một tư duy thực chất, cho nên khi có đề xuất bỏ hộ khẩu với lộ trình thực hiện nó được cụ thể hóa bằng Nghị quyết của Chính phủ thì chắc chắn những ai quản lý trên giấy có thể hoang mang cũng đúng.
Tuy nhiên, Nghị quyết đã có các nội dung tương đối chi tiết, nếu không cần hộ khẩu nữa thì người dân khi cung cấp, đăng ký các thông tin về cư trú cũng sẽ phải thực hiện trên các biểu mẫu khác được đơn giản hơn, và khi đó chúng ta vẫn có đầy đủ thông tin về dân cư để phục vụ cho việc quản lý.
Câu chuyện chỉ là thao tác về mặt kỹ thuật, tất yếu bất kỳ sự thay đổi nào cũng sẽ phải có sự tốn kém, sự khó khăn ban đầu nhưng sau đó sẽ đơn giản hơn, sẽ tiết kiệm cho người dân và các cơ quan ban ngành hơn.
PV: Vậy những chuyện như y tế, giáo dục và các vấn đề khác liên quan đến hộ khẩu sẽ được giải quyết thế nào nếu hộ khẩu không còn?
Theo tôi, đây mới là vấn đề cần bàn đến nhất, chẳng hạn chuyện đóng bảo hiểm, hiện nay cứ phải khoanh vùng thường trú ở đâu phải đóng bảo hiểm hay khám chữa bệnh ở đó dẫn đến người dân khó khăn khi muốn tiếp cận dịch vụ y tế tốt hơn ở các địa phương khác.
Có ý kiến cho rằng cần phải như thế để tránh quá tải cho hệ thống bệnh viện công, bệnh viện ở trung tâm. Nhưng cũng có một vấn đề đặt ra là, nếu mãi như thế thì những bệnh viện nằm ngoài trung tâm thành phố, không phải đang là các bệnh viện uy tín sẽ chẳng cần phải tiến bộ, chẳng cần phải tốt lên vì kiểu gì cũng có một lượng bệnh nhân nhất định trong khu vực.
Thiệt hại ở đây không chỉ cho bệnh nhân mà cho hệ thống y tế một quốc gia, bởi lẽ khi các bệnh viện không cần cạnh canh, không cần hoàn thiện mình để phát triển thì họ sẽ tồn tại dật dờ như thời bao cấp.
Thực tế chứng minh nhiều cơ sở y tế ở các vùng quê nghèo hiện nay người dân có bảo hiểm mà họ không dám đến khám chữa bệnh vì họ không tin vào chất lượng khám chữa bệnh.
Và như thế, nhiều người có bảo hiểm nhưng buộc phải chữa bệnh ở những nơi họ không tin thì họ thà đi đến nơi uy tín để chữa trị, lãng phí khi đó phát sinh và hệ lụy nặng nề cho cả người bệnh lẫn hệ thống y tế quốc gia bởi nơi thừa nhân lực, phòng bệnh thì không có bệnh nhân, nơi thì bệnh viện bị quá tải.
Vấn đề thứ hai là chuyện giáo dục, rõ ràng người dân sống ở đâu thì họ cũng mong muốn con em mình được học gần nhà, gần nơi ở để thuận lợi nhất cho việc sinh hoạt học hành. Thế nhưng quy hoạch trường lớp đáp ứng được điều đó chưa? chất lượng giáo dục có đáp ứng được hay không, rồi tuy duy bằng cấp, tư duy phong trào ảnh hưởng như thế nào dẫn đến câu chuyện chạy trường đang xảy ra hiện nay?
Nó không hoàn toàn là câu chuyện có thể dùng hộ khẩu để quản lý. Như hiện nay, để nhằm hạn chế học sinh vào trung tâm, vào các trường có tiếng, người ta khống chế bằng hộ khẩu, nhưng qua đó lại gián tiếp đẻ ra dịch vụ “cò hộ khẩu”, đủ kiểu lách luật để chạy các loại hộ khẩu, và với các phụ huynh trọng hình thức trường lớp thì không thể ngăn cản họ lao vào các trường trung tâm thành phố, các trường có tiếng để học.
Do đó, thay đổi rào cản hộ khẩu hành chính khô khan bằng cách đầu tư trí tuệ cho quy hoạch giáo dục đồng bộ với quy hoạch dân cư, đầu tư cho sự tuyển lựa dựa trên sở thích, tư duy, dựa trên năng lực và có các cách thức để đảm bảo hệ thống các trường học đua nhau nâng chất lượng lên, thì tự thân các bậc phụ huynh không phải đua nhau chạy trường nữa, khi đó chuyện hộ khẩu và ràng buộc của nó không còn quan trọng nữa.
Hy vọng, câu chuyện bỏ hẳn hộ khẩu cần phải được hiểu ở nghĩa rộng, nếu không sau này người ta vẫn lại sẽ ưu ái cho nguồn gốc, xuất thân của những người ứng tuyển và như chúng ta vẫn thấy là nạn “con cháu các cụ cả” vẫn đang hoành hành trong nhiều cơ quan công quyền.
PV: Vậy những thủ tục hành chính khác, những vấn đề nảy sinh trong quản lý cư trú thì xử lý như thế nào để đảm bảo vận hành tốt hệ thống quản lý dân cư, thưa luật sư?
Theo Nghị quyết 112 thì đã quy định rất chi tiết đến 8 lĩnh vực có liên quan đến câu chuyện hộ khẩu, giấy tờ cá nhân được đơn giản hóa theo hướng không bắt buộc phải có hộ khẩu mới được thực hiện thủ tục.
Tuy nhiên, khi tiến hành thì các yêu cầu đối với thông tin cá nhân vẫn cần có các yêu cầu khác như sẽ sử dụng thẻ căn cước công dân hoặc chứng minh nhân dân chẳng han, do đó việc quản lý hành chính mà không có hộ khẩu sẽ không hề gặp phải sự bất tiện nào, đơn giản hơn thủ tục không những có lợi cho người dân mà còn có lợi cho người quản lý nữa.
Vấn đề còn lại là cần có sự đồng bộ phối hợp để hệ thống lại các quy định và áp dụng vào thực tế sao cho không lộn xộn, không rắc rối mà thôi. Điều này tất nhiên cần thời gian và đó là câu chuyện không chỉ một hai tháng có thể làm xong.
PV: Như vậy, theo ông chuyện có những hệ lụy cho việc quản lý chỉ đơn thuần là câu chuyện kỹ thuật và có thể sớm được hoàn thiện?
Từ tư duy đến hành động là một quá trình dài, Chính phủ có tư tưởng kiến tạo, đưa hoạt động công vụ trở thành câu chuyện kiến tạo và phục vụ thay vì chỉ nhắm vào mục đích quản lý thì xã hội sẽ phát triển.
Bỏ thủ tục hay giấy tờ về hộ khẩu không có nghĩa là chúng ta không cần quản lý về cư trú của công dân mà làm cho hoạt động quản lý đó đơn giản hơn, quan trọng hơn nữa là bỏ “hộ khẩu trong tư tưởng” trong những người làm công vụ.
Nếu chỉ bỏ hộ khẩu nhưng trong đầu họ vẫn nghĩ về xuất thân của cá nhân, nghĩ về sự coi trọng nơi ở của công dân, về phân biệt vùng miền, về tư tưởng cục bộ địa phương thì không có hộ khẩu trên thực tế vẫn sẽ có rất nhiều hộ khẩu trong tư tưởng để kìm hảm sự phát triển lại.
Do đó, từ cú hích đơn giản thủ tục hành chính rất kiên quyết lần này, mong sẽ tạo nên động lực để nền hành chính quản trị quốc gia rủ bỏ được tư tưởng về hộ khẩu đang rất nặng nề bao lâu nay.
Chúng tôi vui mừng và chờ đợi từ một sự rủ bỏ về các vấn đề mang tính thủ tục thuần túy, chúng ta có nhiều hơn sự rủ bỏ các loại trì trệ trong tư tưởng quản trị điều hành để nâng động lực phát triển xã hội lên, làm cho đất nước giàu mạnh hơn.
Xin cảm ơn luật sư về cuộc trao đổi!
Thanh Phong