Thời gian gần đây, có không ít vụ những người trẻ vì bế tắc trong cuộc sống gia đình nên nhẫn tâm sát hại con rồi tự tử khiến dư luận bàng hoàng. Trước thực trạng này, các chuyên gia tâm lý cho rằng, việc giết con rồi tự tử là dại dột, không thể chấp nhận được.
Mới đây nhất, là vụ cha giết hai con rồi tự tử ở Tuyên Quang, tiếp đó, vụ mẹ pha thuốc diệt cỏ cho 4 con uống chỉ vì mâu thuẫn gia đình xảy ra khiến dư luận không khỏi xót xa. Người ta càng đau lòng hơn khi biết được lý do cái chết là vì những rạn nứt trong hôn nhân, bế tắc vì cuộc sống gia đình. Từ đây, các chuyên gia tâm lý cho rằng, cuộc sống hiện đại khiến nhiều người trẻ dễ khủng hoảng tâm lý, mất niềm tin và tìm đến cái chết để giải quyết tất cả.
Nói về lý do bố mẹ tìm đến cái chết, chuyên gia tâm lý Trần Ly (Vũng Tàu) phân tích, cuộc sống gia đình không tránh khỏi những giây phút “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt”, vì thế mỗi người cần có một bản lĩnh nhất định.
“Sự việc đã qua nhưng có ai giải thích chính xác lý do vì sao họ- những ông bố bà mẹ vốn dĩ hiền lành lại ra tay sát hại những đứa con do mình dứt ruột đẻ ra? Có thể vì họ muốn trả thù nửa kia, họ muốn những người từng khiến họ tổn thương phải sống trong sự dằn vặt suốt quãng đời còn lại. Cũng có thể họ quá ích kỷ, bế tắc vì không muốn con cái sống với một người bố/mẹ tệ bạc như thế. Chưa kể, họ nghĩ rằng chết là giải thoát cho tất cả nên nhắm mắt làm liều", vị chuyên gia cho hay.
Bệnh nhân bị mẹ đầu độc bằng thuốc diệt cỏ đang được điều trị tại bệnh viện. Ảnh: Người Đưa Tin |
Tuy nhiên, vị chuyên gia nhấn mạnh việc tước đoạt mạng sống của con vì bế tắc gia đình thường gây sốc hơn là nhận lại được sự cảm thông, sẻ chia từ xã hội.
“Tôi đánh giá, việc kết thúc cuộc sống của con cái là sự ích kỷ, dại dột và mù quáng. Trẻ em không có khả năng tự vệ, chưa chủ động được trong cuộc sống và chúng cần có bố mẹ hướng dẫn, dạy bảo. Nhưng trớ trêu thay, chính bố mẹ sinh ra lại tước đi quyền sống của con trẻ. Thật đau lòng”, chuyên gia Trần Ly phân tích.
Từ những lý do trên, Ths. Lê Thảo (Trung tâm Kỹ năng sống Rồng Việt) cho rằng, trước khi muốn không gây tổn thương cho những đứa trẻ thì chính các cha mẹ phải tự cân bằng và chữa lành "đứa trẻ" bên trong mình. Người cha người mẹ cần học cách đối diện và vượt qua những áp lực. Tìm người chia sẻ thay vì giữ nó trong lòng, đã đến lúc các bậc cha mẹ nên nghĩ tới những nhà tham vấn tâm lý, hoặc một người khiến bạn cảm thấy an tâm để trải lòng và tìm được niềm vui trong cuộc sống gia đình.
Thứ hai, mỗi cá nhân có một sứ mệnh cuộc đời khác nhau. Đừng bao giờ tự cho mình quyền được tước đi sự sống của người khác. Kể cả chúng ta là đấng sinh thành. Hãy trả lại cho con thơ nụ cười hồn nhiên và sự yêu đời để con đủ mạnh mẽ can trường vượt qua những sóng gió cuộc sống.
Thứ ba, một gia đình hạnh phúc dựa trên nền tảng của sự tôn trọng- thấu hiểu. Chính vì vậy, trong gia đình giữa các thành viên luôn cần sự tôn trọng chia sẻ cảm xúc vui buồn. Cùng nhau giải quyết những vấn đề phát sinh trên nền tảng hòa bình để những đứa con luôn cảm thấy hạnh phúc vui vẻ khi trở về mái nhà thân yêu của mình.
Thứ tư, về phía các nhà quản lý, cần đào tạo và mở rộng các cơ sở phục hồi tâm lý cho những người bị trầm cảm, khủng hoảng, giảm thiểu tối đa nạn tự tử. Một xã hội mà tình trạng tự tử gia tăng là biểu hiện của một xã hội có nhiều bất an, rối loạn kỷ cương. Nếu không có giải pháp can thiệp kịp thời thì không ai dám nói trước sẽ không có những vụ việc đáng tiếc xảy ra, chuyên gia tâm lý cảnh báo.
Gia đình và xã hội là hai yếu tố rất quan trọng tạo nên môi trường sống của con người. Môi trường sống có lành mạnh thì mới giúp con người sống lành mạnh tránh bị khuyết tật về tinh thần. Để những đưa trẻ vô tội kia không phải chịu cùng cảnh với cha mẹ khi cuộc sống gia đình bức bách, nghèo đói dẫn đến những cái chết thương tâm.
Phương Anh